2.2 Giàn giáo và thang
QCVN 18:2021/BXD
2.2.1 Quy định chung
2.2.1.1 Tại những vị trí, khu vực trên công trình, công trường có nguy cơ người lao động bị trượt, ngã khi thực hiện công việc (như khi phải làm việc trên cao, trên mặt sàn hoặc dưới hố sâu, mặt ngoài công trình, đi lại giữa các tầng, lên xuống dốc) thì người sử dụng lao động phải bố trí giàn giáo và (hoặc) thang, bản dốc, các phương tiện khác; đồng thời phải có các quy định về quản lý, sử dụng và kiểm tra, bảo trì thường xuyên để ĐBAT cho người lao động.
2.2.1.2 Giàn giáo phải đảm bảo để người lao động tiếp cận an toàn bằng việc sử dụng các phương tiện như thang (thang bậc, thang leo) hoặc bản dốc. Thang, bản dốc phải chắc chắn và không bị xê dịch.
2.2.1.3 Thang, các bộ phận của giàn giáo và giàn giáo phải được thiết kế, chế tạo, lắp dựng, sử dụng, kiểm tra, bảo trì theo các tiêu chuẩn áp dụng và chỉ dẫn của nhà sản xuất.
2.2.1.4 Đối với với giàn giáo cao từ 28 m trở lên, nhà thầu có thể tự thực hiện thiết kế nếu có kinh nghiệm thực hiện các công việc tương tự hoặc lựa chọn tổ chức, cá nhân thiết kế kết cấu phù hợp.
CHÚ THÍCH: Chiều cao giàn giáo được tính từ nền đỡ chân giàn giáo đến đỉnh của giàn giáo (nền đỡ có thể là mặt đất hoặc kết cấu đỡ).
2.2.1.5 Giàn giáo và các bộ phận của giàn giáo phải:
a) Được thiết kế để ngăn ngừa các yếu tố nguy hiểm đối với người lao động trong quá trình lắp đặt và tháo dỡ; các bộ phận như lan can an toàn, sàn công tác, thanh neo, thanh chống, thanh ngang, thang, bản dốc và các phương tiện hoặc thiết bị bảo vệ khác có thể dễ dàng lắp đặt, tổ hợp với nhau; các yêu cầu và điều kiện để ngăn ngừa giàn giáo bị sụp đổ hoặc bị xê dịch, dịch chuyển đột ngột phải được quy định rõ;
b) Được chế tạo từ vật liệu, sản phẩm đảm bảo chất lượng và phù hợp với mục đích sử dụng; có đầy đủ các kích cỡ cần thiết và đảm bảo KNCL theo yêu cầu sử dụng;
c) Được bảo trì theo quy định.
2.2.1.6 Đối với giàn giáo, thang và các bộ phận của chúng làm bằng các vật liệu, cấu kiện, sản phẩm phi kim loại (như gỗ, tre) và phi tiêu chuẩn, người sử dụng lao động có trách nhiệm lập hồ sơ thiết kế (trong đó tối thiểu phải bao gồm sơ đồ lắp dựng, cấu tạo các bộ phận, chi tiết chính), có biện pháp và trình tự lắp dựng; sau khi lắp dựng giàn giáo loại này vào vị trí thì phải kiểm tra độ chắc chắn, ổn định của giàn giáo và các chi tiết liên kết; phải thử nghiệm khả năng chịu tải theo yêu cầu sử dụng với hệ số vượt tải của tải trọng thử nghiệm không nhỏ hơn 4 (bốn). Việc thử nghiệm phải được người có thẩm quyền giám sát và xác nhận.
CHÚ THÍCH 1: Người có thẩm quyền là người giám sát xây dựng của chủ đầu tư (hoặc tổng thầu EPC).
CHÚ THÍCH 2: Các yêu cầu khác đối với giàn giáo, thang và các bộ phận khác làm bằng các vật liệu phi kim loại, phi tiêu chuẩn xem 2.2.2, 2.2.3, 2.2.4, 2.2.5, 2.2.7 và 2.2.8.
2.2.2 Sử dụng vật liệu
2.2.2.1 Vật liệu sử dụng để chế tạo và lắp dựng giàn giáo phải là các vật liệu đảm bảo chất lượng và phù hợp quy định tại 2.1.1.5.
