2.8 Đào, đắp đất đá và thi công công trình ngầm, đường hầm

QCVN 18:2021/BXD

2.8.1 Quy định chung

2.8.1.1 Trước khi thi công đào, đắp đất đá và thực hiện các công việc liên quan đến đất đá, giếng chìm, đường hầm và công trình ngầm khác (sau đây viết gọn là đào, đắp đất đá và thi công công trình ngầm), phải thực hiện các biện pháp sau đây để ngăn ngừa các yếu tố nguy hiểm:

a) Chống đỡ tạm hoặc các biện pháp phù hợp khác để ngăn đất đá hoặc vật liệu khác bị sạt, lở, trượt, rơi;

CHÚ THÍCH: Quy định về KCCĐT xem 2.3.

b) Các biện pháp ngăn ngừa người bị rơi, ngã; nguy hiểm do bùn, đất đá hoặc nước xâm nhập vào hố đào, giếng chìm và các khu vực đang thi công trong công trình ngầm, đường hầm;

CHÚ THÍCH: Quy định về đảm bảo chống rơi, ngã xem 2.1.5, 2.2, 2.7 và các mục khác có liên quan của quy chuẩn này.

c) Thông gió đầy đủ, đúng kỹ thuật tại các khu vực có người làm việc để duy trì chất lượng không khí và khống chế hàm lượng khói, khí, hơi, bụi hoặc các chất độc hại khác ở mức độ không nguy hiểm hoặc không gây tổn hại đến sức khỏe của người lao động;

CHÚ THÍCH: Các yêu cầu về chất lượng không khí, đảm bảo môi trường, thông gió thực hiện theo quy định của QCVN 05:2013/BTNMT, QCVN 06:2009/BTNMT, QCVN 02:2019/BYT, QCVN 26:2016/BYT, QCVN 34:2018/BLĐTBXH và các quy định của quy chuẩn này.

d) Biện pháp thoát nạn, cứu nạn cho người lao động trong các tình huống có cháy, nổ, ngập nước hoặc bị vùi lấp do sụp đổ đất đá hoặc kết cấu;

CHÚ THÍCH: Các yêu cầu về ĐBAT cháy, nổ và cứu nạn thực hiện theo quy định của QCVN 01:2011/BCT, QCVN 04:2017/BCT, QCVN 01:2018/BCT, QCVN 03:2019/BCT, QCVN 07:2020/BCT và các quy định của quy chuẩn này.

đ) Thực hiện khảo sát kỹ để kiểm tra sự có mặt của các túi nước, túi khí, dòng chảy ngầm để có biện pháp phòng ngừa phù hợp.

2.8.1.2 Đối với KCCĐT để phục vụ đào, đắp đất đá và thi công công trình ngầm: Việc thi công, lắp dựng, thay thế hoặc tháo dỡ phải có sự giám sát và chấp thuận của người có thẩm quyền theo quy định tại 2.3.

2.8.1.3 Các vị trí có người lao động làm việc trong khu vực đào, đắp đất đá và thi công công trình ngầm phải được người có thẩm quyền kiểm tra, giám sát thường xuyên và kết quả giám sát phải được lưu lại. Không cho phép người lao động làm việc một mình trừ trường hợp có giám sát của người có thẩm quyền.

CHÚ THÍCH: Người có thẩm quyền bao gồm chỉ huy trưởng công trường, những người làm nhiệm vụ quản lý thi công, an toàn, máy, thiết bị thi công, quản lý hệ thống kỹ thuật phục vụ thi công (ví dụ: điện, nước, thông gió, PCCC) của nhà thầu; người giám sát xây dựng, an toàn của chủ đầu tư (hoặc tổng thầu EPC).

2.8.1.4 Người lao động được giao nhiệm vụ liên quan đến công việc đào, đắp đất đá và thi công công trình ngầm phải thực hiện đúng công việc được giao, phải sử dụng các PTBVCN theo quy định tại 2.19 và QCVN 23:2014/BLĐTBXH.

2.8.1.5 Người sử dụng lao động có trách nhiệm:

a) Cung cấp đầy đủ các PTBVCN và các phương tiện cần thiết khác; kiểm tra, đảm bảo người lao động đủ sức khỏe (thể chất và tinh thần) trước và trong mỗi ca làm việc và có biện pháp xử lý kịp thời khi cần thiết;

b) Hướng dẫn cụ thể và đảm bảo là người lao động hiểu rõ công việc được giao trước khi làm việc; giám sát việc thực hiện của người lao động theo đúng hướng dẫn.

