2.14 Làm việc dưới nước

QCVN 18:2021/BXD

2.14.1 Quy định chung

2.14.1.1 Người lao động làm việc dưới nước (sau đây viết gọn là Thợ lặn) phải đáp ứng các quy định sau:

a) Là nam giới, bơi lặn giỏi, trong độ tuổi từ 20 (hai mươi) đến 55 (năm mươi lăm);

b) Đã có kinh nghiệm lặn và thực hiện công việc dưới nước tương tự công việc được giao; hoặc họ đang được thợ lặn có kinh nghiệm đào tạo, giám sát;

c) Chỉ được làm việc dưới sự giám sát và điều phối của người có thẩm quyền.

CHÚ THÍCH 1: Người có thẩm quyền là người quản lý thi công, quản lý an toàn của nhà thầu hoặc người giám sát xây dựng của chủ đầu tư (hoặc tổng thầu EPC).

CHÚ THÍCH 2: Người trợ giúp (hỗ trợ các thao tác cho người lặn và làm nhiệm vụ báo, truyền tín hiệu, điều phối khác), người quản lý thi công, quản lý an toàn của nhà thầu, người giám sát xây dựng của chủ đầu tư (hoặc tổng thầu EPC) và những người khác nếu làm việc dưới nước phải thỏa mãn các yêu cầu như đối với thợ lặn.

2.14.1.2 Người sử dụng lao động phải thực hiện các biện pháp để:

a) Ngăn ngừa thợ lặn bị đuối nước, đối mặt với các yếu tố nguy hiểm như áp lực nước lên cơ thể, dòng chảy mạnh, nhiệt độ thấp, ô nhiễm nước, sinh vật sống dưới nước, tầm nhìn hạn chế, va chạm với các vật dưới nước và các yếu tố nguy hiểm dưới nước khác;

b) Thực hiện cứu nạn cho thợ lặn trong các tình huống đe dọa đến sức khỏe và an toàn sinh mạng của họ;

c) Vận chuyển an toàn.

2.14.1.3 Biện pháp ĐBAT khi thực hiện các công việc dưới nước và trên mặt nước có liên quan phải bao gồm cả các quy định cụ thể về sử dụng các trang thiết bị sau đây:

a) Trang thiết bị phục vụ công việc lặn;

b) Trang thiết bị an toàn có liên quan đến các công việc trên mặt nước (xem 2.13);

c) Trang thiết bị cứu sinh như phao cứu sinh, áo phao và các phương tiện hỗ trợ nổi phục vụ cứu sinh khác;

d) Phương tiện bảo vệ để tránh các yếu tố nguy hiểm từ động vật bò sát và các động vật khác;

đ) Các trang thiết bị khác (ví dụ: thiết bị điều áp, khoang, buồng điều áp) để ĐBAT cho người làm việc dưới nước khi lặn sâu (độ sâu lớn hơn 10 m) hoặc thực hiện các công việc nguy hiểm dưới nước khác.

2.14.1.4 Chỉ cho phép bắt đầu công việc lặn sau khi đội thợ lặn đã chuẩn bị sẵn sàng để làm việc. Một đội thợ lặn bao gồm các nhân sự sau:

a) Hai thợ lặn để cùng làm việc dưới nước;

b) Tối thiểu một người trợ giúp;

c) Tối thiểu một người làm nhiệm vụ vận hành máy bơm;

d) Một thợ lặn thứ ba (có riêng bộ thiết bị lặn đầy đủ) để sẵn sàng làm việc trong trường hợp cần người thay thế hoặc trường hợp khẩn cấp như cứu nạn;

đ) Người có thẩm quyền (xem 2.14.1.1) để điều phối và giám sát.

2.14.1.5 Thợ lặn và những người lao động có liên quan phải được đào tạo, huấn luyện về quy trình bắt buộc phải tuân thủ trong các tình huống khẩn cấp.

2.14.1.6 Thợ lặn không được phép lặn sâu hoặc thực hiện các công việc nguy hiểm dưới nước khác khi họ không được người làm công tác y tế cho phép và không có các trang thiết bị lặn chuyên dụng cho các công việc này.

CHÚ THÍCH: Người làm công tác y tế công trường là bác sĩ, y tá hoặc người làm nhiệm vụ sơ cứu được đào tạo, có kinh nghiệm với hoạt động lặn, làm việc dưới nước và là những người trực tiếp theo dõi, giám sát sức khỏe của người lao động làm việc dưới nước.

