Chương III: Công đoàn cơ sở và Nghiệp đoàn cơ sở
Điều lệ Công đoàn Việt Nam Khóa XII
Điều 16. Điều kiện thành lập và hình thức tổ chức của Công đoàn cơ sở
1. Điều kiện thành lập Công đoàn cơ sở:
a. Công đoàn cơ sở là tổ chức cơ sở của Công đoàn, được thành lập ở các Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp khi có ít nhất năm đoàn viên Công đoàn hoặc năm người lao động có đơn tự nguyện gia nhập Công đoàn Việt Nam.
b. Nghiệp đoàn là tổ chức cơ sở của Công đoàn, tập hợp những người lao động tự do hợp pháp cùng ngành, nghề, được thành lập theo địa bàn hoặc theo đơn vị lao động khi có ít nhất mười đoàn viên Công đoàn hoặc mười người lao động có đơn tự nguyện gia nhập Công đoàn Việt Nam.
2. Hình thức tổ chức Công đoàn cơ sở, Nghiệp đoàn:
a. Công đoàn cơ sở, Nghiệp đoàn không có Tổ Công đoàn, Tổ Nghiệp đoàn.
b. Công đoàn cơ sở, Nghiệp đoàn có Tổ Công đoàn, Tổ Nghiệp đoàn.
c. Công đoàn cơ sở, Nghiệp đoàn có Công đoàn bộ phận, Nghiệp đoàn bộ phận.
d. Công đoàn cơ sở có Công đoàn cơ sở thành viên.
3. Công đoàn cơ sở, Nghiệp đoàn không đủ điều kiện tồn tại và hoạt động, Công đoàn cấp trên trực tiếp xem xét quyết định giải thể.
Điều kiện thành lập và hình thức tổ chức của công đoàn cơ sở theo Điều 16 thực hiện như sau:
12.1. Tổ chức cơ sở của công đoàn là nền tảng của tổ chức công đoàn.
a. Các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế; các hợp tác xã có sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về lao động; cơ quan xã, phường, thị trấn; các cơ quan nhà nước; các đơn vị sự nghiệp công lập, ngoài công lập có hạch toán độc lập; các chi nhánh, văn phòng đại diện của các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài có sử dụng lao động là người Việt Nam được thành lập công đoàn cơ sở khi có đủ hai điều kiện:
Có ít nhất năm đoàn viên công đoàn hoặc năm người lao động có đơn tự nguyện gia nhập Công đoàn Việt Nam.
Có tư cách pháp nhân.
b. Được phép thành lập công đoàn cơ sở ghép trong những trường hợp sau:
Các cơ quan, đơn vị có đủ tư cách pháp nhân nhưng có dưới 20 đoàn viên hoặc dưới 20 người lao động tự nguyện gia nhập công đoàn;
Các cơ quan, đơn vị có trên 20 đoàn viên hoặc trên 20 người lao động tự nguyện gia nhập công đoàn nhưng không có tư cách pháp nhân hoặc, tư cách pháp nhân không đầy đủ.
Các doanh nghiệp có đủ điều kiện về đoàn viên, có tư cách pháp nhân nhưng có chung chủ sở hữu hoặc cùng ngành nghề, lĩnh vực hoạt động trên địa bàn nếu tự nguyện liên kết thì thành lập công đoàn cơ sở có cơ cấu tổ chức công đoàn cơ sở thành viên.
12.2. Nghiệp đoàn do liên đoàn lao động cấp huyện hoặc công đoàn ngành địa phương quyết định thành lập, giải thể và chỉ đạo hoạt động.
12.3. Công đoàn cơ sở thành viên do công đoàn cơ sở quyết định thành lập sau khi được công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đồng ý. Công đoàn cơ sở chỉ đạo toàn diện đối với công đoàn cơ sở thành viên và phân cấp một số nhiệm vụ, quyền hạn cho công đoàn cơ sở thành viên. Điều kiện thành lập công đoàn cơ sở thành viên gồm:
Là tổ chức không có tư cách pháp nhân hoặc có tư cách pháp nhân không đầy đủ đang chịu sự chi phối trực tiếp của doanh nghiệp, đơn vị có công đoàn cơ sở.
Công đoàn cơ sở có nhu cầu thành lập công đoàn cơ sở thành viên.
b. Công đoàn cơ sở, công đoàn cơ sở thành viên, nghiệp đoàn có các đơn vị công tác, sản xuất khác nhau nếu cần thiết thì thành lập công đoàn bộ phận, nghiệp đoàn bộ phận, tổ công đoàn. Công đoàn bộ phận, nghiệp đoàn bộ phận do công đoàn cơ sở, hoặc công đoàn cơ sở thành viên, nghiệp đoàn chỉ đạo hoạt động và phân công nhiệm vụ. Tổ công đoàn do công đoàn cơ sở, hoặc công đoàn cơ sở thành viên, hoặc công đoàn bộ phận thành lập và chỉ đạo hoạt động.