2.8.1.6 Các KCCĐT, giàn giáo, vật tư, vật liệu, sản phẩm, dụng cụ, trang thiết bị, máy, thiết bị thi công và các phương tiện phục vụ thi công khác phải được kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng, thử nghiệm, kiểm định và sử dụng theo các quy định tại 2.1.1.5 và các quy định có liên quan đến từng đối tượng trong quy chuẩn này.

2.8.1.7 Các công việc có liên quan đến làm việc trong môi trường khí nén phải tuân thủ các quy định tại 2.9.

2.8.1.8 Các công việc có liên quan đến sử dụng chất nổ phải tuân thủ các quy định tại 2.8.5, 2.8.6 và 2.17.

2.8.1.9 Chỉ được bắt đầu công việc sau khi người có thẩm quyền đã kiểm tra và xác nhận ĐBAT.

CHÚ THÍCH 1: Các yêu cầu kiểm tra xem 2.1.1.2 và 2.8.1.1.

CHÚ THÍCH 2: Người có thẩm quyền xem 2.8.1.3.

2.8.2 Đào, đắp đất đá

2.8.2.1 Trước khi thực hiện đào, đắp đất đá ở công trường:

a) Các công việc phải thực hiện để đào đất đá phải được lập kế hoạch và có biện pháp thi công, biện pháp xử lý các sự cố (ví dụ: sụp đổ hố đào, kết cấu liền kề hố đào, sụt lở khối đất đắp, điện giật, hỏa hoạn và các sự cố khác) và biện pháp cứu nạn cụ thể;

CHÚ THÍCH: Biện pháp thi công, xử lý các sự cố, cứu nạn do nhà thầu lập và phải được kiểm tra, chấp thuận theo các quy định của pháp luật về xây dựng và pháp luật chuyên ngành khác có liên quan.

b) Sự ổn định của nền đất đá phải được đánh giá và xác nhận bởi người có thẩm quyền;

CHÚ THÍCH 1: Sự ổn định của nền đất đá được đánh giá theo các tiêu chí quy định trong chỉ dẫn kỹ thuật của thiết kế và (hoặc) các tiêu chuẩn áp dụng cho dự án.

CHÚ THÍCH 2: Người có thẩm quyền bao gồm người quản lý thi công của nhà thầu và người giám sát xây dựng của chủ đầu tư (hoặc tổng thầu EPC) và người thiết kế hoặc nhà thầu thiết kế (trong trường hợp điều kiện địa chất hoặc tình trạng thực tế khác với quy định, giả thiết ban đầu của thiết kế).

c) Người có thẩm quyền (xem điểm b của 2.8.2.1) phải kiểm tra để đảm bảo công việc đào, đắp đất không làm ảnh hưởng đến các công trình, các hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đường giao thông ở trong khu vực thi công và khu vực lân cận;

d) Chủ đầu tư và người sử dụng lao động phải xác định được vị trí cụ thể của các hệ thống hạ tầng kỹ thuật có thể gây nguy hiểm khi thi công như cống ngầm, ống dẫn khí đốt, ống dẫn nước, đường dây dẫn điện và các hệ thống ngầm khác;

đ) Trong trường hợp cần thiết để ngăn ngừa nguy hiểm khi thi công, phải ngắt hoặc ngừng kết nối các hệ thống khí đốt, nước, điện hoặc các tiện ích khác có liên quan;

e) Trong trường hợp các đường ống ngầm, đường dây dẫn điện và những hệ thống ngầm khác không thể di dời hoặc không thể ngắt kết nối, chúng phải được rào ngăn cách hoặc treo lên cao và có đánh dấu cảnh báo đầy đủ hoặc có biện pháp bao bọc bảo vệ để ĐBAT;

g) Vị trí của các cầu tạm, đường tạm và các đống đất đá, phế thải phải được xác định cụ thể;

h) Cây cối, tảng đá, các vật cản khác trên mặt bằng đào, đắp đất đá nếu có thể gây nguy hiểm cho người trong quá trình thi công thì phải được dọn sạch;

i) Người sử dụng lao động phải kiểm tra và xác nhận khu vực thi công không bị nhiễm các chất khí, hóa chất độc hại hoặc các vật liệu phế thải ở mức độ có thể gây ra các tác động có hại đến sức khỏe (xem 2.18);

k) Việc đào đất đá bên trong các hầm ngầm, đường hầm hoặc công trình ngầm khác phải tuân thủ các quy định tại 2.8.3.