2.2.2.2 Gỗ (thanh, cây, ván gỗ) và các vật liệu phi kim loại khác được sử dụng để làm giàn giáo phải thẳng, cứng và không có các khuyết tật (sâu mọt, mục, thủng, nứt nẻ) có thể gây ảnh hưởng đến KNCL của giàn giáo.
2.2.2.3 Không sử dụng các dây buộc bị lỗi (dây đã tiếp xúc với axit, các chất ăn mòn khác, dây đã bị hư hỏng hoặc có khuyết tật) vào giàn giáo. Dây buộc, đai căng (siết) sử dụng trong giàn giáo gỗ và các vật liệu phi kim loại khác phải được thử nghiệm về KNCL và phù hợp với yêu cầu thiết kế hoặc các tiêu chuẩn áp dụng của vật liệu có liên quan và phải được người có thẩm quyền chấp thuận.
CHÚ THÍCH: Người có thẩm quyền theo quy định tại 2.2.1.6.
2.2.2.4 Các tấm ván sử dụng cho giàn giáo phải được bảo vệ để chống nứt, tách.
2.2.2.5 Thang và các tấm ván sử dụng trong giàn giáo không được sơn phủ che khuất bề mặt để bất kỳ khiếm khuyết nào cũng có thể được phát hiện bằng mắt.
2.2.2.6 Vật liệu chế tạo giàn giáo phải được cất giữ riêng và bảo quản trong điều kiện phù hợp để không bị ảnh hưởng đến chất lượng.
2.2.2.7 Các thanh, ống giáo, ống nối và các phụ kiện của giàn giáo ống kim loại phải:
a) Sử dụng loại vật liệu đảm bảo chất lượng, phù hợp với tiêu chuẩn áp dụng;
b) Không bị hư hỏng, biến dạng;
c) Được chống ăn mòn bằng các chất phù hợp.
2.2.2.8 Các ống nối phải được chế tạo từ thép tôi nhiệt hoặc vật liệu tương đương và phải được lắp đặt để không gây ra biến dạng cho ống giáo, thanh giáo.
2.2.2.9 Các ống giáo phải thẳng và mặt cắt đầu ống phải thẳng vuông góc với trục ống. Không được sử dụng các ống giáo bị rạn, nứt, biến dạng hoặc bị ăn mòn.
2.2.2.10 Không được sử dụng đồng thời ống (thanh) giáo thép và ống (thanh) giáo hợp kim khác trong cùng một giàn giáo hoặc hệ giàn giáo.
2.2.3 Thiết kế, chế tạo, lắp dựng
2.2.3.1 Giàn giáo phải được thiết kế để chịu tải trọng và tác động sau:
a) Trọng lượng bản thân của giàn giáo và các bộ phận của chúng;
b) Tải trọng theo phương đứng dự tính lớn nhất lên giàn giáo với hệ số an toàn của tải trọng mà giàn giáo phải nâng, đỡ tối thiểu bằng 4 (bốn) hoặc theo quy định của cơ quan có thẩm quyền. Riêng đối với dây, cáp treo của giàn giáo treo phải được thiết kế với tải trọng lớn nhất lên dây với hệ số an toàn tối thiểu bằng 6 (sáu) hoặc theo quy định của cơ quan có thẩm quyền;
CHÚ THÍCH: Tải trọng theo phương đứng lên giàn giáo được xác định từ trọng lượng của người, vật tư, vật liệu, sản phẩm, thiết bị, dụng cụ và những vật khác mà giàn giáo phải nâng, đỡ.
c) Tác động do gió (theo các thông số quy định trong QCVN 02:2009/BXD) và các tác động khác (nếu cần thiết);
d) Các tác động do ảnh hưởng của lún lệch, độ nghiêng (nếu có).
2.2.3.2 Giàn giáo phải được giằng, liên kết, neo giữ đầy đủ, chắc chắn.
2.2.3.3 Nếu giàn giáo không được thiết kế để đứng độc lập thì nó phải được liên kết chắc chắn theo phương dọc và ngang với công trình đang thi công (hoặc công trình hiện hữu) theo đúng thiết kế lắp dựng.
2.2.3.4 Phần giàn giáo phía trên điểm neo cao nhất của chúng vào công trình phải được tính toán, thiết kế và kiểm tra kỹ lưỡng trong quá trình lắp dựng và sử dụng để đảm bảo ổn định, hạn chế rung lắc và KNCL của giàn giáo.
