Lương và phúc lợi

1. TIỀN LƯƠNG

• Tiền lương là khoản tiền mà NSDLĐ trả cho người lao động để thực hiện công việc theo thỏa thuận, căn cứ vào năng suất lao động, khối lượng và chất lượng công việc.

• Tiền lương ghi trên hợp đồng lao động bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.

Trong đó:

1) Mức lương của người lao động không được thấp hơn mức lương tối thiểu Vùng do Chính phủ quy định;

2) Phụ cấp lương:

2a) Phụ cấp lương để bù đắp các yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ trong mức lương theo công việc hoặc chức danh của thang lương, bảng lương như phụ cấp chức vụ, chức danh; phụ cấp trách nhiệm; phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; phụ cấp thâm niên; phụ cấp khu vực; phụ cấp lưu động; phụ cấp thu hút và các phụ cấp có tính chất tương tự;

2b) Phụ cấp lương gắn với quá trình làm việc và kết quả thực hiện công việc của người lao động;

3) Các khoản bổ sung khác:

3a) Các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương;

3b) Các khoản bổ sung không xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động, trả thường xuyên hoặc không thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương gắn với quá trình làm việc, kết quả thực hiện công việc của người lao động.

Các chế độ và phúc lợi khác không thuộc tiền lương bao gồm tiền thưởng theo quy định tại Điều 103 của Bộ luật lao động, tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác. Các phúc lợi này cần được ghi thành một mục riêng trong hợp đồng lao động.

Tiền lương làm căn cứ tính trợ cấp thôi việc, thời gian ngừng việc, nghỉ hằng năm, nghỉ lễ, tết, nghỉ việc riêng có hưởng lương là mức lương, phụ cấp lương tại mục 2a) và các khoản bổ sung khác tại mục 3a) nêu trên.

Tiền lương làm căn cứ tính lương làm thêm giờ là tiền lương theo HĐLĐ (không bao gồm các chế độ và phúc lợi khác không thuộc tiền lương nêu trên).

Từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 đến ngày 31 tháng 12 năm 2017, Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là mức lương tại mục 1) và phụ cấp lương tại mục 2a) nêu trên. Từ ngày 01 tháng 01 năm 2018, Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là mức lương tại mục 1), phụ cấp lương tại mục 2a) và các khoản bổ sung khác tại mục 3a) nêu trên.

BỘ LUẬT LAO ĐỘNG, ĐIỀU 90 KHOẢN 1 & 2

NGHỊ ĐỊNH 05/2015/NĐ-CP, ĐIỀU 21

THÔNG TƯ 23/2015/TT- BLĐTBXH, ĐIỀU 3

THÔNG TƯ 47/2015/TT- BLĐTBXH, ĐIỀU 4.

2. LƯƠNG TỐI THIỂU

Mức lương tối thiểu là mức thấp nhất trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất, trong điều kiện lao động bình thường và phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ.

Mức lương tối thiểu được xác định theo tháng, ngày, giờ và được xác lập theo vùng, ngành.

Mức lương tối thiểu xác lập theo vùng (sau đây gọi là “mức lương tối thiểu vùng”), được áp dụng trong tất cả các doanh nghiệp để họ làm cơ sở cho việc xây dựng thang bảng lương và chi trả các chế độ cho người lao động.

Mức tiền lương tính theo tháng trả cho người lao động chưa qua đào tạo làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường, bảo đảm đủ số ngày làm việc tiêu chuẩn trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.

Mức lương tối thiểu vùng ở các doanh nghiệp như sau, áp dụng từ ngày 01/01/2019:

Vùng

Mức lương tối thiểu vùng (VND/tháng)

I

4.180.000

II

3.710.000

III

3.250.000

IV

2.920.000

Nhà nước luôn khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng mức lương cao hơn mức lương tối thiểu mà Chính phủ quy định. Xem quy định về vùng tại PHỤ LỤC 1.