2.8.2.2 Các bề mặt của hố đào phải được kiểm tra kỹ trong các trường hợp sau:

a) Hàng ngày, trước mỗi ca làm việc và sau khi ngừng công việc nhiều hơn 24 giờ;

b) Sau hoạt động nổ mìn;

c) Sau khi đất đá bị sạt, sụt lở bất ngờ;

d) Sau khi KCCĐT bị hư hỏng hoặc biến dạng quá mức cho phép;

đ) Sau khi có mưa lớn hoặc ngập, lụt; sương giá hoặc tuyết;

e) Khi đào gặp phải các tảng đá lớn.

2.8.2.3 Nếu biện pháp thi công đã được lập và phê duyệt không quy định việc sử dụng KCCĐT hoặc biện pháp khác để ngăn ngừa sụp đổ thành hố đào thì người sử dụng lao động phải kiểm soát để đảm bảo không có các tải trọng (do vật liệu, thiết bị, cây cối và các vật khác) hoặc xe, máy, thiết bị thi công di chuyển hoặc nằm ở gần mép các hố đào, các vị trí có khả năng gây sạt lở, sập hố đào hoặc rơi xuống hố đào.

2.8.2.4 Phải bố trí các vật cản (ví dụ: khối bê tông) để chặn và (hoặc) rào chắn vững chắc, phù hợp để ngăn các vật rơi xuống hố đào. Xe, máy, thiết bị thi công máy lớn không được phép đỗ gần hố đào trừ khi thiết kế chống đỡ hố đào đã xét đến tình huống này.

2.8.2.5 Trong quá trình đào đất đá, nếu phát hiện các dấu hiệu có nguy cơ gây mất an toàn cho các kết cấu bên trên (đang có người làm việc) thì phải thực hiện ngay các biện pháp cần thiết để ĐBAT cho kết cấu đó.

CHÚ THÍCH: Các kết cấu liền kề hoặc bên trên hố đào phải được thường xuyên theo dõi, quan trắc để kiểm soát an toàn.

2.8.2.6 Chuyển dịch của đất đá ở thành hố đào (nơi người lao động phải đối mặt trực tiếp với nguy hiểm) phải được kiểm soát và ĐBAT bằng các biện pháp như tạo dốc thành hố đào, sử dụng KCCĐT, có thiết bị che chắn di động hoặc các biện pháp cần thiết khác tùy theo đặc điểm và tình trạng của đất đá ở thành hố đào.

2.8.2.7 Các KCCĐT phải được kiểm tra thường xuyên theo quy định tại 2.3 và có biện pháp để đảm bảo các thanh chống, nêm và các bộ phận khác trong tình trạng chắc chắn và không xảy ra hiện tượng chuyển dịch, biến dạng quá mức cho phép hoặc mất ổn định.

2.8.2.8 Trong quá trình đắp đất đá, nếu phát hiện các dấu hiệu mất an toàn của các kết cấu sử dụng để chắn hoặc đỡ cho khối đất đá được đắp thì phải thực hiện ngay các biện pháp cần thiết để ĐBAT cho kết cấu đó; phải thường xuyên theo dõi bề mặt khối đất đá được đắp để nhận diện nguy cơ sụt lở đất đá và có biện pháp ĐBAT phù hợp, đặc biệt trước các nguy cơ máy, thiết bị thi công bị nghiêng, đổ khi làm việc.

2.8.2.9 Các cấu kiện, kết cấu bằng gỗ phải được kiểm tra thường xuyên và có biện pháp để đảm bảo không bị mục, mối, mọt hoặc bị ẩm hay cong, vênh quá mức.

2.8.3 Thi công công trình ngầm

2.8.3.1 Quy định chung

2.8.3.1.1 Công việc thi công các công trình ngầm (hoặc thi công ngầm) phải được thực hiện theo kế hoạch và biện pháp được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận (nếu có quy định của bộ quản lý công trình chuyên ngành hoặc chính quyền địa phương).

