Chương V: LĐĐ tỉnh, thành phố, công đoàn ngành trung ương và tương đương, Tổng LĐLĐ Việt Nam

Điều lệ Công đoàn Việt Nam Khóa XII

Điều 30. Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố

1. Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố được tổ chức theo đơn vị hành chính cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quyết định thành lập hoặc giải thể phù hợp với quy định của pháp luật.

2. Đối tượng tập hợp của Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố là đoàn viên, người lao động trên địa bàn.

3. Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố chỉ đạo trực tiếp các Liên đoàn Lao động huyện, Công đoàn ngành địa phương, Công đoàn Tổng Công ty (thuộc tỉnh, thành phố), Công đoàn các khu công nghiệp và các Công đoàn cơ sở, Nghiệp đoàn trực thuộc (kể cả Công đoàn cơ sở các đơn vị của Trung ương không có Công đoàn ngành Trung ương hoặc Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở khác).

4. Nhiệm vụ, quyền hạn của Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố:

a. Tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn. Triển khai thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của Công đoàn cấp trên và Nghị quyết Đại hội Công đoàn tỉnh, thành phố; các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

b. Đại diện, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động trên địa bàn. Tham gia với cấp ủy Đảng, Cơ quan Nhà nước tỉnh, thành phố về các chủ trương, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các vấn đề có liên quan đến đời sống, việc làm và điều kiện làm việc của người lao động trên địa bàn. Tổ chức phong trào thi đua yêu nước và các hoạt động xã hội.

c. Phối hợp với các Cơ quan chức năng của Nhà nước, Công đoàn ngành Trung ương thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật và các chính sách có liên quan trực tiếp đến đoàn viên, người lao động trong các Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; hướng dẫn và chỉ đạo việc giải quyết tranh chấp lao động, tham gia hội đồng trọng tài lao động ở địa phương, điều tra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong các doanh nghiệp trên địa bàn.

d. Chỉ đạo các Công đoàn ngành địa phương, Liên đoàn Lao động huyện, Công đoàn các khu công nghiệp, Công đoàn Tổng Công ty (thuộc tỉnh, thành phố) và Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở khác thực hiện các nhiệm vụ theo quy định tại Điều 25, Điều 26, Điều 27 và Điều 28 Điều lệ này.

Phối hợp với Công đoàn ngành Trung ương và tương đương chỉ đạo các Công đoàn cơ sở trực thuộc Công đoàn ngành Trung ương và tương đương đóng trên địa bàn.

đ. Hướng dẫn, chỉ đạo các Công đoàn cơ sở trực thuộc các Công đoàn cấp trên cơ sở khác đóng trên địa bàn tỉnh, thành phố những nội dung sau đây:

- Triển khai thực hiện Nghị quyết của Đảng, các chủ trương, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng.

- Phối hợp với các Cơ quan chức năng của Nhà nước ở địa phương thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách đối với người lao động; điều tra các vụ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp lao động; đại diện bảo vệ người lao động trong các vụ án về lao động và Công đoàn khi người lao động yêu cầu.

e. Tổ chức, vận động đoàn viên và người lao động rèn luyện học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghề nghiệp; quản lý và tổ chức các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao, các cơ sở văn hóa công nhân, các cơ sở dạy nghề, giới thiệu việc làm và tư vấn pháp luật của Công đoàn theo quy định của Nhà nước và tổ chức Công đoàn.

g. Thực hiện quy hoạch, quản lý, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và thực hiện chính sách đối với cán bộ được phân cấp quản lý.

h. Hướng dẫn, chỉ đạo Đại hội các Công đoàn cấp dưới; phát triển đoàn viên, xây dựng Công đoàn cơ sở và Nghiệp đoàn vững mạnh.

i. Thực hiện công tác đối ngoại theo quy định của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

k. Quản lý tài chính, tài sản và hoạt động kinh tế của Công đoàn theo quy định của pháp luật và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Điều 31. Công đoàn ngành Trung ương

1. Công đoàn ngành trung ương do Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quyết định thành lập hoặc giải thể phù hợp với đặc điểm của ngành.

Trường hợp trong một bộ có nhiều Công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện theo quy định Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

2. Đối tượng tập hợp của Công đoàn ngành Trung ương là đoàn viên, người lao động trong Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thuộc ngành.

Công đoàn ngành Trung ương trực tiếp quản lý và chỉ đạo Công đoàn Cơ quan Trung ương, Công đoàn Tổng Công ty và tương đương thuộc bộ, ngành, theo quy định của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

3. Nhiệm vụ, quyền hạn của Công đoàn ngành Trung ương:

a. Tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn.

b. Đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động thuộc ngành.

c. Nghiên cứu tham gia quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội của ngành:

- Nghiên cứu tham gia với bộ, ngành về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của ngành, gắn với việc xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công nhân lao động trong ngành.