2.2.3.5 Các thanh đỡ sàn công tác và đòn ngang phải được cố định và duy trì đúng vị trí, được liên kết chắc chắn vào các thanh ngang, thanh đứng hoặc thanh chính để đảm bảo sự ổn định của giàn giáo trong suốt quá trình sử dụng.
2.2.3.6 Giàn giáo và các bộ phận sử dụng để đỡ sàn công tác phải được lắp dựng trên hệ chân và nền đỡ vững chắc, được giằng, chống chắc chắn để đảm bảo ổn định, không bị dịch chuyển ngang hoặc bị trượt.
2.2.3.7 Không sử dụng tường hoặc khối xây yếu, ống thoát nước, ống khói hoặc bất kỳ kết cấu hoặc bộ phận kết cấu không phù hợp cho mục đích liên kết hoặc đỡ bất kỳ bộ phận nào của giàn giáo, hệ giàn giáo.
CHÚ THÍCH: Trước khi lắp dựng, người sử dụng lao động phải khảo sát, kiểm tra (kết quả phải ghi thành biên bản) để đảm bảo các bộ phận, kết cấu của công trình (kể cả kết cấu đỡ tạm thời) đảm bảo KNCL và phù hợp để đỡ hoặc liên kết với giàn giáo. Người giám sát xây dựng của chủ đầu tư (hoặc tổng thầu EPC) có trách nhiệm kiểm tra, chấp thuận bằng văn bản.
2.2.3.8 Để ngăn ngừa nguy hiểm do các vật rơi, sàn công tác, lối đi lại và thang của giàn giáo phải được che chắn bằng các màn che hoặc tấm che đảm bảo độ bền và kích thước phù hợp.
2.2.3.9 Đinh sử dụng để liên kết phải được đóng hết chiều dài, không được để chừa một đoạn rồi uốn hoặc đập gập vào (để đinh không bị tuột ra).
2.2.3.10 Không được quăng, ném, thả các vật hoặc bộ phận của giàn giáo từ giàn giáo hoặc từ trên cao xuống dưới. Từ trên giàn giáo, chỉ được phép hạ từ từ các vật hoặc bộ phận của giàn giáo xuống khu vực đã được cho phép và phải được giám sát bởi người có thẩm quyền đứng ở vị trí có cùng cao độ với khu vực được phép thả các vật xuống.
CHÚ THÍCH 1: Khu vực cho phép này được xác định và kiểm soát an toàn theo vùng nguy hiểm quy định tại 2.1.1.2 và 2.1.4.
CHÚ THÍCH 2: Người có thẩm quyền là người quản lý thi công hoặc người quản lý ATVSLĐ của nhà thầu và được đào tạo về công việc ĐBAT lao động.
2.2.3.11 Không được lắp dựng giàn giáo kim loại trong phạm vi nhỏ hơn hoặc bằng 5,0 m tính từ mặt ngoài hoặc điểm gần nhất từ giàn giáo đến đường dây, thiết bị truyền tải điện trên cao và theo các quy định về an toàn điện (theo cấp điện áp) nêu tại QCVN 01:2020/BCT; ngoại trừ các trường hợp sau đây:
a) Khoảng cách an toàn khác đã được người có thẩm quyền quyết định;
b) Đường dây và thiết bị truyền tải điện được báo cáo và xác nhận bằng văn bản của cơ quan (hoặc tổ chức) quản lý truyền tải điện là không có điện và không sử dụng (hoặc đóng điện) trong thời gian lắp dựng, sử dụng, tháo dỡ giàn giáo và được người có thẩm quyền quyết định.
CHÚ THÍCH: Người có thẩm quyền bao gồm đại diện của chủ đầu tư hoặc giám đốc ban quản lý dự án của chủ đầu tư, giám sát trưởng về thi công xây dựng của chủ đầu tư (hoặc tổng thầu EPC) và chỉ huy trưởng công trường (của nhà thầu).
2.2.3.12 Đối với giàn giáo có chiều cao từ 2,0 m trở lên, phải lắp lan can an toàn và tấm chặn chân tại các phần của sàn công tác, đường đi, thang bậc.
2.2.3.13 Sàn công tác, thang bộ, thang leo, lối đi lại của giàn giáo phải có kích thước phù hợp; đặc biệt là chiều rộng phải đảm bảo đủ an toàn để thực hiện các công việc trên giàn giáo và không nhỏ hơn 50 cm.