BỘ LUẬT LAO ĐỘNG, ĐIỀU 91 KHOẢN 1

NGHỊ ĐỊNH 157/2018/NĐ-CP

3. THANG LƯƠNG, BẢNG LƯƠNG

Khi xây dựng, bổ sung hoặc sửa đổi thang bảng lương phải:

• Tham khảo ý kiến của BCHCĐ của Doanh nghiệp (hoặc BCHCĐ cấp trên trực tiếp cơ sở nếu Doanh nghiệp chưa thành lập Công đoàn)

• Gửi cơ quan quản lý lao động cấp huyện nơi Doanh nghiệp đặt cơ sở sản xuất

• Thông báo tại nơi làm việc của NLĐ trước khi thực hiện

Thang bảng lương được dùng làm cơ sở cho việc:

• Tuyển dụng, sử dụng lao động

• Thỏa thuận mức lương ghi trong Hợp đồng

• Trả lương cho người lao động

Nguyên tắc xây dựng thang lương, bảng lương:

- Mức lương thấp nhất của công việc hoặc chức danh giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng

- Khoảng cách chênh lệch giữa hai bậc lương liền kề ít nhất là 5%

- Mức lương đối với lao động có tay nghề hoặc đã qua đào tạo cao hơn ít nhất 7% so với mức tối thiểu vùng

- Mức lương của công việc độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 5% so với mức lương của công việc có độ phức tạp tương đương làm việc trong điều kiện lao động bình thường

BỘ LUẬT LAO ĐỘNG, ĐIỀU 93 ĐIỀU 3 KHOẢN 4

NGHỊ ĐỊNH 49/2013/NĐ- CP, ĐIỀU 3 KHOẢN 3 & 6

4. HÌNH THỨC TRẢ LƯƠNG

Người sử dụng lao động được quyền lựa chọn hình thức chi trả lương và phải duy trì trong một thời gian nhất định. Trường hợp thay đổi hình thức trả lương, phải thông báo cho NLĐ biết trước ít nhất 10 ngày. Có ba hình thức trả lương:

• Lương sản phẩm: áp dụng đối với NLĐ hoặc tập thể NLĐ, căn cứ vào mức độ hoàn thành số lượng, chất lượng sản phẩm được giao

- Định mức lao động phải là mức trung bình tiên tiến, bảo đảm số đông người lao động thực hiện được mà không phải kéo dài thời gian làm việc tiêu chuẩn của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật;

- Trường hợp trong thời gian làm việc tiêu chuẩn, mức thực tế thực hiện tính theo sản lượng thấp hơn 5% hoặc cao hơn 10% so với mức được giao, hoặc mức thực tế thực hiện tính theo thời gian cao hơn 5% hoặc thấp hơn 10% so với mức được giao thì doanh nghiệp phải điều chỉnh lại mức lao động;

- Thời gian áp dụng thử của định mức lao động tùy theo tính chất công việc, nhưng tối đa không quá 3 tháng và phải đánh giá việc thực hiện định mức.

• Lương thời gian (theo tháng, theo tuần, theo ngày hoặc theo giờ): là tiền lương được trả cho người lao động hưởng lương theo thời gian, căn cứ vào thời gian làm việc thực tế theo tháng, tuần, ngày, giờ, cụ thể:

- Tiền lương tháng được trả cho một tháng làm việc xác định trên cơ sở hợp đồng lao động;

- Tiền lương tuần được trả cho một tuần làm việc xác định trên cơ sở tiền lương tháng nhân với 12 tháng và chia cho 52 tuần;

- Tiền lương ngày được trả cho một ngày làm việc xác định trên cơ sở tiền lương tháng chia cho số ngày làm việc bình thường trong tháng (tính theo từng tháng dương lịch và bảo đảm cho NLĐ được nghỉ tính bình quân 01 tháng ít nhất 04 ngày) theo quy định của pháp luật mà doanh nghiệp lựa chọn;

- Tiền lương giờ thực trả của ngày làm việc bình thường được xác định trên cơ sở tiền lương thực trả theo công việc đang làm của tháng mà người lao động làm thêm giờ chia cho số giờ thực tế làm việc trong tháng (không quá 208 giờ đối với công việc có điều kiện lao động, môi trường lao động bình thường và không kể số giờ làm thêm).

• Lương khoán: áp dụng đối với cá nhân hoặc tập thể người lao động, căn cứ vào khối lượng, chất lượng công việc và thời gian phải hoàn thành

BỘ LUẬT LAO ĐỘNG, ĐIỀU 94 KHOẢN 1

NGHỊ ĐỊNH 49/2013/NĐ-CP, ĐIỀU 8;

THÔNG TƯ 23/2015/TT- BLĐTBXH, ĐIỀU 4

THÔNG TƯ 47/2015/TT- BLĐTBXH, ĐIỀU 14 KHOẢN 4

NGHỊ ĐỊNH 05/2015/NĐ-CP, ĐIỀU 22

Ví dụ 1: Công nhân A làm việc tại Bình Dương làm việc theo chế độ 48 giờ/tuần. Chủ nhật là ngày nghỉ hàng tuần. CN này được trả lương thời gian theo tháng và tiền lương trong hợp đồng là 5.000.000 đồng/tháng.