2.14.1.7 Phải kiểm tra thường xuyên số lượng người lao động đang làm việc dưới nước và trên mặt nước.

2.14.2 Giám sát y tế

2.14.2.1 Thợ lặn không được phép làm việc dưới nước nếu không được kiểm tra y tế trong vòng một tháng trước đó và không được người làm công tác y tế xác nhận đủ điều kiện sức khỏe (thể chất và tinh thần) để làm việc.

2.14.2.2 Nếu một thợ lặn không làm việc trong khoảng thời gian nhiều hơn 14 ngày do bị bệnh hoặc chấn thương thì người sử dụng lao động không được phép sử dụng thợ lặn này cho đến khi việc kiểm tra y tế đã xác nhận thợ lặn đủ sức khỏe (thể chất và tinh thần) để quay lại làm việc dưới nước.

2.14.2.3 Thợ lặn phải được kiểm tra y tế định kỳ hàng tháng.

2.14.2.4 Thợ lặn phải thông báo ngay cho người làm công tác y tế và người sử dụng lao động trong trường hợp cảm thấy không khỏe.

2.14.2.5 Thợ lặn gặp tai nạn dưới nước phải được chăm sóc y tế càng sớm càng tốt. Nếu thợ lặn sâu ngoi lên quá nhanh phải được giám sát và chăm sóc y tế phù hợp càng sớm càng tốt trong thiết bị điều áp (hoặc khoang, buồng điều áp).

2.14.2.6 Tại các vị trí phù hợp dễ thấy tại nơi làm việc (trên thiết bị nổi, khu vực điều hành trên đất liền, nơi có người làm việc có liên quan), phải có bảng thông báo về:

a) Tên, địa chỉ, số điện thoại và (hoặc) phương tiện liên lạc hiệu quả khác của người làm công tác y tế ở gần nhất, có kinh nghiệm sơ cứu, chăm sóc y tế liên quan đến công việc lặn;

b) Tên, địa chỉ, số điện thoại và (hoặc) phương tiện liên lạc hiệu quả khác của thợ lặn hiện có ở gần nhất;

c) Địa chỉ (vị trí) của thiết bị điều áp (hoặc khoang, buồng điều áp) gần nhất và tên, số điện thoại và (hoặc) phương tiện liên lạc hiệu quả khác của người quản lý thiết bị điều áp.

2.14.2.7 Khi các hoạt động lặn được thực hiện ở vùng nước có độ sâu hơn 10 m: Thiết bị điều áp (hoặc khoang, buồng điều áp), các thiết bị phù hợp kèm theo (xem 2.9.2) phải có sẵn gần khu vực thi công.

2.14.3 Thời gian làm việc dưới nước

2.14.3.1 Người sử dụng lao động có trách nhiệm quy định cụ thể thời gian làm việc dưới nước và thời gian nghỉ ngơi của thợ lặn phù hợp với:

a) Tình trạng sức khỏe (thể chất và tinh thần) của từng thợ lặn, độ sâu và áp lực dưới nước, năng lực của trang thiết bị phục vụ làm việc dưới nước;

b) Quy định của pháp luật đối với nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do các cơ quan có thẩm quyền (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế) ban hành.

2.14.4 Trang thiết bị lặn

2.14.4.1 Các quy định tại mục này áp dụng cho việc lặn với bộ quần áo lặn, mũ bảo hiểm và các trang thiết bị sử dụng thông thường. Các loại trang thiết bị lặn độc lập, đồng bộ (self-contained diving equipment) phải tuân thủ theo các tiêu chuẩn áp dụng trong việc thiết kế, sản xuất (chế tạo), sử dụng, vận hành, kiểm tra, thử nghiệm, bảo trì và các quy định của cơ quan có thẩm quyền (nếu có).

CHÚ THÍCH: Trang thiết bị lặn độc lập, đồng bộ bao gồm nhưng không giới hạn bởi các loại sau: Thiết bị lặn (máy, tàu lặn) chuyên dụng cho lặn sâu; bộ đồ lặn hoàn chỉnh gồm quần áo, mũ lặn, ống thở và thiết bị thở (bình cấp khí oxy) và các phụ kiện đồng bộ khác kèm theo.

2.14.4.2 Người sử dụng lao động phải cung cấp cho thợ lặn đầy đủ các trang thiết bị lặn bao gồm cả các phương tiện ra, vào nước, các phương tiện thông tin liên lạc và dây cứu sinh có thắt lưng phù hợp.

