Chương I: Đoàn viên và cán bộ công đoàn
Điều lệ Công đoàn Việt Nam Khóa XII
Điều 1. Đối tượng và điều kiện gia nhập Công đoàn Việt Nam
1. Người Việt Nam làm công hưởng lương trong các đơn vị sử dụng lao động hoạt động hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam và người Việt Nam lao động tự do hợp pháp, không phân biệt nghề nghiệp, giới tính, tín ngưỡng, tán thành Điều lệ Công đoàn Việt Nam, tự nguyện sinh hoạt trong một tổ chức cơ sở của công đoàn, đóng đoàn phí theo quy định thì được gia nhập Công đoàn Việt Nam.
2. Khuyến khích người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, người nước ngoài lao động hợp pháp tại Việt Nam, tham gia các hình thức tập hợp của tổ chức Công đoàn Việt Nam.
3. Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hướng dẫn chi tiết Điều này.
3. Đối tượng và điều kiện gia nhập Công đoàn Việt Nam theo Điều 1 Điều lệ Công đoàn Việt Nam
3.1. Đối tượng gia nhập tổ chức Công đoàn Việt NamNgười Việt Nam làm công hưởng lương trong các đơn vị sử dụng lao động đang hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam, bao gồm:
a. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đang làm việc trong các đơn vị sự nghiệp; cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội nghề nghiệp. Đối với cơ quan xã, phường, thị trấn bao gồm những người hưởng lương, định suất lương, phụ cấp, đang làm việc trong cơ quan hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội cấp xã.
b. Người lao động làm công hưởng lương đang làm việc trong các đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã.
c. Người lao động đang làm việc trong các văn phòng đại diện của tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam.
d. Người lao động tự do, hợp pháp thuộc khu vực lao động phi chính thức, nếu có nguyện vọng, được gia nhập Công đoàn Việt Nam và được sinh hoạt theo hình thức nghiệp đoàn cơ sở.
đ. Người lao động được cơ quan có thẩm quyền cử làm đại diện quản lý phần vốn của Nhà nước, đang giữ các chức danh lãnh đạo, quản lý trong các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.
3.2. Đối tượng không kết nạp vào tổ chức Công đoàn Việt Nam
a. Người nước ngoài lao động tại Việt Nam;
b. Người lao động làm công tác quản lý trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, bao gồm: Chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh, chủ tịch hội đồng thành viên, thành viên hội đồng thành viên, chủ tịch công ty, chủ tịch hội đồng quản trị, thành viên hội đồng quản trị, giám đốc hoặc tổng giám đốc và cá nhân giữ chức danh quản lý khác có thẩm quyền nhân danh công ty ký kết giao dịch của công ty theo quy định tại điều lệ công ty;
c. Hiệu trưởng, viện trưởng; phó hiệu trưởng, phó viện trưởng được ủy quyền quản lý đơn vị hoặc ký hợp đồng lao động trong đơn vị sự nghiệp ngoài khu vực nhà nước.
d. Xã viên trong các hợp tác xã nông nghiệp;
đ. Người đang trong thời gian chấp hành các hình phạt tù theo quyết định của tòa án;
3.3. Người đang là đoàn viên hoặc cán bộ công đoàn, khi chuyển sang đảm nhiệm vị trí thuộc đối tượng không kết nạp vào tổ chức Công đoàn Việt Nam tại điểm b, điểm c mục 3.2 Hướng dẫn này, thì đương nhiên thôi là đoàn viên, thôi là cán bộ công đoàn. Trường hợp có nguyện vọng tiếp tục được tham gia sinh hoạt công đoàn, do ban chấp hành công đoàn cơ sở xem xét công nhận là đoàn viên danh dự. Người là đoàn viên danh dự có quyền và nhiệm vụ như đoàn viên công đoàn trừ quyền biểu quyết các công việc của tổ chức công đoàn, quyền ứng cử, đề cử, bầu cử đại biểu chính thức dự đại hội công đoàn cấp trên và các cơ quan lãnh đạo của tổ chức công đoàn.