- Nghiên cứu tham gia xây dựng pháp luật, các chế độ, chính sách lao động, tiền lương, Bảo hộ Lao động, Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế và các chế độ, chính sách khác có liên quan đến người lao động cùng ngành, nghề; tham gia cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, chông lãng phí.

- Đại diện cho người lao động thương lượng ký thỏa ước lao động tập thể ngành.

- Phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách thuộc ngành, nghề; tham gia các hội đồng của ngành để giải quyết các vấn đề có liên quan đến người lao động; kiến nghị với Cơ quan Nhà nước bổ sung, sửa đổi và giải quyết những chế độ, chính sách ngành, nghề đáp ứng yêu cầu phát triển ngành.

- Phối hợp hướng dẫn, tổ chức các phong trào thi đua yêu nước và các hoạt động xã hội phù hợp với đặc điểm ngành.

d. Nghiên cứu đề xuất với Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về mô hình tổ chức; chức năng, nhiệm vụ của mỗi cấp thuộc Công đoàn ngành; hướng dẫn chỉ đạo Đại hội các Công đoàn cấp dưới; thực hiện quy hoạch, quản lý, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và thực hiện chính sách cán bộ theo phân cấp.

đ. Hướng dẫn, chỉ đạo Công đoàn cấp dưới:

- Triển khai các Chỉ thị, Nghị quyết của Công đoàn cấp trên, Nghị quyết Đại hội Công đoàn ngành Trung ương.

- Tham gia quản lý, thực hiện quy chế dân chủ cơ sở; đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; thương lượng và ký thỏa ước lao động tập thể.

- Tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật liên quan đến đoàn viên và người lao động, vận động đoàn viên, người lao động nâng cao trình độ, nghề nghiệp. Tổ chức phong trào thi đua yêu nước và các hoạt động xã hội phù hợp với đặc điểm ngành.

e. Chủ động phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố chỉ đạo hướng dẫn các Công đoàn ngành địa phương thực hiện các nội dung: Chế độ, chính sách lao động ngành; tuyên truyền, giáo dục truyền thông ngành; phương hướng nhiệm vụ phát triển ngành; thành lập Công đoàn trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước cùng ngành.

g. Chủ động phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố xây dựng quy chế phối hợp chỉ đạo các Công đoàn cơ sở của ngành đóng trên địa bàn tỉnh, thành phố.

h. Thực hiện công tác đối ngoại theo quy định của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

i. Quản lý tài chính, tài sản và hoạt động kinh tế của Công đoàn theo quy định của pháp luật và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Tổ chức và hoạt động công đoàn ngành trung ương và tương đương theo Điều 31.

22.1. Công đoàn ngành Trung ương trực tiếp chỉ đạo công đoàn cơ quan bộ, công đoàn tổng công ty và cấp tương đương (công đoàn đại học quốc gia, đại học vùng, công đoàn cục, tổng cục,...) và các công đoàn cơ sở các đơn vị trực thuộc bộ.

22.2. Hoạt động công đoàn trong một bộ có công đoàn ngành Trung ương, công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn.

Trong một bộ có nhiều công đoàn ngành Trung ương, công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn thì công đoàn ngành Trung ương có đại diện tham gia ban cán sự đảng bộ được quyền đại diện để tham gia với lãnh đạo bộ. Việc phối hợp hoạt động giữa các công đoàn ngành Trung ương, công đoàn tổng công ty trong cùng một bộ trực thuộc Tổng Liên đoàn được thực hiện theo quy định của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn.

22.3. Công đoàn Viên chức Việt Nam:

Công đoàn Viên chức Việt Nam là công đoàn ngành Trung ương, tập hợp cán bộ, công chức, viên chức, lao động làm việc tại cơ quan, đơn vị trực thuộc các ban của Đảng; Văn phòng Quốc hội; Văn phòng Chính phủ; cơ quan Trung ương của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội nghề nghiệp; các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ nơi không có công đoàn ngành Trung ương.

Điều 22 Hướng dẫn 238/HD-TLĐ

Điều 32. Công đoàn trong Quân đội nhân dân Việt Nam

1. Công đoàn trong Quân đội Nhân dân Việt Nam là Công đoàn ngành Trung ương thuộc hệ thống tổ chức của Công đoàn Việt Nam.

2. Công đoàn trong Quân đội Nhân dân Việt Nam tập hợp những cán bộ, công nhân viên chức Quốc phòng, người lao động đang làm việc hưởng lương trong các doanh nghiệp, đơn vị cơ sở trong Quân đội Nhân dân Việt Nam.

3. Tổ chức và hoạt động Công đoàn trong Quân đội Nhân dân Việt Nam do Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quy định sau khi thống nhất với Cơ quan có thẩm quyền của Bộ Quốc phòng trên nguyên tắc bảo đảm đúng các quy định của Luật Công đoàn và Điều lệ Công đoàn Việt Nam.