Vào tháng 2 năm 2019, công nhân A có hai (02) ngày nghỉ không hưởng lương. Tiền lương tháng cho giờ làm việc bình thường của công nhân A được tính như sau:

Cách 1: Nhà máy chọn số ngày làm việc bình thường trong tháng thay đổi tùy theo tháng, nhưng không quá 26 ngày. Như vậy, số ngày làm việc bình thường của tháng 2/2019 là 24.

Tiền lương trong tháng = 5.000.000/24*22 = 4.583.333 đồng

Cách 2: Nhà máy chọn số ngày làm việc bình thường trong tháng cố định cho tất cả các tháng trong năm là 26.

Tiền lương trong tháng = 5.000.000 - ((5.000.000/26)*2 = 4.615.385 đồng

5. CHI TRẢ LƯƠNG

Lương được trả như sau:

• Trực tiếp, đầy đủ, đúng thời hạn

• Được trả bằng tiền mặt hoặc trả qua tài khoản cá nhân của NLĐ được mở tại ngân hàng. Trường hợp trả qua tài khoản ngân hàng, thì NSDLĐ phải thỏa thuận với NLĐ về các loại phí liên quan đến việc mở, duy trì tài khoản.

Trường hợp đặc biệt do thiên tai, hỏa hoạn hoặc lý do bất khả kháng khác mà NSDLĐ đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng thời hạn theo thỏa thuận trong HĐLĐ thì không được trả chậm quá 01 tháng. Việc NSDLĐ phải trả thêm cho NLĐ do trả lương chậm được quy định như sau:

a) Nếu thời gian trả lương chậm dưới 15 ngày thì không phải trả thêm;

b) Nếu thời gian trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì phải trả thêm một khoản tiền ít nhất bằng số tiền trả chậm nhân với lãi suất trần huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương. Khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không có quy định trần lãi suất thì được tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng của ngân hàng.

BỘ LUẬT LAO ĐỘNG, ĐIỀU 94 KHOẢN 2

NGHỊ ĐỊNH 05/2015/NĐ-CP, ĐIỀU 24

6. KHẤU TRỪ LƯƠNG

• NSDLĐ chỉ được trừ lương của NLĐ để bồi thường thiệt hại do làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị của NSDLĐ theo quy định tại mục 8.8.6

• NLĐ có quyền được biết lý do mọi khoản khấu trừ vào tiền lương của mình

• Trường hợp khấu trừ thì cũng không được khấu trừ quá 30% tiền lương hàng tháng (sau khi đã trừ đi tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN và thuế thu nhập cá nhân)

BỘ LUẬT LAO ĐỘNG, ĐIỀU 101

7. LƯƠNG THỬ VIỆC/LƯƠNG HỌC VIỆC/LƯƠNG MÙA VỤ

• Lương thử việc: Doanh nghiệp có quyền thỏa thuận với NLĐ về lương thử việc ít nhất bằng 85% mức lương của vị trí đó sau thời gian thử việc

• Lương học việc: Trong trường hợp người học việc trực tiếp hoặc có tham gia làm ra sản phẩm hợp quy cách thì được trả lương theo mức do hai bên thỏa thuận

• Lương mùa vụ: được trả như những lao động bình thường khác nhưng được trả thêm những khoản khác theo mục 8.5.1

BỘ LUẬT LAO ĐỘNG, ĐIỀU 28, ĐIỀU 61 KHOẢN 2

Ví dụ: Mức lương áp dụng đối với công nhân may chính thức tại nhà máy Fortune là 5.000.000 đồng/tháng. Anh Phương xin vào làm tại nhà máy. Mức lương trong thời gian thử việc ít nhất là: :

Lương thử việc = 5.000.000 x 85% = 4.250.000 đồng/tháng

8. LƯƠNG NGỪNG VIỆC

Ngừng việc là việc ngừng sản xuất trong thời gian làm việc có thể vì các lý do:

• Lỗi của NSDLĐ

• Lỗi của NLĐ

• Vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của NSDLĐ, NLĐ hoặc vì thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch hoạ, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế

Tiền lương trong các trường hợp ngừng việc được chi trả như sau:

• NSDLĐ phải trả đủ lương cho NLĐ nếu ngừng việc do lỗi của NSDLĐ

• Nếu ngừng việc do lỗi từ phía NLĐ thì người đó sẽ không được trả lương cho những giờ ngừng việc. Những người khác vì sự cố này mà phải ngừng việc thì được trả lương theo mức do hai bên thỏa thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng

• Trong trường hợp khác, sẽ được trả theo thỏa thuận giữa các bên nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng

Tiền lương làm căn cứ để trả cho NLĐ trong thời gian ngừng việc là tiền lương ghi trong hợp đồng lao động và được tính theo hình thức lương thời gian.