CHÚ THÍCH: Phải có kế hoạch và biện pháp ĐBAT cho người và công trình, biện pháp cứu nạn và đảm bảo thoát nạn trong trường hợp có hỏa hoạn, lũ, lụt, sụt lở hoặc đất đá bị xáo trộn (mất ổn định) phù hợp với kế hoạch và biện pháp thi công của nhà thầu.

2.8.3.1.2 Tại những nơi có người đang làm việc trong công trình ngầm phải được người sử dụng lao động kiểm tra các điều kiện ĐBAT để làm việc tại các thời điểm: Trước, sau và ít nhất 01 (một) lần trong mỗi ca làm việc.

CHÚ THÍCH: Biện pháp ĐBAT do nhà thầu lập phải quy định cụ thể các đối tượng và nội dung bắt buộc phải kiểm tra; đặc biệt chú ý đến ĐBAT cháy, nổ, thông gió, chất lượng không khí, ĐBAT điện, chiếu sáng, lối thoát nạn.

2.8.3.1.3 Những khu vực mà chỉ có một người lao động làm việc phải được kiểm tra ít nhất 02 (hai) lần trong mỗi ca làm việc.

2.8.3.1.4 Định kỳ ít nhất 01 lần/tuần, phải tổ chức kiểm tra tổng thể đối với máy, thiết bị thi công, kết cấu của công trình đang thi công và công trình liền kề, KCCĐT (cho công trình và thiết bị), giàn giáo, đường ra vào nơi làm việc, phương án và lối thoát nạn, các kho chứa, tiện ích y tế, nơi làm việc và khu vực vệ sinh, hệ thống thông gió, hệ thống và biện pháp PCCC, các hệ thống và trang thiết bị khác có liên quan để ĐBAT cho người lao động. Kết quả kiểm tra phải được lập thành hồ sơ (hoặc biên bản) có xác nhận của người có thẩm quyền.

CHÚ THÍCH: Người có thẩm quyền bao gồm chỉ huy trưởng công trường và giám sát trưởng của chủ đầu tư (hoặc tổng thầu EPC).

2.8.3.1.5 Người lao động đang làm việc trong công trình ngầm phải rời khỏi nơi làm việc nếu:

a) Hệ thống thông gió bị hỏng;

b) Có các nguy cơ đe dọa mất an toàn khác.

CHÚ THÍCH: Người sử dụng lao động phải hướng dẫn cụ thể để người lao động nhận diện và hiểu được các nguy cơ đe dọa đến an toàn của họ trong khi thi công công trình ngầm.

2.8.3.1.6 Người sử dụng lao động phải thiết lập và duy trì một hệ thống thông tin liên lạc đảm bảo hoạt động thường xuyên ở khu vực gần chỗ người lao động đang làm việc trong công trình ngầm (kể cả từ khu vực thi công sâu nhất) với bộ phận làm việc trên mặt đất.

2.8.3.1.7 Khi thi công các công trình ngầm mà có thể có các nguy cơ cháy nổ do các loại khí dễ cháy nổ (ví dụ: khí mêtan), công việc ĐBAT phải thực hiện theo quy định của pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn trong khai thác khoáng sản, hầm mỏ.

CHÚ THÍCH: Các QCVN về hầm mỏ, mỏ than, bao gồm: QCVN 01:2011/BCT, QCVN 04:2017/BCT, QCVN 01:2018/BCT, QCVN 03:2019/BCT, QCVN 07:2020/BCT và các quy chuẩn có liên quan khác (nếu có).

2.8.3.1.8 Không khí trong khu vực thi công ngầm phải được quan trắc, kiểm tra thường xuyên và phải có biện pháp phù hợp để ĐBAT cho người lao động (xem 2.8.3.3).

2.8.3.1.9 Lối thoát nạn phải được chỉ định rõ bằng các dấu hiệu, bảng hiệu có thể nhìn rõ trong điều kiện ánh sáng yếu.

2.8.3.2 Thi công giếng

2.8.3.2.1 Các giếng không nằm trong đá cứng (chắc), phải được bao bọc, lót (chống đỡ quanh thân giếng theo chu vi) hoặc có các biện pháp ĐBAT khác.