3.4. Khuyến khích người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, người nước ngoài lao động hợp pháp tại Việt Nam, tham gia các hình thức tập hợp của tổ chức Công đoàn Việt Nam như sau:
a. Người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trên cơ sở quy định của luật pháp quốc gia sở tại cho phép thì liên kết để hình thành hội hoặc câu lạc bộ của người lao động Việt Nam, được Công đoàn Việt Nam hỗ trợ cung cấp thông tin về các vấn đề liên quan đến quyền của người lao động, các hình thức bảo vệ, tự bảo vệ quyền lợi của người lao động Việt Nam ở nước ngoài; Thông tin về Công đoàn Việt Nam và chương trình hợp tác của Công đoàn Việt Nam với tổ chức công đoàn nước sở tại (nếu có) trong việc hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng...
b. Người nước ngoài lao động hợp pháp tại Việt Nam hình thành các câu lạc bộ để tổ chức các hoạt động xã hội, từ thiện, hoạt động quần chúng, được Công đoàn Việt Nam hỗ trợ tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, các chương trình từ thiện, các phong trào thi đua do công đoàn phát động; được động viên, thăm hỏi, hỗ trợ khi có khó khăn vướng mắc hoặc khi có đề nghị của công đoàn quốc tế có quan hệ hợp tác với Công đoàn Việt Nam.
Hướng dẫn: Số: 03/HD-TLĐ
Điều 2. Quyền và nhiệm vụ của đoàn viên
1. Quyền của đoàn viên
a. Được tham gia thành lập công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở và hoạt động công đoàn theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam.
b. Được yêu cầu công đoàn đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng khi bị xâm phạm.
c. Được thông tin, thảo luận, đề xuất và biểu quyết công việc của tổ chức công đoàn; ứng cử, đề cử, bầu cử cơ quan lãnh đạo của tổ chức công đoàn; chất vấn cán bộ công đoàn; kiến nghị xử lý kỷ luật cán bộ công đoàn có sai phạm. Những đoàn viên ưu tú được giới thiệu để Đảng xem xét kết nạp.
d. Được phổ biến đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công đoàn và người lao động; được đề xuất với tổ chức công đoàn kiến nghị người sử dụng lao động thực hiện chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.
đ. Được công đoàn hướng dẫn, tư vấn, trợ giúp pháp lý miễn phí về pháp luật lao động, công đoàn; được công đoàn đại diện tham gia tố tụng trong các vụ án lao động để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng theo quy định của pháp luật.
e. Được công đoàn thăm hỏi, giúp đỡ khi ốm đau, khó khăn, hoạn nạn; được tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí, du lịch do công đoàn tổ chức; đoàn viên ưu tú được ưu tiên xét vào học tại các trường, lớp do công đoàn tổ chức; được công đoàn hướng dẫn, giúp đỡ tìm việc làm, học nghề.
g. Được cấp thẻ đoàn viên công đoàn và được hưởng ưu đãi khi sử dụng dịch vụ từ các thiết chế công đoàn, các hình thức liên kết, hợp tác khác của công đoàn.
h. Đoàn viên bị mất việc làm, được tạm dừng sinh hoạt công đoàn và tạm dừng đóng đoàn phí công đoàn, nhưng không quá 12 tháng kể từ ngày mất việc làm.
i. Được nghỉ sinh hoạt công đoàn khi nghỉ hưu, được công đoàn cơ sở nơi làm thủ tục về nghỉ và công đoàn địa phương nơi cư trú giúp đỡ khi có khó khăn; được tham gia sinh hoạt câu lạc bộ hưu trí, ban liên lạc hưu trí do công đoàn hỗ trợ.
2. Nhiệm vụ của đoàn viên
a. Thực hiện tốt nghĩa vụ công dân, sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
b. Chấp hành và thực hiện Điều lệ Công đoàn Việt Nam, nghị quyết của công đoàn các cấp, tham gia các hoạt động và sinh hoạt công đoàn, đóng đoàn phí theo quy định.
c. Không ngừng học tập nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp; rèn luyện phẩm chất giai cấp công nhân.
d. Đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp trong lao động và trong cuộc sống; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động và tổ chức công đoàn; không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả công việc; tham gia xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phát triển vững mạnh.
đ. Tuyên truyền, vận động người lao động gia nhập Công đoàn Việt Nam và tham gia xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh.
Điều 3. Thủ tục gia nhập Công đoàn Việt Nam, thẻ đoàn viên và chuyển sinh hoạt công đoàn
1. Thủ tục gia nhập Công đoàn Việt Nam
a. Người lao động phải có đơn tự nguyện gia nhập Công đoàn Việt Nam.
b. Ban chấp hành công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở xem xét, quyết định công nhận hoặc kết nạp đoàn viên công đoàn.
c. Nơi chưa có tổ chức công đoàn, người lao động nộp đơn gia nhập Công đoàn Việt Nam thông qua ban vận động thành lập công đoàn cơ sở theo quy định tại Điều 14 Điều lệ này, hoặc nộp đơn cho công đoàn cấp trên để được xem xét gia nhập Công đoàn Việt Nam.
d. Đoàn viên đã ra khỏi tổ chức công đoàn, nếu tiếp tục có nguyện vọng gia nhập Công đoàn Việt Nam thì phải có đơn xin gia nhập lại tổ chức Công đoàn, do công đoàn cấp trên xem xét kết nạp lại.