BỘ LUẬT LAO ĐỘNG, ĐIỀU 98

NGHỊ ĐỊNH 05/2015/NĐ-CP, ĐIỀU 26 KHOẢN 1

9. LƯƠNG LÀM THÊM VÀ PHỤ CẤP LÀM ĐÊM

Lương làm thêm được trả theo đơn giá tiền lương của công việc theo các mức tính phụ trội so với giờ bình thường như sau:

LOẠI

MỨC CHI TRẢ ÍT NHẤT BẰNG

Làm thêm vào khung giờ ban ngày của ngày làm việc bình thường

150%

Làm thêm vào khung giờ ban ngày của ngày nghỉ hàng tuần

200%

Làm thêm vào khung giờ ban ngày của ngày lễ và các ngày nghỉ có hưởng lương

300%

Tiền lương làm vào ban đêm

130%

Tiền lương làm thêm vào ban đêm (Xem thêm quy định về làm đêm tại mục 10.4)

150% + 30% + (20% x 100% hoặc 150%) = 200%

hoặc 210% khi tăng ca vào ngày thường tùy thuộc vào việc có tăng ca vào khung giờ ban ngày trước khi tăng ca vào ban đêm hay không

200% + 30% + (20% x 200%) = 270% khi tăng ca vào ngày nghỉ hàng tuần

300% + 30% + (20% x 300%) = 390% khi tăng ca vào ngày lễ hoặc ngày nghỉ có hưởng lương

Ghi chú: NLĐ hưởng lương thời gian hoặc lương sản phẩm thì được trả thêm ít nhất bằng 300% đơn giá tiền lương nhân với thời gian hoặc đơn giá sản phẩm nhân với số sản phẩm đã làm vào ngày lễ hoặc nghỉ có hưởng lương cộng thêm tiền lương của ngày lễ hoặc ngày nghỉ đó.

BỘ LUẬT LAO ĐỘNG, ĐIỀU 97

THÔNG TƯ 23/2015/TT- BLĐTBXH, ĐIỀU 6 & 8

9.1 CÁCH TÍNH LƯƠNG LÀM THÊM GIỜ

  1. Cách tính lương làm thêm đối với ca ngày: Lương theo thời gian

Tiền lương làm thêm giờ =Tiền lương giờ thực trả (*) x 150% hoặc 200% hoặc 300% x Số giờ làm thêm

2. Cách tính lương làm thêm giờ đối với lương sản phẩm làm ca ngày

Tiền lương làm thêm giờ = Đơn giá tiền lương sản phẩm làm ca ngày x Số lượng sản phẩm làm ra trong giờ làm thêm x 150% hoặc 200% hoặc 300%

Ghi chú: (*) Tiền lương giờ thực trả được tính trên tiền lương ghi trên hợp đồng lao động, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.

BỘ LUẬT LAO ĐỘNG, ĐIỀU 97 KHOẢN 1 & 3

THÔNG TƯ 23/2015/TT- BLĐTBXH, ĐIỀU 6

Ví dụ 1: Cách tính tiền làm thêm giờ cho lương theo thời gian

Tiền lương trong hợp đồng của anh Thuận gao gồm: mức lương 5.000.000 đồng (làm việc trong điều kiện lao động bình thường với số ngày làm việc thực tế là 25 ngày/ tháng), phụ cấp trách nhiệm 200.000/tháng. Anh Thuận làm đủ công trong tháng và làm thêm 30 giờ tăng ca ngày thường trong tháng và không có giờ tăng ca nào sau 10 giờ tối. Vậy tiền lương của anh Thuận nhận được là:

* Tiền lương giờ thực trả là: (5.000.000 + 200.000)/25/8 = 26.000 đồng

* Tiền làm thêm giờ ngày thường: 26.000 x 150% x 30 = 1.170.000 đồng

* Tổng lương = 5.000.000 + 200.000 + 1.170.000 = 6.370.000 đồng

Ví dụ 2: Đối với lao động trả lương theo sản phẩm

Chị Nga làm ra 2,000 sản phẩm trong tháng với đơn giá 3.500 đồng/ sản phẩm. Trong đó, 1,600 sản phẩm được làm ra được làm ra trong giờ bình thường và 400 sản phẩm được làm ra ngoài thời giờ làm việc bình thường để làm thêm số lượng, khối lượng sản phẩm ngoài số lượng theo định mức lao động đã thỏa thuận. Tiền lương của chị Nga được tính như sau:

* Lương sản phẩm trong giờ bình thường = 1,600 sản phẩm x 3.500đ = 5.600.000 đồng

* Lương sản phẩm làm thêm giờ = 400 sản phẩm x 3.500đ x 150% = 2.100.000 đồng

* Tổng lương tháng = 5.600.000đ + 2.100.000đ = 7.700.000 đồng

9.2 LƯƠNG LÀM CA ĐÊM

Ca đêm được định nghĩa là thời gian làm việc từ 10 giờ tối đến 6 giờ sáng.

1. Đối với lương thời gian

• Tiền lương làm vào ban đêm ít nhất bằng

Tiền lương làm việc vào ban đêm = Tiền lương giờ thực trả x 130% x Số giờ làm vào ban đêm

• Tiền lương làm thêm giờ ban đêm (trường hợp NLĐ không làm thêm giờ vào ban ngày của ngày đó trước khi làm thêm giờ vào ban đêm) ít nhất bằng:

Tiền lương làm thêm giờ vào ban đêm = Tiền lương giờ thực trả x { 150% hoặc 200% hoặc 300% + 30% + 20% x 150% hoặc 200% hoặc 300% } x Số giờ làm thêm vào ban đêm

Ghi chú: Xem thêm ví dụ dưới đây về cách tính lương làm thêm giờ vào ban đêm.

Đối với lương sản phẩm

• Tiền lương vào ban đêm ít nhất bằng

Tiền lương của sản phẩm làm vào ban đêm = Đơn giá tiền lương của sản phẩm làm trong giờ tiêu chuẩn vào ban ngày x 130% x Số giờ làm vào ban đêm

• Tiền lương làm thêm giờ ban đêm (trường hợp NLĐ không làm thêm giờ vào ban ngày của ngày đó trước khi làm thêm giờ vào ban đêm) ít nhất bằng:

Tiền lương làm thêm giờ vào ban đêm = Đơn giá tiền lương sản phẩm của ngày làm việc bình thường x [150% hoặc 200% hoặc 300% + 30% +20% x 100% hoặc 200% hoặc 300%] x Số sản phẩm làm thêm vào ban đêm.

• Tiền lương làm thêm giờ ban đêm (trường hợp NLĐ có làm thêm giờ vào ban ngày của ngày đó trước khi làm thêm giờ vào ban đêm) ít nhất bằng:

Tiền lương làm thêm giờ vào ban đêm = Đơn giá tiền lương sản phẩm của ngày làm việc bình thường x [150% hoặc 200% hoặc 300% + 30% +20% x 100% hoặc 200% hoặc 300%] x Số sản phẩm làm thêm vào ban đêm.

Ví dụ: Cách tính lương làm thêm giờ vào ban đêm

Anh Thuận làm việc với tiền lương ghi trên hợp đồng lao động là 5.400.000 đồng/tháng, bao gồm: mức lương là 5.000.000 đồng và phụ cấp chức vụ là

400.000 đồng (với số ngày làm việc thực tế trong tháng là 26). Ngày 3, anh Thuận làm ca 2 (từ 13:00 - 21:00) và tăng ca thêm 2,5 tiếng (đến 23:30). Ngày 20, anh Thuận làm việc ca 2 (từ 13:00 - 21:00) rồi đi về, sau đó trở lại làm thêm từ 22:00 - 24:00 cùng ngày để hỗ trợ xuất hàng. Tiền lương làm thêm giờ của anh Thuận được tính như sau:

Lương làm thêm giờ ngày thường trong ngày 3: 5.400.000đ/26/8 x 150% x 1

= 38.924 đồng

Lương làm thêm giờ vào ban đêm ngày 3: 5.400.000đ/26/8 x (150% + 30% + 20% x 150%) x 1,5 = 81.779 đồng

Lương làm thêm giờ vào ban đêm ngày 20:

5.400.000/26/8 x (150% + 30% + 20% x 100%) x 2 = 103.846 đồng

Tổng lương làm thêm giờ của anh Thuận: 38.924đ + 81.779đ + 103.846đ =

224.549 đồng

10. TIỀN THƯỞNG

• Tiền thưởng là khoản tiền mà NSDLĐ thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh hàng năm và mức độ hoàn thành công việc của NLĐ

• Quy chế thưởng do NSDLĐ quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở

BỘ LUẬT LAO ĐỘNG, ĐIỀU 103

11. CHẾ ĐỘ PHỤ CẤP, TRỢ CẤP, NÂNG LƯƠNG

Các chế độ phụ cấp, trợ cấp, nâng bậc, nâng lương và các chế độ khuyến khích đối với người lao động được thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc quy định trong quy chế của người sử dụng lao động.