2.8.3.2.2 Việc tháo chống đỡ của các lớp khối xây lót giếng phải được thực hiện từ từ, phù hợp với quá trình phát triển cường độ của khối xây.

2.8.3.2.3 Phải bố trí giàn giáo, sàn công tác hoặc sàn treo để người lao động có thể làm việc an toàn bên trong giếng (xem 2.2.1.1).

2.8.3.2.4 Phải kiểm tra kỹ để ĐBAT trước khi hạ một đoạn (một phần) giếng hoặc sau khi nổ mìn.

2.8.3.2.5 Các giếng sâu hơn 30 m phải bố trí khung hoặc vành tăng cứng (thường bằng kết cấu thép) tại đỉnh giếng đảm bảo chịu được tải trọng lớn nhất theo tính toán thiết kế trong suốt quá trình thi công.

2.8.3.2.6 Khung (hoặc vành) tăng cứng bằng thép phải được nối đất để bảo vệ chống sét. Khung (hoặc vành) tăng cứng bằng gỗ phải được xử lý chống cháy.

2.8.3.2.7 Người đi xuống giếng hoặc vận chuyển các vật (hoặc thiết bị, dụng cụ) nhỏ xuống giếng phải đi qua cổng (hoặc cửa) bố trí ở bên trên thành giếng. Chiều cao của cổng hoặc cửa tối thiểu là 2,0 m.

2.8.3.2.8 Phải có tín hiệu cảnh báo cho người vận hành thiết bị nâng (ví dụ: cẩu) khi các vật nâng (vật tư, thiết bị) có thể vượt ra ngoài giới hạn di chuyển an toàn.

CHÚ THÍCH: Các yêu cầu về ĐBAT sử dụng thiết bị nâng tại mục này và các mục sau đây phải thực hiện cùng với các quy định tại 2.4.

2.8.3.2.9 Mã tín hiệu liên lạc phải được dán hoặc có bảng hiển thị trong phòng (hoặc ca bin) điều khiển thiết bị nâng và tại mỗi vị trí nâng, hạ tải.

2.8.3.2.10 Các máy cẩu nâng, hạ bằng tời phải được trang bị:

a) Phanh có thể tự động ngừng và giữ vật nâng khi mất điện điều khiển máy cẩu;

b) Hệ thống báo độ sâu chính xác.

2.8.3.2.11 Các máy cẩu, thiết bị nâng phải được kiểm tra ít nhất 01 lần/ngày bởi người có thẩm quyền theo quy định tại 2.4.

2.8.3.2.12 Phải lắp đặt thiết bị vận chuyển người đối với các giếng sâu hơn 30 m.

CHÚ THÍCH: Các thiết bị sử dụng để vận chuyển người như vận thăng hoặc các thiết bị nâng khác phải được kiểm định an toàn và tuân thủ các quy định tại 2.4 và 2.1.1.5 và các QCVN có liên quan đến loại thiết bị sử dụng.

2.8.3.2.13 Lồng hoặc khoang xe vận chuyển người phải được trang bị thiết bị hoặc phanh an toàn để có thể tự động giữ lồng hoặc khoang xe (khi đủ tải) nếu như cáp treo bị đứt hoặc trùng.

2.8.3.2.14 Phải có thiết bị phù hợp để giữ lồng hoặc khoang xe tại các vị trí nâng, hạ.

2.8.3.2.15 Thùng để vận chuyển người trong giếng phải tuân thủ các quy định sau:

a) Không có các vật thể hoặc chi tiết cấu tạo nhô ra ở mặt ngoài thùng có thể làm thùng bị mắc kẹt;

b) Có chiều sâu không nhỏ hơn 1,1 m;

c) Được trang bị đủ các thiết bị hoặc cơ cấu để ngăn thùng bị nghiêng, xoay, quay bất ngờ;

d) Không tự mở.

2.8.3.2.16 Các thông tin sau đây phải được dán hoặc có bảng hiển thị ở những chỗ dễ thấy tại nơi đặt máy cẩu:

a) Tốc độ tối đa để vận chuyển người trong giếng;

b) Tổng số người hoặc tải trọng tối đa để ĐBAT cho mỗi lần vận chuyển.

