Phân biệt đối xử
Quan hệ lao động giữa người lao động hoặc tập thể lao động với NSDLĐ được xác lập qua đối thoại, thương lượng, thoả thuận theo nguyên tắc tự nguyện, thiện chí, bình đẳng, hợp tác, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của nhau
BỘ LUẬT LAO ĐỘNG, ĐIỀU 7 KHOẢN 1
1. CHỦNG TỘC, TÔN GIÁO, QUAN ĐIỂM CHÍNH TRỊ
Mọi người đều có quyền làm việc, tự do lựa chọn việc làm, nghề nghiệp, học nghề, nâng cao trình độ nghề nghiệp và không bị phân biệt đối xử về giới tính, dân tộc, màu da, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, hoặc vì lý do thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn.
BỘ LUẬT LAO ĐỘNG, ĐIỀU 5 KHOẢN 1 ĐIỂM A, ĐIỀU 8
KHOẢN 1
Ví dụ vi phạm pháp luật: Vào cuối năm, công ty South Star thông báo phát thưởng cho công nhân, trong đó, những công nhân không gia nhập công đoàn được thưởng 2 tháng lương, những công nhân gia nhập công đoàn chỉ được thưởng 1 tháng. Lý do nhà máy đưa ra là những công nhân gia nhập công đoàn còn có quà tết từ công đoàn nên công ty giảm bớt phần thưởng từ công ty xuống. Hành động này là sự kỳ thị của nhà máy đối với những công nhân tham gia công đoàn.
2. GIỚI TÍNH VÀ TÌNH TRẠNG HÔN NHÂN
Luật lao động nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới tính và tình trạng hôn nhân. NSDLĐ phải thực hiện bình đẳng nam nữ trong tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, tiền lương và các chế độ khác. Riêng đối với việc trả lương, NSDLĐ phải bảo đảm trả lương bình đẳng, không phân biệt giới tính đối với người lao động làm công việc có giá trị như nhau
LUẬT LAO ĐỘNG, ĐIỀU 8 KHOẢN 1; ĐIỀU 90 KHOẢN 3; ĐIỀU 154 KHOẢN 1
2. LUẬT BÌNH ĐẰNG GIỚI, ĐIỀU 13 KHOẢN 1
Ví dụ vi phạm pháp luật 1: Trong khi tuyển dụng lao động để thiết lập một dây chuyền may trong xưởng sản xuất, nhà máy đã phỏng vấn 60 công nhân nữ. Những công nhân nữ được yêu cầu kiểm tra tình trạng có thai và sau đó nhà máy chỉ tuyển những công nhân nữ không mang thai. Hành động này là phân biệt đối xử với công nhân nữ mang thai.
Ví dụ vi phạm pháp luật 2: Nhà máy Dragon Design không tuyển dụng công nhân nam mới để làm trong chuyền may. Môt số ít công nhân nam còn trong chuyền may đã làm việc từ khi nhà máy mới hoạt động. Trong khi công nhân nam sử dụng được 3 - 4 máy và tạo ra năng suất cao hơn, mức lương họ được chi trả thấp hơn so với công nhân nữ. Hành động này là phân biệt đối xử đối với công nhân nam trong trả công.
Ví dụ vi phạm pháp luật 3: Vào tháng 2 hàng năm, nhà máy X Star chi khoản thưởng tháng thứ 13 cho tất cả công nhân dựa theo số tháng làm việc tại nhà máy trong năm dương lịch liền trước. Tuy nhiên, các công nhân nữ đang nghỉ sinh con hay đã có thời gian nghỉ sinh con trong năm trước đó không được nhận khoản thưởng này. Đây là hành vi phân biệt đối xử về giới trong việc chi trả đối với lao động nữ sinh con.
Ví dụ vi phạm pháp luật 4: Nhà máy XYZ có thực hành như sau: đối với công nhân nữ là tổ trưởng quản đốc, khi mang thai đến tháng thứ 7, nhà máy yêu cầu công nhân rời vị trí tổ trưởng. Đây là hành vi phân biệt đối xử về giới trong việc sử dụng bổ nhiệm lao động.
3. PHÂN BIỆT ĐỐI VỚI NGƯỜI KHUYẾT TẬT
• Nghiêm cấm việc kỳ thị, phân biệt đối xử người khuyết tật; xâm phạm thân thể, nhân phẩm, danh dự, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp của người khuyết tật
• Người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn
• NSDLĐ phải bảo đảm về điều kiện lao động, công cụ lao động, an toàn lao động, vệ sinh lao động phù hợp với lao động là người khuyết tật và thường xuyên chăm sóc sức khoẻ của họ
• NSDLĐ phải tham khảo ý kiến lao động là người khuyết tật khi quyết định những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của họ
LUẬT NGƯỜI KHUYẾT TẬT, ĐIỀU 14 KHOẢN 1&2; ĐIỀU 2 KHOẢN 1 BỘ LUẬT LAO ĐỘNG, ĐIỀU 8 KHOẢN 1 & ĐIỀU 177
4. PHÂN BIỆT ĐỐI VỚI NGƯỜI NHIỄM HIV/AIDS
• Nghiêm cấm kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV
• Phải thực hiện nguyên tắc bình đẳng đối với bệnh HIV/AIDS trong tuyển dụng và quan hệ lao động
• Không yêu cầu báo cáo xét nghiệm HIV/AIDS khi tuyển dụng
• Không được từ chối tuyển dụng đối với người bị nhiễm HIV/AIDS, ép buộc NLĐ chuyển sang làm công việc khác khi họ vȁn còn đủ sức khỏe để làm công việc đang đảm nhiệm, từ chối nâng lương, đề bạt, gây khó khăn trong quá trình làm việc của NLĐ hoặc chấm dứt HĐLĐ khi phát hiện NLĐ nhiễm HIV/AIDS
BỘ LUẬT LAO ĐỘNG, ĐIỀU 8, KHOẢN 1
LUẬT PHÒNG, CHỐNG HIV- AIDS - ĐIỀU 8, KHOẢN 3 & 14
Last updated