Điều 12 Hướng dẫn 238/HD-TLĐ
Điều 17. Trình tự thành lập Công đoàn cơ sở
1. Người lao động thành lập Công đoàn cơ sở:
a. Người lao động tổ chức Ban vận động thành lập Công đoàn cơ sở tại cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và được Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, giúp đỡ.
Ban vận động thành lập Công đoàn cơ sở có nhiệm vụ đề nghị với Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở về hướng dẫn việc tuyên truyền, vận động, thu nhận đơn gia nhập Công đoàn của người lao động và chuẩn bị việc tổ chức Hội nghị thành lập Công đoàn cơ sở.
b. Khi có đủ số lượng người lao động tán thành Điều lệ Công đoàn Việt Nam, tự nguyện gia nhập tổ chức Công đoàn theo quy định tại khoản 1, Điều 16, Điều lệ này thì Ban vận động tổ chức Hội nghị thành lập Công đoàn cơ sở theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam.
c. Hội nghị thành lập Công đoàn cơ sở có nhiệm vụ công bố danh sách người lao động xin gia nhập Công đoàn; tuyên bố thành lập Công đoàn cơ sở; bầu Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở.
d. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ khi kết thúc Hội nghị thành lập Công đoàn cơ sở, Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở có trách nhiệm lập hồ sơ đề nghị Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ra quyết định công nhận đoàn viên và Công đoàn cơ sở.
đ. Hoạt động của Công đoàn cơ sở, Ban chấp hành Công đoàn cơ sở chỉ hợp pháp sau khi có quyết định công nhận của Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở.
2. Trách nhiệm của Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở trong việc thành lập Công đoàn cơ sở:
a. Cử cán bộ Công đoàn đến Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp để tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, giúp đỡ người lao động gia nhập Công đoàn; hướng dẫn, giúp đỡ, hỗ trợ người lao động tổ chức Ban vận động thành lập Công đoàn cơ sở.
b. Xem xét, ra quyết định công nhận đoàn viên, Công đoàn cơ sở trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được Văn bản đề nghị công nhận của Công đoàn cơ sở nêu tại điểm d, khoản 1, Điều này. Trường hợp không đủ điều kiện công nhận thì phải thông báo bằng văn bản với nơi đề nghị công nhận biết.
c. Trường hợp người lao động không đủ khả năng tổ chức Ban vận động thành lập Công đoàn cơ sở, hoặc đề nghị Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở thành lập Công đoàn cơ sở thì Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở có trách nhiệm vận động người lao động gia nhập Công đoàn và thực hiện các quy trình thành lập Công đoàn cơ sở như: Quyết định kết nạp đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở, chỉ định Ban Chấp hành, Ủy ban Kiểm tra lâm thời và các chức danh trong Ban Chấp hành, Ủy ban Kiểm tra lâm thời.
13.5. Trách nhiệm của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở:
a. Cán bộ công đoàn cấp trên có quyền và trách nhiệm tiếp cận người lao động tại nơi làm việc và ngoài nơi làm việc để tuyên truyền, vận động người lao động gia nhập Công đoàn.
b. Hướng dẫn, hỗ trợ, giúp đỡ người lao động thành lập công đoàn cơ sở:
Khi người lao động tổ chức ban vận động hoặc khi có đề nghị về việc thành lập công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở có trách nhiệm cử cán bộ đến cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nơi chuẩn bị thành lập công đoàn cơ sở để trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ giúp đỡ việc tổ chức ban vận động thành lập công đoàn cơ sở, tổ chức hội nghị thành lập công đoàn cơ sở. Mỗi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chỉ tổ chức một ban vận động thành lập công đoàn cơ sở. Trường hợp người lao động tổ chức nhiều ban vận động trong cùng cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thì công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở có trách nhiệm hướng dẫn, hỗ trợ, giúp đỡ người lao động liên kết thành một ban vận động, hoặc chỉ định thành viên của ban vận động thành lập công đoàn cơ sở.
c. Thẩm định, quyết định công nhận hoặc không công nhận đoàn viên, công đoàn cơ sở và ban chấp hành công đoàn cơ sở:
Trong thời hạn 15 ngày, kể từ khi nhận được hồ sơ đề nghị của công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở có trách nhiệm:
Thẩm định quá trình tổ chức ban vận động, tập hợp người lao động, đảm bảo tính tự nguyện, khách quan; quá trình tổ chức hội nghị thành lập công đoàn cơ sở và bầu ban chấp hành theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam, đảm bảo tính đại diện đối với tập thể người lao động trong cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
Trường hợp đủ điều kiện công nhận thì ra các quyết định công nhận, bao gồm:
Quyết định công nhận đoàn viên, theo danh sách đoàn viên.