Doanh nghiệp phải xây dựng điều kiện nâng bậc lương khi xây dựng và áp dụng thang lương, bảng lương và phải lấy ý kiến của công đoàn khi xây dựng.

BỘ LUẬT LAO ĐỘNG, ĐIỀU 102

NGHỊ ĐỊNH 49/2013/NĐ-CP, ĐIỀU 7 KHOẢN 4

LUẬT CÔNG ĐOÀN SỐ 12/2012/QH13, ĐIỀU 22

KHOẢN 7

12. BẢO HIỂM XÃ HỘI, BẢO HIỂM Y TẾ, BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP

Từ ngày 01/01/2018, NLĐ có HĐLĐ từ đủ 01 tháng trở lên thì phải tham gia BHXH bắt buộc. NLĐ có HĐLĐ từ đủ 03 tháng trở lên thì phải tham gia BHYT và BHTN. Mức đóng các loại bảo hiểm dựa trên tiền lương ghi trong HĐLĐ như sau:

LOẠI BẢO HIỂM

MỨC ĐÓNG

NSDLĐ ĐÓNG

NLĐ ĐÓNG

GHI CHÚ

BHXH

25,5%

17,5%

8%

Áp dụng cho NLĐ có HĐLĐ từ đủ 01 tháng trở lên.

Mức đóng tối đa bằng 20 tháng lương cơ sở. Áp dụng cho NLĐ Việt Nam và nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

BHYT

4,5%

3%

1,5%

Áp dụng cho NLĐ có HĐLĐ từ đủ 03 tháng trở lên.

Mức đóng tối đa bằng 20 tháng lương cơ sở. Áp dụng cho NLĐ Việt Nam và nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

BHTN

2%

1%

1%

Áp dụng cho NLĐ có HĐLĐ từ đủ 03 tháng trở lên.

Mức đóng tối đa bằng 20 tháng lương tối thiểu vùng.

Áp dụng cho NLĐ Việt Nam.

LUẬT BẢO HIỂM XÃ HỘI 2014, ĐIỀU 2, ĐIỀU 5 KHOẢN 2,

ĐIỀU 85 & 86

NGHỊ ĐỊNH 115/2015/NĐ-CP QUYẾT ĐỊNH 595/QĐ-BHXH LUẬT BHYT 2008, ĐIỀU 14

LUẬT BHYT SỬA ĐỔI 2014, ĐIỀU 12

NGHỊ ĐỊNH 146/2018/NĐ-CP, ĐIỀU 7, KHOẢN 1

THÔNG TƯ 59/2015/TT- BLĐTBXH, ĐIỀU 30

LUẬT VIỆC LÀM 2013, ĐIỀU 43

NGHỊ ĐỊNH 28/2015/NĐ-CP, ĐIỀU 2

THÔNG TƯ 28/2015/TT- BLĐTBXH, ĐIỀU 4

Ví dụ 1: BHXH - BHYT - BHTN cho lao động Việt Nam

Công nhân Thu ký HĐLĐ với nhà máy với mức lương là 5.200.000 đồng/ tháng (bao gồm mức lương 5.000.000 đồng và phụ cấp thu hút 200.000 đồng). Hàng tháng, công nhân Thu phải tham gia đóng bảo hiểm xã hội, y tế và thất nghiệp:

Công nhân đóng: 5.200.000đ x (8%+1,5%+1%) = 546.000 đồng

Doanh nghiệp đóng: 5.200.000đ x (17,5% + 3% + 1%) = 1.118.000 đồng

Ví dụ 2: Bảo hiểm Y tế cho lao động người nước ngoài

Một người nước ngoài ký hợp đồng trực tiếp với doanh nghiệp với mức lương

20.000.000 đồng/tháng. Hàng tháng, nhân viên này tham gia BHYT như sau:

Nhân viên đóng: 20.000.000đ x 1,5% = 300.000đ Doanh nghiệp đóng: 20.000.000đ x 3% = 600.000đ