2.8.3.2.17 Các hoạt động nâng, hạ trong giếng phải được điều phối bằng các tín hiệu phù hợp.

2.8.3.2.18 Trước khi thực hiện công việc thi công đường hầm từ giếng, phải lắp đặt hai hệ thống liên lạc riêng biệt (tín hiệu số hoặc loại khác).

2.8.3.3 Thông gió

2.8.3.3.1 Việc thông gió trong công trình ngầm thực hiện theo các quy định tại TCVN 6780-3:2009 (hoặc tiêu chuẩn áp dụng có liên quan) và các quy định dưới đây.

2.8.3.3.2 Không khí trong các khu vực thi công ngầm phải được lưu thông để đảm bảo các quy định của TCVN 6780-3:2009, trong đó đặc biệt là:

a) Tránh để nhiệt độ bị tăng quá cao;

b) Giảm nồng độ bụi, khói, khí, hơi có hại nhằm đảm bảo giữ không khí ở mức độ an toàn;

c) Hàm lượng oxy trong không khí không bị giảm xuống dưới 20%.

2.8.3.3.3 Trong các khu vực thi công ngầm, phải có phương án cấp khí dự phòng.

2.8.3.3.4 Trong đường hầm, tại khu vực sau khi hoàn thành việc nổ mìn:

a) Phải thông gió cơ học để đảm bảo cấp đủ không khí tới bề mặt;

b) Phải thông gió ngay sau khi nổ mìn để loại bỏ khí và bụi độc hại; có thể sử dụng biện pháp bổ sung để chống bụi như phun nước hoặc tưới ẩm;

c) Trong trường hợp cần thiết phải lắp đặt bổ sung thiết bị thông gió để đảm bảo hiệu quả loại bỏ khí và bụi độc hại.

2.8.3.3.5 Người lao động phải được bố trí nguồn cung cấp dưỡng khí dự phòng (ví dụ: trang bị thiết bị thở cá nhân) để đề phòng tình huống gặp sự cố (công trình hoặc kỹ thuật) dẫn đến việc thông gió không thể thực hiện được.

2.8.3.4 Phòng cháy, chữa cháy

2.8.3.4.1 Việc PCCC trong công trình ngầm phải thực hiện theo các quy định tại 2.1.8, các QCVN và các quy định pháp luật khác về PCCC.

CHÚ THÍCH: QCVN liên quan đến PCCC, bao gồm: QCVN 01:2011/BCT, QCVN 04:2017/BCT, QCVN 01:2018/BCT, QCVN 03:2019/BCT, QCVN 07:2020/BCT.

2.8.3.4.2 Không được lưu trữ các vật liệu, chất dễ cháy trong phạm vi 30 m tính từ giếng chìm, cửa đường hầm, nhà hoặc phòng đặt động cơ (kể cả động cơ thông gió).

2.8.3.4.3 Không được phép lưu trữ các vật liệu, chất dễ cháy ở khu vực thi công ngầm trừ trường hợp có kho chứa riêng đảm bảo được các quy định về an toàn cháy, nổ.

2.8.3.4.4 Dầu mỡ bôi trơn động cơ, giẻ lau chùi và những vật liệu, chất dễ cháy, nổ tương tự khác sử dụng cho máy, thiết bị thi công phải được chứa trong các hộp, thùng kim loại kín và cất giữ ở khoảng cách an toàn đối với giếng chìm, thiết bị nâng, vật liệu nổ và gỗ.

2.8.3.4.5 Tại khu vực thi công ngầm, không được phép sử dụng lửa trần trừ trường hợp không có nguy cơ xảy ra cháy, nổ.

2.8.3.4.6 Không được phép sử dụng các loại máy, thiết bị thi công có động cơ xăng khi thi công ngầm, trừ trường hợp có sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền về PCCC.

2.8.3.4.7 Khi hàn hoặc cắt bằng nhiệt (lửa) trong thi công ngầm phải đảm bảo các biện pháp sau:

a) Kết cấu, KCCĐT bằng gỗ hoặc vật liệu dễ cháy khác phải được phủ lớp bảo vệ chống cháy;

b) Phải có bình chữa cháy phù hợp, ở trạng thái hoạt động tốt;

c) Phải theo dõi, quan sát liên tục để phát hiện kịp thời dấu hiệu xuất hiện cháy;

d) Phải loại bỏ khói, bụi hàn bằng cách hút khí thải.