2. Thẻ đoàn viên
a. Thẻ đoàn viên là sự xác nhận tư cách đoàn viên của tổ chức công đoàn với một cá nhân cụ thể.
b. Người là đoàn viên công đoàn được tổ chức công đoàn phát thẻ đoàn viên để sử dụng trong các hoạt động công đoàn. Người có thẻ đoàn viên được hưởng các quyền và lợi ích theo quy định của các cấp công đoàn.
c. Việc quản lý và sử dụng thẻ thực hiện theo quy định của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn.
3. Chuyển sinh hoạt công đoàn
Khi thay đổi nơi làm việc, đoàn viên thông báo với công đoàn cơ sở nơi sinh hoạt hoặc nghiệp đoàn cơ sở nơi đang sinh hoạt về việc chuyển sinh hoạt công đoàn; trình thẻ công đoàn và bày tỏ nguyện vọng sinh hoạt công đoàn đối với ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc nghiệp đoàn cơ sở nơi đến, để được tiếp tục sinh hoạt.Ban chấp hành công đoàn nơi sinh hoạt cũ của đoàn viên gạch tên và ghi giảm số lượng; ban chấp hành công đoàn nơi sinh hoạt mới bổ sung tên và ghi tăng số lượng.
4. Thủ tục gia nhập Công đoàn Việt Nam và chuyển sinh hoạt công đoàn theo Điều 3
4.1. Thủ tục gia nhập Công đoàn Việt Nam
a. Người gia nhập công đoàn phải tán thành Điều lệ Công đoàn Việt Nam; có đơn xin gia nhập Công đoàn Việt Nam, đơn phải có chữ ký của người viết đơn (bao gồm chữ ký điện tử). Trường hợp đơn của tập thể người lao động phải có chữ ký của từng người lao động.
b. Nơi đã có công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở (sau đây gọi chung là công đoàn cơ sở), ban chấp hành công đoàn cơ sở nhận đơn, xem xét, quyết định kết nạp và tổ chức lễ kết nạp đoàn viên.
- Trong buổi lễ có thể cùng lúc kết nạp nhiều đoàn viên; những người được kết nạp phải có mặt tại buổi lễ (trừ trường hợp vắng có lý do chính đáng), công đoàn cơ sở công bố quyết định kết nạp đoàn viên, trao quyết định và trao thẻ cho đoàn viên công đoàn (nếu có).
- Những đơn vị có đông đoàn viên, ban chấp hành công đoàn cơ sở có thể ủy quyền cho công đoàn cơ sở thành viên hoặc công đoàn bộ phận, nghiệp đoàn bộ phận (gọi chung là công đoàn bộ phận), tổ công đoàn, tổ nghiệp đoàn (gọi chung là tổ công đoàn) trực thuộc tổ chức lễ kết nạp đoàn viên.
c. Nơi chưa có công đoàn cơ sở- Người lao động nộp đơn xin gia nhập công đoàn cho công đoàn cấp trên nơi gần nhất hoặc ban vận động thành lập công đoàn cơ sở (nếu có).
+ Trường hợp nộp đơn cho công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở: Trong vòng 15 ngày, kể từ ngày nộp đơn, công đoàn cấp trên phải xem xét, quyết định việc kết nạp hoặc không kết nạp đoàn viên và giới thiệu nơi sinh hoạt cho đoàn viên khi có quyết định kết nạp.
+ Trường hợp người lao động nộp đơn cho ban vận động: Trong thời gian 15 ngày kể từ khi nộp đơn, nếu nơi người lao động có đơn xin gia nhập công đoàn, chưa đủ điều kiện thành lập công đoàn cơ sở thì người lao động có quyền chuyển đơn lên công đoàn cấp trên xem xét, quyết định kết nạp đoàn viên và được giới thiệu sinh hoạt tại công đoàn cơ sở gần nơi đoàn viên đang làm việc nhất, cho đến khi công đoàn cơ sở tại nơi làm việc được thành lập.