Quyết định công nhận công đoàn cơ sở.
Quyết định công nhận ban chấp hành và các chức danh trong ban chấp hành. Thời gian hoạt động của ban chấp hành công đoàn cơ sở do hội nghị thành lập công đoàn cơ sở bầu ra không quá 12 tháng.
Trường hợp không đủ điều kiện công nhận thì công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở thông báo không công nhận đoàn viên hoặc công đoàn cơ sở, ban chấp hành công đoàn cơ sở. Đồng thời cử cán bộ công đoàn trực tiếp tuyên truyền, vận động người lao động tự nguyện gia nhập công đoàn; quyết định kết nạp đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở, chỉ định ban chấp hành, ủy ban kiểm tra lâm thời công đoàn và các chức danh trong ban chấp hành, ủy ban kiểm tra lâm thời công đoàn theo quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 17, Điều lệ Công đoàn Việt Nam.
Điều 13 Hướng dẫn 238/HD-TLĐ năm 2014
Điều 18. Nhiệm vụ, quyền hạn của Công đoàn cơ sở trong các Cơ quan Nhà nước, Cơ quan của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị lực lượng vũ trang, đơn vị sự nghiệp công lập
1. Tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn. Vận động đoàn viên và người lao động nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, pháp luật, khoa học kỹ thuật, chuyên môn, nghiệp vụ.
2. Phối hợp với thủ trưởng hoặc người đứng đầu Cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện quy chế dân chủ, tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức Cơ quan, đơn vị; cử đại diện tham gia các hội đồng xét và giải quyết các quyền lợi của đoàn viên và người lao động. Hướng dẫn, giúp đỡ người lao động giao kết hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc. Cùng với thủ trưởng hoặc người đứng đầu Cơ quan, đơn vị cải thiện điều kiện làm việc, chăm lo đời sống của đoàn viên, người lao động, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, hoạt động xã hội trong đoàn viên, người lao động.
3. Kiểm tra, giám sát việc thi hành các chế độ, chính sách, pháp luật, bảo đảm việc thực hiện quyền lợi của đoàn viên và người lao động. Đấu tranh ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng và các tệ nạn xã hội, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Phát hiện và tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo, giải quyết các tranh chấp lao động và thực hiện các quyền của Công đoàn cơ sở theo quy định của pháp luật.
4. Tổ chức vận động đoàn viên, người lao động trong Cơ quan, đơn vị thi đua yêu nước, thực hiện nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức, lao động tham gia quản lý Cơ quan, đơn vị, cải tiến lề lối làm việc và thủ tục hành chính nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác.
5. Phát triển, quản lý đoàn viên; xây dựng Công đoàn cơ sở vững mạnh và tham gia xây dựng Đảng.
6. Quản lý tài chính, tài sản của Công đoàn theo quy định của pháp luật và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Công đoàn cơ sở trong các cơ quan nhà nước, cơ quan của tổ chức chính trị, chính trị - xã hội và xã hội nghề nghiệp, đơn vị lực lượng vũ trang, sự nghiệp công lập (gọi chung là công đoàn cơ sở khu vực nhà nước) theo Điều 18 gồm:
14.1. Công đoàn cơ sở các cơ quan hành chính nhà nước.
14.2. Công đoàn cơ sở cơ quan xã, phường, thị trấn.
14.3. Công đoàn cơ sở các cơ quan tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, chính trị xã hội - nghề nghiệp và xã hội nghề nghiệp hưởng lương từ ngân sách Nhà nước và từ nguồn tài chính Công đoàn.
14.4. Công đoàn cơ sở các đơn vị sự nghiệp công lập gồm: Các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế, khoa học và công nghệ, văn hóa, thể thao... của nhà nước và các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội.
Điều 14 Hướng dẫn 238/HD-TLĐ
Điều 19. Nhiệm vụ, quyền hạn của Công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp Nhà nước
1. Tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn và nghĩa vụ của người lao động; vận động người lao động chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy chế của doanh nghiệp và thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
2. Phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức thực hiện quy chế dân chủ ở doanh nghiệp, tổ chức các hình thức thực hiện dân chủ tại nơi làm việc; đại diện cho tập thể lao động thương lượng, ký kết và giám sát việc thực hiện thỏa ước lao động tập thể; tham gia xây dựng điều lệ hoạt động, các nội quy, quy chế, phương án sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; xây dựng, ký kết quy chế phối hợp hoạt động với Giám đốc doanh nghiệp.