2.8.3.5 Điện

2.8.3.5.1 Việc sử dụng điện trong thi công ngầm phải tuân thủ quy định của các QCVN về an toàn điện và thiết bị điện, TCVN 6780-4:2009, các quy định tại 2.16 và các quy định dưới đây.

2.8.3.5.2 Thiết bị đóng ngắt chính của nguồn điện cấp cho tất cả công việc thi công ngầm:

a) Phải được lắp đặt trên mặt đất;

b) Chỉ được tiếp cận và vận hành bởi người được giao nhiệm vụ đóng, ngắt điện của nhà thầu và có sự tham gia của người có thẩm quyền quy định tại 2.8.1.3.

2.8.3.5.3 Trong trường hợp cần thiết, phải lắp đặt thiết bị chống sét phù hợp trên mặt đất để bảo vệ cho người và thiết bị.

2.8.3.5.4 Phải có 02 nguồn cấp điện độc lập (nguồn chính và nguồn dự phòng) để cấp cho các máy, thiết bị sử dụng điện (như quạt thông gió, máy bơm thoát nước và các thiết bị khác) đặt trong vùng lân cận của giếng, nếu như việc ngừng các máy, thiết bị này sẽ gây ra nguy hiểm cho người lao động.

2.8.3.5.5 Công tắc điện phải là loại công tắc an toàn (được bảo vệ chống cháy, bụi, nước).

2.8.3.5.6 Đèn cố định sử dụng cho thi công ngầm phải có lớp bảo vệ chắc chắn bằng thủy tinh hoặc loại vật liệu trong suốt khác.

2.8.3.5.7 Tùy thuộc vào điều kiện thi công thực tế, khi có yêu cầu thì đèn chiếu sáng phải là loại chống bụi, khí và nước.

2.8.3.5.8 Điện áp của đèn xách tay dùng trong thi công ngầm không được vượt quá điện áp an toàn cực thấp (xem 1.4.9).

2.8.3.6 Chiếu sáng

2.8.3.6.1 Chiếu sáng phục vụ thi công phải tuân thủ các quy định tại 2.1.9 và 2.16.

2.8.3.6.2 Ngoài nguồn chiếu sáng chính, phải có nguồn chiếu sáng dự phòng được duy trì trong điều kiện hoạt động tốt và đảm bảo đủ thời gian chiếu sáng để người lao động có thể thoát lên mặt đất một cách an toàn trong trường hợp khẩn cấp.

2.8.4 Khoan

2.8.4.1 Khi khoan trong đất đá rời, nếu không có các biện pháp hoặc thiết bị chuyên dụng ĐBAT thì chỉ được phép thực hiện với quy mô (phạm vi) nhỏ để tránh nguy cơ sạt, sụt lở đất đá.

2.8.5 Vận chuyển, lưu trữ và sử dụng chất nổ

2.8.5.1 Việc vận chuyển, lưu trữ và sử dụng chất nổ (thuốc nổ, vật liệu nổ) phải tuân thủ quy định của các QCVN và các quy định của pháp luật có liên quan.

CHÚ THÍCH: Các QCVN liên quan đến sử dụng chất nổ nêu tại 2.17.1.1.

2.8.5.2 Không được vận chuyển chất nổ cùng với các vật liệu khác trong cùng một thùng chứa.

2.8.5.3 Không được vận chuyển chất nổ và kíp nổ cùng nhau trừ trường hợp chúng được đặt trong các phương tiện vận chuyển chuyên dụng.

2.8.6 Nổ mìn

2.8.6.1 Việc nổ mìn phải tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ; các QCVN có liên quan (xem 2.17.1.1) và các quy định kỹ thuật khác có liên quan của cơ quan có thẩm quyền về sử dụng chất nổ, thiết bị nổ.

2.8.6.2 Không được lắp đặt các mạch điện khác ở cùng phía của đường hầm nơi đặt mạch điện để kích nổ.

2.8.6.3 Trước khi nổ mìn, phải ngắt tất cả mạch điện trong vùng nguy hiểm (khu vực chịu tác động của vụ nổ) trừ mạch điện kích nổ.