2.2.4 Kiểm tra, giám sát và bảo trì
2.2.4.1 Giàn giáo phải được kiểm tra và ghi lại kết quả kiểm tra bằng văn bản (có thể có hình ảnh) bởi người có thẩm quyền tại các thời điểm sau đây:
a) Trước khi giàn giáo được đưa vào sử dụng;
b) Định kỳ trong quá trình sử dụng như sau:
- Tối thiểu 07 ngày đối với giàn giáo kim loại;
- Tối thiểu 01 ngày đối với các loại giàn giáo treo, giàn giáo leo;
- Tối thiểu 12 giờ đối với các loại giàn giáo phi kim loại.
c) Sau khi giàn giáo bị thay đổi, hư hỏng trong quá trình sử dụng hoặc sau khi xảy ra động đất, bão, lốc, mưa lớn nhiều ngày hoặc bất kỳ việc gì có khả năng ảnh hưởng đến độ bền và ổn định của giàn giáo (như do các vật nâng, máy, thiết bị thi công va chạm vào hoặc tác động va chạm khác).
CHÚ THÍCH: Người có thẩm quyền là người quản lý thi công hoặc người quản lý ATVSLĐ của nhà thầu và phải được đào tạo về công việc ĐBAT lao động, sử dụng giàn giáo.
2.2.4.2 Việc kiểm tra theo 2.2.4.1 nhằm mục đích đảm bảo là giàn giáo đã sử dụng vật liệu đảm bảo chất lượng, đúng chủng loại và lắp dựng đúng quy định, có đầy đủ các biện pháp để ĐBAT và ngăn ngừa tai nạn có thể xảy ra.
2.2.4.3 Không được phép điều chỉnh, thay đổi về cách lắp dựng giàn giáo so với thiết kế đã được phê duyệt hoặc tháo dỡ giàn giáo mà không có sự chấp thuận và kiểm tra, giám sát của người có thẩm quyền.
CHÚ THÍCH: Người có thẩm quyền theo quy định tại 2.2.4.1.
2.2.4.4 Giàn giáo phải được duy trì trong điều kiện làm việc tốt, phù hợp; các bộ phận của giàn giáo phải được giữ cố định và bảo đảm là không có bộ phận nào bị thay thế trong quá trình sử dụng.
2.2.4.5 Không được phép tháo dỡ một phần giàn giáo và tiếp tục sử dụng phần còn lại. Trường hợp cần thiết phải sử dụng phần còn lại thì phải tính toán, kiểm tra để ĐBAT trong sử dụng.
2.2.5 Sử dụng thiết bị nâng trên giàn giáo
2.2.5.1 Trường hợp phải đỡ thiết bị nâng thì giàn giáo phải đáp ứng thêm các yêu cầu sau:
a) Giàn giáo phải được người có thẩm quyền kiểm tra, bổ sung các biện pháp gia cường và các biện pháp an toàn khác (nếu cần thiết); trong đó lưu ý phải có biện pháp ngăn ngừa chuyển dịch của các thanh ngang đỡ sàn đặt thiết bị nâng;
CHÚ THÍCH: Người có thẩm quyền là người thiết kế giàn giáo hoặc người được đào tạo về kết cấu công trình, có kinh nghiệm về thiết kế, thẩm tra thiết kế giàn giáo. Việc kiểm tra phải phối hợp với người quản lý thiết bị nâng.
b) Giàn giáo phải được liên kết với phần hoặc bộ phận chắc chắn của công trình tại vị trí gần nhất với nơi lắp thiết bị nâng;
c) Tuân thủ các yêu cầu về sử dụng thiết bị nâng theo quy định tại 2.4.
2.2.6 Giàn giáo định hình
2.2.6.1 Giàn giáo định hình phải có đầy đủ các bộ phận và phụ kiện để lắp đặt và giằng, giữ chắc chắn. Việc sử dụng giàn giáo định hình phải tuân thủ đúng chỉ dẫn của nhà sản xuất (hoặc nhà cung cấp).
2.2.6.2 Giàn giáo định hình phải được kiểm tra, thử nghiệm trước khi xuất xưởng theo quy định của thiết kế, các tiêu chuẩn áp dụng và quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
2.2.6.3 Không được sử dụng các loại thanh giáo (hoặc khung giáo) khác nhau trong một giàn giáo (hệ giàn giáo) định hình.
2.2.6.4 Tại công trường, trước khi đưa vào sử dụng, các thanh giáo (hoặc khung giáo), bộ phận và phụ kiện để lắp giàn giáo phải được kiểm tra về sự phù hợp với các yêu cầu của thiết kế giàn giáo và các tiêu chuẩn áp dụng của nhà sản xuất.