- Trường hợp có đủ người lao động liên kết thành lập công đoàn cơ sở theo quy định, thì ban vận động tổ chức đại hội thành lập công đoàn cơ sở và đề nghị công đoàn cấp trên công nhận theo quy định tại Mục 12.1 và 12.2 của Hướng dẫn này.
d. Việc kết nạp lại đoàn viên công đoàn: Đoàn viên đã ra khỏi tổ chức công đoàn, nếu có nguyện vọng gia nhập lại tổ chức Công đoàn Việt Nam phải có đơn xin ra nhập lại gửi công đoàn cơ sở nơi làm việc. Ban chấp hành công đoàn cơ sở có trách nhiệm xem xét, thẩm định nếu đủ điều kiện thì đề nghị công đoàn cấp trên trực tiếp quyết định kết nạp lại.
4.2. Sử dụng thẻ đoàn viên công đoàn trong các trường hợp sau:
a. Biểu quyết tại đại hội, hội nghị của tổ chức công đoàn khi cần thiết.
b. Xuất trình thẻ đoàn viên khi: Chuyển sinh hoạt công đoàn; tham gia các hoạt động do công đoàn tổ chức (khi có yêu cầu); cần tư vấn, giúp đỡ của công đoàn các cấp.
c. Xuất trình thẻ đoàn viên với công đoàn cấp trên để được tham gia sinh hoạt tạm thời khi nơi làm việc chưa có tổ chức công đoàn, tổ chức công đoàn nơi làm việc bị giải thể hoặc trong thời gian nghỉ việc do chấm dứt hợp đồng lao động chưa tìm được việc làm.
d. Sử dụng thẻ đoàn viên để được hưởng ưu đãi khi sử dụng dịch vụ từ các thiết chế công đoàn, các hình thức liên kết, hợp tác khác của công đoàn.
4.3. Công tác quản lý đoàn viên công đoàn
a. Đoàn viên công đoàn được quản lý thông qua thẻ đoàn viên, do Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn thống nhất quản lý về phôi thẻ, mã số thẻ, phân cấp cho liên đoàn lao động tỉnh, thành phố, công đoàn ngành trung ương và tương đương thực hiện in thẻ đoàn viên.
b. Thẻ đoàn viên được trao trong buổi lễ kết nạp hoặc sau khi được kết nạp vào tổ chức Công đoàn Việt Nam. Đoàn viên nhận thẻ phải thực hiện đúng nguyên tắc sử dụng thẻ đoàn viên, khi mất hoặc hỏng phải báo ngay với công đoàn cơ sở nơi đang sinh hoạt để được cấp lại hoặc đổi thẻ đoàn viên. Khi phát hiện thẻ đoàn viên giả phải báo cáo kịp thời với công đoàn cơ sở hoặc công đoàn cấp trên.
c. Đoàn viên ra khỏi tổ chức công đoàn, bị khai trừ khỏi tổ chức công đoàn thì công đoàn cơ sở nơi đoàn viên công đoàn đang sinh hoạt hoặc công đoàn cấp trên xóa tên trong danh sách đoàn viên.
4.4. Thủ tục chuyển sinh hoạt công đoàn
a. Khi chuyển nơi làm việc, đoàn viên xuất trình thẻ để được sinh hoạt công đoàn tại nơi đến. Trường hợp đoàn viên chưa được cấp thẻ, công đoàn cơ sở nơi đoàn viên công đoàn chuyển đi có trách nhiệm cấp giấy giới thiệu chuyển sinh hoạt công đoàn cho đoàn viên.
b. Trường hợp nơi đoàn viên làm việc chưa có tổ chức công đoàn thì đoàn viên liên hệ với công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở nơi gần nhất theo địa giới hành chính để được hướng dẫn, giúp đỡ tiếp tục sinh hoạt công đoàn.
Hướng dẫn: Số: 03/HD-TLĐ
Điều 4. Cán bộ công đoàn
1. Cán bộ công đoàn là người đảm nhiệm các chức danh từ tổ phó công đoàn trở lên thông qua bầu cử tại đại hội hoặc hội nghị công đoàn; được cấp có thẩm quyền chỉ định, công nhận, tuyển dụng, bổ nhiệm vào các chức danh cán bộ công đoàn hoặc được giao nhiệm vụ thường xuyên để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn.