2.8.6.4 Chỉ được sử dụng loại đèn pin phù hợp trong thời gian nạp thuốc nổ hoặc vật liệu nổ.

2.8.6.5 Sau khi nổ mìn, phải kiểm tra và dọn dẹp sạch sẽ đất đá rơi vãi và các phế thải khác.

2.8.7 Vận chuyển bằng tàu, xe chạy trên ray

2.8.7.1 Hệ thống vận chuyển phải tuân thủ quy định của các QCVN có liên quan.

CHÚ THÍCH: QCVN, tiêu chuẩn quốc gia có liên quan đến công việc vận chuyển bằng tàu, xe chạy trên ray, bao gồm: QCVN 01:2011/BCT, QCVN 04:2017/BCT, TCVN 6780-2:2009.

2.8.7.2 Trong đường hầm có đường ray, nếu khoảng cách thông thủy giữa tàu, xe chạy trên ray (sau đây viết gọn là tàu, xe) với bề mặt thành đường hầm không đủ để ĐBAT cho người đi lại thì phải bố trí các hốc tránh với khoảng cách phù hợp. Kích thước của các hốc tránh phải đủ lớn để tối thiểu có thể chứa được hai người và có bề sâu ít nhất là 60 cm tính từ bề mặt thành đường hầm.

2.8.7.3 Các hoạt động vận chuyển sử dụng hệ thống cơ khí phải được kiểm soát bằng hệ thống tín hiệu phù hợp.

2.8.7.4 Tàu, xe phải có đèn pha phía trước và phía sau.

2.8.7.5 Việc xử lý trật ray bằng biện pháp kéo tời chỉ được thực hiện dưới sự điều khiển và giám sát của người có thẩm quyền quy định tại 2.8.1.3.

2.8.7.6 Không được vận chuyển người bằng tàu, xe trừ trường hợp chúng được sử dụng cho mục đích vận chuyển người.

2.8.8 Kiểm soát bụi

2.8.8.1 Khi thi công bên trong công trình ngầm, phải thực hiện các biện pháp phù hợp để ngăn chặn sự hình thành hoặc triệt tiêu nguồn phát sinh các loại bụi (đặc biệt là bụi silic) có kích thước nhỏ hơn 5 µm.

2.8.8.2 Trường hợp khoan trong đá bằng phương pháp khoan khô, phải thực hiện công việc hút và thu gom bụi trong quá trình khoan.

2.8.8.3 Trường hợp khoan trong đá bằng phương pháp khoan ướt, phải sử dụng loại máy khoan chỉ có thể vận hành được khi có nước cấp.

2.8.8.4 Khi áp dụng biện pháp nổ mìn, trước khi kích nổ, sàn, mái và các thành bên của công trình trong vùng lân cận khu vực nổ mìn nên được tưới nước hoặc phun ẩm.

2.8.8.5 Đá rời phải được làm ẩm trong quá trình vận chuyển, bốc dỡ và đổ xuống khi thi công ngầm.

2.8.8.6 Vật liệu đào ra không được tiếp xúc trực tiếp với luồng không khí mạnh trong quá trình vận chuyển.

2.8.8.7 Nếu có thiết bị đập, nghiền đá được sử dụng dưới lòng đất, phải có các biện pháp phù hợp để ngăn chặn bụi từ khu vực đặt máy xâm nhập vào nơi làm việc.

2.8.9 Thi công đường ống ngầm

2.8.9.1 Trước khi thi công, cần thực hiện khoan thử trên tuyến ống để xác nhận về sự có mặt của các túi khí hoặc mạch nước ngầm.

2.8.9.2 Phải lắp đặt hệ thống thông gió trong đường ống ngầm.

2.8.9.3 Trường hợp lắp đặt đường ống ở khu vực có nước ngầm, phải có cửa chống ngập ở cuối đường ống.

2.8.9.4 Phải có các phương tiện liên lạc phù hợp, đảm bảo tin cậy giữa người bên trong và ngoài đường ống.

2.8.9.5 Phải có biện pháp thoát nạn nhanh chóng để người lao động ra khỏi đường ống trong trường hợp khẩn cấp.

2.8.9.6 Phải có biện pháp cứu nạn những người ở trong đường ống khi họ gặp nguy hiểm và không thể tự di chuyển đến nơi an toàn.

Last updated

CÔNG TY CỔ PHẦN EHS

Giới thiệuTong-len

EHS