2.2.7 Sử dụng giàn giáo
2.2.7.1 Người sử dụng lao động phải kiểm tra sự tuân thủ các quy định của thiết kế giàn giáo trong quá trình sử dụng theo quy định tại 2.2.4.
2.2.7.2 Phải có các biện pháp phù hợp (như sử dụng dây lái) để ngăn ngừa các vật nâng không va đập vào giàn giáo.
2.2.7.3 Khi chuyển các tải trọng nặng lên giàn giáo thì tải trọng không được truyền hoặc tác động đột ngột vào giàn giáo.
2.2.7.4 Tải trọng, tác động phải được bố trí hoặc sắp xếp để có thể phân bố đều nhất lên giàn giáo.
2.2.7.5 Trong quá trình sử dụng, phải thường xuyên kiểm tra để đảm bảo giàn giáo không bị quá tải hoặc sử dụng sai mục đích.
2.2.7.6 Chỉ được phép lưu trữ ngắn hạn vật tư, vật liệu hoặc các vật khác trên giàn giáo (để sử dụng ngay).
2.2.8 Giàn giáo treo
2.2.8.1 Ngoài các yêu cầu an toàn chung đối với giàn giáo, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến KNCL, ổn định, chống nghiêng, chống rơi, giàn giáo treo phải tuân thủ các quy định bổ sung dưới đây:
a) Các kích thước (đặc biệt là chiều dài) của sàn công tác giàn giáo treo phải được thiết kế và lắp dựng để đảm bảo ổn định của toàn bộ hệ giáo;
b) Số lượng các điểm treo phải được lựa chọn phù hợp với kích thước và hình dạng của sàn công tác;
c) Người lao động phải được trang bị dây cứu sinh được neo giữ chắc chắn và độc lập với điểm neo để treo giàn giáo;
GHI CHÚ: Dây cứu sinh phải được thử nghiệm với hệ số an toàn như đối với dây, cáp treo của giáo treo quy định tại 2.2.3.1.
d) Các bộ phận neo của giàn giáo treo phải được thiết kế, lắp đặt và kiểm tra kỹ để đảm bảo KNCL;
đ) Các bộ phận như dây, tời, ròng rọc của giàn giáo treo phải được thiết kế, lắp dựng, sử dụng và bảo trì tuân thủ các quy định cho thiết bị nâng tại 2.4;
e) Trước khi sử dụng, hệ giáo treo phải được kiểm tra, thử tải, kiểm định an toàn và chấp thuận bởi người có thẩm quyền theo quy định.
CHÚ THÍCH 1: Công việc thử tải, kiểm định quy định tại 2.2.8.2.
CHÚ THÍCH 2: Người có thẩm quyền bao gồm người quản lý máy, thiết bị thi công (hoặc quản lý an toàn) của nhà thầu và người giám sát xây dựng của chủ đầu tư (hoặc tổng thầu EPC), có kinh nghiệm về giàn giáo treo.
2.2.8.2 Công việc thử tải, kiểm định đối với giàn giáo treo thực hiện theo quy định sau:
a) Các sàn treo cơ khí sử dụng động cơ (sàn treo Gondola) phải được kiểm định, thử tải bởi các tổ chức kiểm định có đủ điều kiện năng lực theo quy định của cơ quan có thẩm quyền;
b) Các loại sàn treo khác được thử tải theo quy định của thiết kế với hệ số an toàn đối với tải trọng nâng thiết kế (bao gồm người, vật tư, thiết bị đặt, để trên sàn treo) tối thiểu bằng 04 (bốn);
c) Các liên kết để treo, neo, móc vào công trình hoặc giàn giáo (ví dụ: sử dụng nôi treo để treo vào giàn giáo khác): Thử tải theo quy định của thiết kế với hệ số an toàn của tải trọng tối thiểu bằng 04 (bốn) lần tải trọng mà nó phải đỡ (bao gồm tải trọng của dây cáp, sàn treo và thiết bị, phụ kiện của nó, tải trọng dự kiến sẽ sử dụng trên sàn treo);
d) Các bộ phận neo của giàn giáo treo phải được thử tải với tải trọng thử xác định tương ứng với tải trọng nâng thiết kế quy định tại điểm b mục này với hệ số an toàn tối thiểu bằng 04 (bốn).
Last updated