2. Cán bộ công đoàn gồm có cán bộ công đoàn chuyên trách và cán bộ công đoàn không chuyên trách.
a. Cán bộ công đoàn chuyên trách là người được cấp có thẩm quyền chỉ định, tuyển dụng, bổ nhiệm hoặc được đại hội, hội nghị công đoàn các cấp bầu ra để đảm nhiệm công việc thường xuyên trong tổ chức công đoàn.
b. Cán bộ công đoàn không chuyên trách là người làm việc kiêm nhiệm, do đoàn viên tín nhiệm bầu và được cấp có thẩm quyền của công đoàn công nhận hoặc chỉ định vào các chức danh từ tổ phó công đoàn trở lên.
5. Cán bộ công đoàn theo Điều 4
5.1. Cán bộ công đoàn bao gồm: Tổ trưởng, tổ phó công đoàn, ủy viên ban chấp hành công đoàn các cấp; ủy viên ủy ban kiểm tra công đoàn các cấp, thành viên các ban quần chúng của công đoàn các cấp thông qua bầu cử hoặc cấp công đoàn có thẩm quyền chỉ định. Cán bộ, công chức làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ trong tổ chức bộ máy của công đoàn các cấp.
5.2. Quản lý cán bộ công đoàn- Cán bộ công đoàn chuyên trách và không chuyên trách do tổ chức công đoàn ra quyết định công nhận (theo phân cấp đối với từng cấp công đoàn).- Cán bộ công đoàn chuyên trách hưởng lương từ nguồn tài chính công đoàn do công đoàn trực tiếp quản lý, thực hiện chính sách cán bộ theo quy định về phân cấp quản lý cán bộ của Đảng và của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.- Cán bộ công đoàn chuyên trách không hưởng lương từ nguồn tài chính công đoàn và cán bộ công đoàn không chuyên trách thì việc quản lý và thực hiện chính sách cán bộ do tổ chức công đoàn và đơn vị, doanh nghiệp cùng phối hợp thực hiện theo nguyên tắc: Đơn vị, doanh nghiệp thực hiện trả lương, nâng ngạch, bậc lương và các chế độ, chính sách quản lý cán bộ theo quy định chung của đơn vị, doanh nghiệp. Công đoàn cấp trên chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn về nghiệp vụ và nội dung hoạt động công đoàn; giám sát việc thực hiện chính sách đối với cán bộ công đoàn theo quy định của pháp luật và thực hiện chế độ phụ cấp theo quy định của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
5.3. Người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý là người đại diện chủ doanh nghiệp hoặc người được quyền ký hợp đồng lao động trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước; người giữ chức vụ tổng giám đốc, giám đốc doanh nghiệp nhà nước, thủ trưởng các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp khu vực nhà nước, không được kiêm nhiệm chức vụ chủ tịch công đoàn cơ sở.
Hướng dẫn: Số: 03/HD-TLĐ
Điều 5. Nhiệm vụ và quyền hạn của cán bộ công đoàn
1. Nhiệm vụ
a. Liên hệ mật thiết với đoàn viên và người lao động; lắng nghe ý kiến, kiến nghị của đoàn viên và người lao động để giải quyết hoặc báo cáo, phản ánh kịp thời với người có thẩm quyền xem xét giải quyết.
b. Tuyên truyền, vận động đoàn viên, người lao động thực hiện tốt nghĩa vụ công dân; chấp hành chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các nội quy, quy chế của đơn vị; tích cực học tập nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, pháp luật, chuyên môn, nghiệp vụ.
c. Nêu gương về mọi mặt đối với đoàn viên và người lao động; tích cực bảo vệ chế độ, bảo vệ Đảng và tổ chức Công đoàn Việt Nam.
d. Đại diện người lao động đối thoại, thương lượng tập thể theo quy định của pháp luật.
đ. Phát triển đoàn viên và xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh.
e. Đấu tranh chống các biểu hiện vi phạm đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết của công đoàn các cấp.
g. Thực hiện các nhiệm vụ khác do tổ chức công đoàn phân công.
2. Quyền hạn
a. Là người đại diện theo pháp luật hoặc theo ủy quyền, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động.
b. Được thực hiện các quyền của cán bộ công đoàn theo quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước và các quy định của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
c. Được bảo đảm điều kiện hoạt động công đoàn tại nơi làm việc theo quy định của pháp luật. Được tổ chức công đoàn bảo vệ, giúp đỡ, hỗ trợ khi gặp khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
d. Được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ công tác công đoàn.
đ. Được hưởng các chế độ, chính sách theo quy định của Đảng, Nhà nước và tổ chức Công đoàn.
e. Cán bộ công đoàn không chuyên trách khi có đủ điều kiện theo quy định và có nguyện vọng, được xem xét ưu tiên tuyển dụng làm cán bộ công đoàn chuyên trách.
Last updated