Tổ chức và hoạt động của công đoàn trong Quân đội nhân dân Việt Nam theo Điều 32 thực hiện như sau:

23.1. Đối tượng kết nạp vào Công đoàn Việt Nam trong Quân đội nhân dân Việt Nam gồm: Cán bộ, công nhân, viên chức, lao động quốc phòng (gọi chung là người lao động) đang làm việc trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, khoa học kỹ thuật, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong Quân đội nhân dân Việt Nam (gọi tắt là Quân đội).

23.2. Việc thành lập công đoàn cơ sở trong Quân đội:

a. Công đoàn cơ sở trong Quân đội được thành lập theo quy định của Luật Công đoàn và Điều lệ Công đoàn Việt Nam khi có đủ hai điều kiện: cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có tư cách pháp nhân và có ít nhất năm đoàn viên hoặc năm người lao động có đơn tự nguyện gia nhập Công đoàn Việt Nam. Không thành lập công đoàn cơ sở ở đơn vị làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu.

b. Khi thành lập công đoàn cơ sở theo quy định, Ban Công đoàn Quốc phòng có trách nhiệm thẩm định và thông báo cho cơ quan có thẩm quyền ra quyết định công nhận hoặc không công nhận về đoàn viên, công đoàn cơ sở và ban chấp hành công đoàn cơ sở theo Điều 17 Điều lệ Công đoàn Việt Nam và mục 13 của Hướng dẫn này.

c. Cơ cấu tổ chức và nhiệm vụ của công đoàn cơ sở trong Quân đội, thực hiện theo quy định của Luật Công đoàn, Điều lệ Công đoàn Việt Nam và cơ quan có thẩm quyền của Bộ Quốc phòng

.Điều 23 Hướng dẫn 238/HD-TLĐ

Điều 33. Công đoàn Công an Nhân dân Việt Nam

1. Công đoàn Công an Nhân dân Việt Nam (sau đây gọi tắt là Công đoàn Công an) là Công đoàn ngành Trung ương thuộc hệ thống tổ chức của Công đoàn Việt Nam, có đầy đủ vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn.

2. Công đoàn Công an tập hợp những cán bộ, công nhân, viên chức, lao động đang làm việc, hưởng lương trong các doanh nghiệp, Cơ quan, đơn vị khoa học - kỹ thuật, sự nghiệp và phục vụ trong Công an.

3. Tổ chức và hoạt động của Công đoàn Công an do Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quy định sau khi thống nhất với Cơ quan có thẩm quyền của Bộ Công an trên nguyên tắc bảo đảm đúng các quy định của Luật Công đoàn và Điều lệ Công đoàn Việt Nam.

Tổ chức và hoạt động của công đoàn Công an nhân dân Việt Nam theo Điều 33 thực hiện theo Quy định liên tịch giữa Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và cơ quan có thẩm quyền của Bộ Công an.

Điều 24 Hướng dẫn 238/HD-TLĐ

Điều 34. Nhiệm vụ, quyền hạn của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

1. Quyết định chương trình, nội dung hoạt động của Công đoàn nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội Công đoàn toàn quốc và các Nghị quyết của Đảng Cộng sản Việt Nam; chỉ đạo và hướng dẫn hoạt động của các cấp Công đoàn. Tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn. Chỉ đạo công tác nghiên cứu lý luận Công đoàn, tổng kết thực tiễn về giai cấp công nhân và hoạt động Công đoàn.

2. Tham gia quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội; tham gia xây dựng, thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách, pháp luật về kinh tế - xã hội, lao động, việc làm, tiền lương, Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, bảo hộ lao động và chính sách, pháp luật khác có liên quan đến tổ chức Công đoàn, quyền, nghĩa vụ của người lao động theo quy định của pháp luật; tổ chức, quản lý công tác nghiên cứu khoa học kỹ thuật bảo hộ lao động; tham gia các ủy ban quốc gia, hội đồng quốc gia về các vấn đề có liên quan đến người lao động.

3. Phối hợp với các Cơ quan của Đảng, Cơ quan Nhà nước, để bồi dưỡng nâng cao trình độ văn hóa, chính trị, chuyên môn, nghề nghiệp cho đoàn viên và người lao động đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Phối hợp với Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể ở Trung ương tổ chức các phong trào thi đua yêu nước và các hoạt động xã hội trong đoàn viên và người lao động.

4. Quyết định phương hướng, biện pháp về công tác tổ chức, cán bộ; xây dựng cơ cấu tổ chức bộ máy, chức danh cán bộ Công đoàn; Thực hiện quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, quản lý, sử dụng và chính sách cán bộ; bố trí cán bộ chuyên trách Công đoàn theo phân cấp quản lý.

5. Chỉ đạo các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch của Công đoàn các cấp.

6. Mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế với các tổ chức Công đoàn các nước, các tổ chức quốc tế theo đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước.

7. Thông qua quyết toán, dự toán ngân sách hằng năm, quyết định các chủ trương biện pháp quản lý tài chính, tài sản và hoạt động kinh tế Công đoàn.

Last updated

CÔNG TY CỔ PHẦN EHS

Giới thiệuTong-len

EHS