13. NGHỈ PHÉP CÓ HƯỞNG LƯƠNG

13.1 NGHỈ LỄ

NLĐ nghỉ lễ theo quy định và được hưởng nguyên lương trên hợp đồng lao động:

- 1 Ngày: Tết Dương Lịch (ngày 01 tháng 01 dương lịch)

- 5 Ngày: Tết Nguyên Đán (một ngày cuối năm và 4 ngày đầu năm hoặc 2 ngày cuối năm và 3 ngày đầu năm)

- 1 Ngày: Giỗ Tổ Hùng Vương (ngày 10/3 âm lịch)

- 1 Ngày: Chiến Thắng (ngày 30 tháng tư dương lịch)

- 1 Ngày: Quốc Tế Lao Động (ngày 1 tháng 5 dương lịch)

- 1 Ngày: Quốc Khánh (ngày 2 tháng 9 dương lịch)

Nếu ngày lễ rơi vào ngày nghỉ hàng tuần thì sẽ được nghỉ bù ngày tiếp theo sau đó.

Lao động nước ngoài ngoài những ngày nghỉ lễ nói trên còn được nghỉ thêm 01 ngày Tết cổ truyền dân tộc và 01 ngày Quốc khánh của nước họ.

BỘ LUẬT LAO ĐỘNG, ĐIỀU 115

13.2 NGHỈ PHÉP NĂM

NLĐ có đủ 12 tháng làm việc thì mỗi năm NLĐ có quyền nghỉ phép năm hưởng nguyên lương ghi trên hợp đồng lao động như sau:

Người lao động trong điều kiện làm việc bình thường

12 ngày

Người làm công việc nặng nhọc, độc hại hoặc nguy hiểm (*) Lao động chưa thành niên

Lao động là người khuyết tật

14 ngày

Người làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại hoặc nguy hiểm (*)

16 ngày

Ghi chú: (*) Xem chi tiết tại Phụ lục 8 & 9. Lưu ý là các Danh mục ngành, nghề nặng nhọc độc hại đều đang có hiệu lực.

• Cứ mỗi 5 năm làm việc tại nhà máy thì số ngày nghỉ hàng năm của NLĐ sẽ được tăng thêm tương ứng 1 ngày

• Người làm việc dưới 12 tháng thì ngày nghỉ phép năm sẽ được tính tương ứng với số thời gian làm việc. Số ngày nghỉ hằng năm được tính như sau:

(Số ngày nghỉ hằng năm cộng với số ngày được nghỉ tăng thêm theo thâm niên (nếu có)/ 12 tháng) x số tháng làm việc thực tế trong năm.

Kết quả phép tính lấy tròn số hàng đơn vị, nếu phần thập phân lớn hơn hoặc bằng 0,5 thì làm tròn lên 01 đơn vị.

Nếu người lao động không nghỉ hoặc nghỉ không hết những ngày nghỉ hàng năm thì sẽ được thanh toán bằng tiền những ngày chưa nghỉ.

• NSDLĐ có quyền quy định lịch nghỉ hàng năm, sau khi tham khảo ý kiến của NLĐ và phải thông báo trước cho NLĐ

BỘ LUẬT LAO ĐỘNG, ĐIỀU 111 & 112

NGHỊ ĐỊNH 45/2013/NĐ-CP, ĐIỀU 7

QUYẾT ĐỊNH 1152/2003/QĐ- BLĐTBXH

QUYẾT ĐỊNH 1629/1996/QĐ- BLĐTBXH

13.3 CHI TRẢ LƯƠNG CHO NGÀY NGHỈ HÀNG NĂM

• NSDLĐ đã bố trí lịch nghỉ hàng năm nhưng NLĐ có yêu cầu và tự nguyện đi làm vào những ngày này thì NSDLĐ phải trả nguyên tiền lương ghi trên hợp đồng lao động (100%) cho những ngày làm việc đó và tiền lương trả cho ngày nghỉ đó (100%).

• NSDLĐ không bố trí lịch nghỉ hằng năm thì tiền lương phải trả cho những ngày phép năm chưa nghỉ hết là 300%.

• NSDLĐ đã có lịch nghỉ và đã thông báo cho người lao động, nhưng huy động người lao động đi làm vào những ngày này thì tiền lương phải trả cho những ngày này là 300% tiền lương thực trả cho các ngày làm việc đó, chưa kể 100% tiền lương của các ngày nghỉ hằng năm đó.

• Khi nghỉ hằng năm, người lao động được tạm ứng trước một khoản tiền ít nhất bằng tiền lương của những ngày nghỉ.