3. Tập hợp yêu cầu, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của đoàn viên, người lao động; tổ chức đối thoại giữa người lao động và Giám đốc doanh nghiệp; hướng dẫn người lao động giao kết hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc; cử đại diện tham gia các hội đồng xét và giải quyết các quyền lợi của đoàn viên, người lao động; tham gia với Giám đốc giải quyết việc làm, cải thiện điều kiện làm việc, chăm sóc sức khỏe người lao động, nâng cao thu nhập, đời sống và phúc lợi của đoàn viên, người lao động; vận động đoàn viên, người lao động tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, xã hội, tương trợ giúp đỡ nhau trong nghề nghiệp, khi khó khăn, hoạn nạn và đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, ngăn chặn các tệ nạn xã hội.
4. Giám sát việc thi hành pháp luật có liên quan đến quyền, nghĩa vụ của Công đoàn, đoàn viên, người lao động; tham gia giải quyết tranh chấp lao động, thực hiện các quyền của Công đoàn cơ sở, tổ chức và Lãnh đạo đình công theo đúng quy định của pháp luật; tổ chức, quản lý mạng lưới an toàn, vệ sinh viên và giám sát công tác an toàn vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động trong doanh nghiệp; phát động, phối hợp tổ chức các phong trào thi đua trong doanh nghiệp.
5. Phát triển, quản lý đoàn viên; xây dựng Công đoàn cơ sở vững mạnh và tham gia xây dựng Đảng.
6. Quản lý tài chính, tài sản của công đoàn theo quy định của pháp luật và tổ chức Công đoàn.
Công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp nhà nước theo Điều 19 gồm:
Công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp do nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ.
Điều 15 Hướng dẫn 238/HD-TLĐ
Điều 20. Nhiệm vụ, quyền hạn của Công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước
1. Tuyên truyền, phổ biến, vận động người lao động thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn và nội quy, quy chế của doanh nghiệp.
2. Đại diện tập thể lao động thương lượng, ký kết và giám sát việc thực hiện thỏa ước lao động tập thể; phối hợp với người sử dụng lao động hoặc đại diện người sử dụng lao động thực hiện quy chế dân chủ, mở hội nghị người lao động, xây dựng và ký kết quy chế phối hợp hoạt động; hướng dẫn người lao động giao kết hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc. Đại diện cho tập thể lao động tham gia giải quyết các tranh chấp lao động, thực hiện các quyền của Công đoàn cơ sở, tổ chức và Lãnh đạo đình công theo quy định của pháp luật.
3. Tập hợp yêu cầu, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động; tổ chức đối thoại giữa người lao động và người sử dụng lao động; phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức các phong trào thi đua, phát triển sản xuất kinh doanh chăm lo đời sống vật chất, tinh thần đối với người lao động; vận động người lao động tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, hoạt động xã hội, hỗ trợ giúp đỡ nhau trong nghề nghiệp, trong cuộc sống, đấu tranh ngăn chặn các tệ nạn xã hội.
4. Giám sát việc thực hiện pháp luật có liên quan đến quyền, nghĩa vụ người lao động và Công đoàn; tham gia các hội đồng của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật và điều lệ doanh nghiệp; tham gia xây dựng các nội quy, quy chế có liên quan đến quyền, lợi ích của người lao động; tổ chức, quản lý mạng lưới an toàn, vệ sinh viên và giám sát công tác an toàn vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động trong doanh nghiệp.
5. Phát triển, quản lý đoàn viên; xây dựng Công đoàn cơ sở vững mạnh và tham gia xây dựng Đảng.
6. Quản lý tài chính, tài sản của Công đoàn theo quy định của pháp luật và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước theo Điều 20 gồm:
Công đoàn cơ sở trong các công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty liên doanh, công ty hợp danh, doanh nghiệp tư nhân ... không có vốn sở hữu nhà nước hoặc vốn sở hữu nhà nước chiếm từ 50% trở xuống.
Điều 16 Hướng dẫn 238/HD-TLĐ
Điều 21. Nhiệm vụ, quyền hạn của Công đoàn cơ sở trong các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã
1. Tuyên truyền, phổ biến và vận động thành viên, người lao động thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn, Nghị quyết Đại hội thành viên và điều lệ hợp tác xã.
