Chương VII: Tài chính và tài sản công đoàn
Điều lệ Công đoàn Việt Nam Khóa XII
Điều 37. Tài chính Công đoàn
1. Công đoàn thực hiện quản lý, sử dụng tài chính theo quy định của pháp luật và của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Tài chính của Công đoàn gồm các nguồn thu sau đây:
a. Đoàn phí Công đoàn do đoàn viên đóng hằng tháng bằng một phần trăm (1%) tiền lương.
b. Kinh phí Công đoàn do Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng hai phần trăm (2%) quỹ tiền lương của người lao động. Tiền lương là tiền lương làm căn cứ đóng Bảo hiểm xã hội.
c. Ngân sách Nhà nước cấp hỗ trợ.
d. Các nguồn thu khác: Thu từ các hoạt động văn hóa, thể thao, hoạt động kinh tế của Công đoàn; từ đề tài, đề án do Nhà nước giao; từ viện trợ, tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài.
2. Tài chính Công đoàn dùng để chi các khoản sau đây:
a. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động;
b. Tổ chức hoạt động đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động;
c. Phát triển đoàn viên công đoàn, thành lập công đoàn cơ sở, xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh;
d. Tổ chức phong trào thi đua do Công đoàn phát động;
đ. Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Công đoàn; đào tạo, bồi dưỡng người lao động ưu tú tạo nguồn cán bộ cho Đảng, Nhà nước và tổ chức Công đoàn;
e. Tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch cho người lao động;
g. Tổ chức hoạt động về giới và bình đẳng giới;
h. Thăm hỏi, trợ cấp cho đoàn viên Công đoàn và người lao động khi ốm đau, thai sản, hoạn nạn, khó khăn; tổ chức hoạt động chăm lo khác cho người lao động;
i. Động viên, khen thưởng người lao động, con của người lao động có thành tích trong học tập, công tác;
k. Trả lương cán bộ chuyên trách, phụ cấp trách nhiệm cho cán bộ Công đoàn không chuyên trách;
l. Chi cho hoạt động của bộ máy Công đoàn các cấp;
m. Các nhiệm vụ chi khác.
3. Quản lý tài chính Công đoàn:
a. Tài chính Công đoàn được quản lý theo nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, minh bạch. Thực hiện phân cấp quản lý, gắn quyền hạn với trách nhiệm của Công đoàn các cấp.
b. Ban Chấp hành, Đoàn Chủ tịch (Ban Thường vụ) Công đoàn các cấp có nhiệm vụ quản lý tài chính theo đúng quy định của pháp luật và của tổ chức Công đoàn.
Điều 38. Tài sản của Công đoàn
1. Tài sản được hình thành từ nguồn đóng góp của đoàn viên Công đoàn, từ nguồn vốn của Công đoàn; tài sản do Nhà nước chuyển giao quyền sở hữu cho Công đoàn và các nguồn khác phù hợp với quy định của pháp luật là tài sản thuộc sở hữu của Công đoàn.
2. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện quyền, trách nhiệm sở hữu tài sản của Công đoàn theo quy định của pháp luật.
3. Công đoàn các cấp được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam giao nhiệm vụ quản lý, sử dụng các tài sản và chịu trách nhiệm trước Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và trước pháp luật về việc sử dụng và quản lý các tài sản đó.
Quản lý tài chính, tài sản công đoàn theo Điều 37, Điều 38.
Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có hướng dẫn, quy định riêng về đóng đoàn phí của đoàn viên; thu, phân cấp thu, phân phối nguồn thu, sử dụng, quản lý tài chính, tài sản, hoạt động kinh tế, xây dựng cơ bản của công đoàn
Điều 26 Hướng dẫn 238/HD-TLĐ
Last updated