• Cách tính tiền lương ngày nghỉ hàng năm:

- Đối với ngày nghỉ trong tháng: dựa trên tiền lương ghi trong HĐLĐ chia cho số ngày làm việc bình thường trong tháng theo quy định của NSDLĐ.

- Đối với những ngày nghỉ chưa sử dụng: dựa trên tiền lương ghi trong HĐLĐ của 06 tháng liền kề chia cho số ngày làm việc bình thường của tháng liền kề trước thời điểm tính trả.

BỘ LUẬT LAO ĐỘNG, ĐIỀU 97 KHOẢN 1 ĐIỂM C, ĐIỀU 113

KHOẢN 1, ĐIỀU 114

NGHỊ ĐỊNH 148/2018/NĐ-CP, MỤC 9

NGHỊ ĐỊNH 05/2015/NĐ-CP, ĐIỀU 26, KHOẢN 3

CÔNG VĂN 392/LĐTBXH-LT

Ví dụ: Chị Hoa làm việc tại nhà máy được 2 năm với tiền lương trong HĐLĐ

5.120.000 đồng/tháng, trong đó mức lương là 5.000.000 đồng và phụ cấp chức vụ là 120.000 đồng, và được hưởng 14 ngày nghỉ hàng năm. Trong năm 2018, Công ty không lập kế hoạch nghỉ phép năm cho NLĐ, tuy nhiên chị Hoa bận việc riêng nên đã sử dụng 5 ngày phép năm trong năm 2018. Do nhu cầu sản xuất, chị Hoa phải làm việc và chưa sử dụng hết những ngày phép còn lại trong năm 2018 nên công ty sẽ thanh toán 300% cho số ngày phép chưa nghỉ, không kể 100% tiền lương của ngày nghỉ phép đã được trả hàng tháng. Cụ thể số tiền phép của chị được tính như sau:

Số ngày phép chưa sử dụng = 14 – 5 = 9 ngày

Tiền thanh toán phép vào cuối năm của chị Hoa là: 9 x 300% x (5.120.000/26) = 5.316.923 đồng

13.4 NGHỈ VIỆC RIÊNG CÓ HƯỞNG LƯƠNG

NLĐ được nghỉ việc riêng mà vȁn hưởng nguyên lương trong những trường hợp sau đây:

• Bản thân kết hôn: Nghỉ ba ngày (3)

• Con kết hôn: Nghỉ một ngày (1)

• Bố mẹ (cả bên chồng và bên vợ) chết, vợ hoặc chồng chết, con chết: nghỉ ba ngày (3)

BỘ LUẬT LAO ĐỘNG, ĐIỀU 116 KHOẢN 1

13.5 NGHỈ BỆNH

NLĐ có tham gia bảo hiểm bắt buộc, khi nghỉ bệnh theo yêu cầu của bác sĩ (có giấy xác nhận của bệnh viện) thì được cơ quan bảo hiểm chi trả lương cho những ngày nghỉ bệnh bằng tối đa là 75% mức lương tham gia BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ bệnh.

Làm việc trong điều kiện bình thường

• 30 ngày nếu đã đóng BHXH dưới 15 năm;

• 40 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm;

• 60 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên

Làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm

Xem phụ lục 8 & 9

• 40 ngày nếu đã đóng BHXH dưới 15 năm;

• 50 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm;

• 70 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên.

Người lao động mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày

Xem phụ lục 2

• Tối đa không quá 180 ngày trong một năm tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần;

• Hết thời hạn 180 ngày mà vȁn tiếp tục điều trị thì được hưởng tiếp chế độ ốm đau với mức thấp hơn.

LUẬT BẢO HIỂM XÃ HỘI 2014, ĐIỀU 25-29, 33, 39 & 41

THÔNG TƯ 59/2015 /TT- BLĐTBXH ĐIỀU 4-7

14 NGHỈ KHÔNG HƯỞNG LƯƠNG

Người lao động được nghỉ không hưởng lương 01 ngày và phải thông báo với người sử dụng lao động khi ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột chết; bố hoặc mẹ kết hôn; anh, chị, em ruột kết hôn.

Ngoài ra người lao động có thể thoả thuận với người sử dụng lao động để nghỉ không hưởng lương.

BỘ LUẬT LAO ĐỘNG, ĐIỀU 116 KHOẢN 2 & 3

Last updated

CÔNG TY CỔ PHẦN EHS

Giới thiệuTong-len

EHS