2. Đại diện người lao động thương lượng, ký kết và giám sát việc thực hiện thỏa ước lao động tập thể; hướng dẫn người lao động (không phải là thành viên) giao kết hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc. Giám sát Hội đồng Quản trị thực hiện chế độ, chính sách, phân phối thu nhập, lợi nhuận đối với thành viên;
3. Tham gia với Hội đồng Quản trị, Giám đốc (Tổng Giám đốc) để có biện pháp cải thiện điều kiện làm việc, chăm sóc sức khỏe người lao động, nâng cao thu nhập, đời sống, phúc lợi của thành viên và người lao động; tham gia giải quyết tranh chấp lao động; thực hiện các quyền của Công đoàn cơ sở về tổ chức và Lãnh đạo đình công; tổ chức, quản lý mạng lưới an toàn vệ sinh viên và giám sát công tác an toàn, vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động trong hợp tác xã; vận động thành viên và người lao động tham gia các hoạt động, văn hóa, thể thao, hoạt động xã hội, giúp đỡ nhau trong nghề nghiệp, khi khó khăn, hoạn nạn.
4. Phát triển, quản lý đoàn viên; xây dựng Công đoàn cơ sở vững mạnh và tham gia xây dựng Đảng.
5. Quản lý tài chính, tài sản của Công đoàn theo quy định của pháp luật và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Công đoàn cơ sở trong các hợp tác xã theo Điều 21 gồm:
Công đoàn cơ sở trong các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, liên minh hợp tác xã thuộc các ngành sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, thương mại, giao thông vận tải...(hợp tác xã nông nghiệp không thuộc đối tượng tập hợp của tổ chức công đoàn).
Điều 17 Hướng dẫn 238/HD-TLĐ
Điều 22. Nhiệm vụ, quyền hạn của Công đoàn cơ sở các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập
1. Tuyên truyền, phổ biến và vận động người lao động thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan trực tiếp đến người lao động, nội quy, quy chế, điều lệ của đơn vị và nghĩa vụ của người lao động.
2. Xây dựng và ký kết quy chế phối hợp hoạt động với người đứng đầu đơn vị; cử đại diện tham gia các hội đồng của đơn vị có liên quan đến quyền, lợi ích của người lao động; cùng với người đứng đầu đơn vị xây dựng và giám sát thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, cải thiện điều kiện làm việc và chăm sóc sức khỏe cho người lao động; phối hợp tổ chức các phong trào thi đua; vận động người lao động tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, hoạt động xã hội, phòng chống các tệ nạn xã hội, hỗ trợ nhau trong công tác và khi gặp khó khăn.
3. Tập hợp yêu cầu, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của người lao động; tổ chức đối thoại giữa người lao động với người đứng đầu đơn vị nhằm giải quyết những vấn đề liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người lao động. Phối hợp với người đứng đầu đơn vị tổ chức thực hiện quy chế dân chủ, Hội nghị người lao động; hướng dẫn người lao động giao kết hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, thay mặt người lao động thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể theo quy định của pháp luật.
4. Tham gia xây dựng và giám sát thực hiện nội quy, quy chế, điều lệ của đơn vị, các chế độ, chính sách, pháp luật có liên quan đến quyền, lợi ích của người lao động;
5. Phát triển, quản lý đoàn viên; xây dựng Công đoàn cơ sở vững mạnh và tham gia xây dựng Đảng.
6. Quản lý tài chính, tài sản của Công đoàn theo quy định của pháp luật và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Công đoàn cơ sở trong các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập theo Điều 22 gồm:
Các công đoàn cơ sở thuộc đơn vị sự nghiệp ngoài công lập trong các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế, khoa học và công nghệ, văn hóa, thể thao ...
Điều 18 Hướng dẫn 238/HD-TLĐ
Điều 23. Nhiệm vụ, quyền hạn của Nghiệp đoàn
1. Tuyên truyền, phổ biến, vận động đoàn viên và người lao động thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn, hướng dẫn việc thi hành các chế độ, chính sách, pháp luật có liên quan đến đời sống và điều kiện hành nghề của người lao động. Giáo dục nâng cao trình độ chính trị, văn hóa.
2. Đại diện cho đoàn viên Nghiệp đoàn quan hệ với chính quyền địa phương và Cơ quan chức năng chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên.
3. Đoàn kết tương trợ, giúp đỡ nhau trong nghề nghiệp và đời sống. Tích cực tham gia các hoạt động xã hội, đấu tranh phòng ngừa các tệ nạn xã hội.
4. Phát triển, quản lý đoàn viên; xây dựng Nghiệp đoàn vững mạnh.
5. Quản lý tài chính, tài sản của Công đoàn theo quy định của pháp luật và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Last updated