2.14.4.3 Trang phục lặn:

a) Thợ lặn phải được trang bị quần áo lặn chuyên dụng;

b) Khi lặn trong môi trường nước lạnh, thợ lặn phải được trang bị quần áo lót bằng vật liệu giữ nhiệt, mũ lặn và găng tay.

2.14.4.4 Phải có đủ các phương tiện ra, vào nước như thang có bậc, thang leo có dây cầm tay hoặc sàn công tác.

2.14.4.5 Thiết bị cung cấp không khí phải tuân thủ các quy định sau:

a) Nếu cung cấp không khí bằng đường ống thì phải có máy bơm không khí, máy nén khí hoặc xi lanh;

b) Nếu sử dụng máy nén khí thì phải đảm bảo cung cấp đủ lượng không khí dự trữ cần thiết để thợ lặn có thể ngoi lên mặt nước trong trường hợp máy nén khí bị hỏng;

c) Không khí cung cấp cho thợ lặn để thở phải đảm bảo chất lượng theo quy định cho hoạt động hô hấp của người, ở áp suất phù hợp với thiết bị lặn và điều kiện làm việc dưới nước;

d) Khi thợ lặn vẫn đang còn mặc bộ đồ lặn hoặc đội mũ lặn thì vẫn phải duy trì hoạt động máy bơm không khí;

đ) Đường ống cấp khí giữa máy nén khí và thợ lặn phải làm bằng cao su được gia cường (bằng lưới hoặc dây quấn hoặc biện pháp tương đương khác), có khả năng chịu được áp suất cao nhất (theo yêu cầu sử dụng) mà không bị biến dạng, có đủ độ bền kéo để không bị đứt khi sử dụng;

CHÚ THÍCH 1: Khả năng chịu áp suất và độ bền kéo đứt của đường ống cấp khí phải được kiểm tra bằng thử nghiệm.

CHÚ THÍCH 2: Các mối nối (hoặc bộ phận, chi tiết nối) trong đường ống cấp khí phải là các khớp nối xoay (dạng ống cúp lơ) chắc chắn, không bị bung ra trong quá trình sử dụng.

CHÚ THÍCH 3: Đường ống cấp khí phải đồng bộ với thiết bị (máy) nhận khí, bộ lọc dầu và nước, van an toàn, van ngắt, van giảm tốc và đồng hồ đo áp suất.

e) Công suất của thiết bị (máy) nhận khí phải đảm bảo cung cấp đủ không khí cho thợ lặn kể cả trường hợp máy nén khí bị hỏng cho đến khi nguồn cung cấp thường xuyên được khôi phục (bằng bơm tay, máy nén dự phòng hoặc các phương tiện hiệu quả khác);

g) Phải có van một chiều giữa thiết bị (máy) nhận khí và máy nén khí;

h) Máy bơm không khí chạy bằng điện phải là loại có thể nhanh chóng chuyển sang vận hành bằng tay hoặc phải luôn có sẵn máy bơm tay dự phòng đảm bảo yêu cầu đủ công suất và tạo đủ áp suất;

i) Khi thợ lặn sử dụng thiết bị khí nén cho công việc thì khí cấp cho thiết bị này phải được lấy từ một nguồn riêng từ thiết bị nhận khí khác và nguồn này phải tách biệt với nguồn không khí cấp cho thợ lặn để thở.

2.14.4.6 Dây cứu sinh phải là loại dây đảm bảo chất lượng, có độ bền kéo đứt với hệ số an toàn về tải trọng tối thiểu bằng 06 (sáu) lần tải trọng làm việc dự kiến; phải được kiểm tra bằng thử nghiệm kéo và có độ dài phù hợp theo yêu cầu sử dụng.

2.14.4.7 Truyền (báo) tín hiệu và giao tiếp:

a) Hoạt động lặn phải được điều phối bằng hệ thống tín hiệu phù hợp và được tất cả những người có liên quan hiểu rõ;

b) Người trợ giúp phải đảm bảo dây tín hiệu và đường cấp (dẫn) khí trong tình trạng hoạt động tốt, ĐBAT cho sử dụng (xem 2.14.4.11);

c) Trong trường hợp xuống nước từ thiết bị nổi, thợ lặn phải truyền tín hiệu về vị trí của thiết bị nổi này cho những người chịu trách nhiệm quản lý, giám sát trên đất liền để biết và sử dụng trong các trường hợp khẩn cấp;

d) Khi thợ lặn thực hiện các hoạt động nguy hiểm dưới nước như nổ mìn hoặc làm việc trong điều kiện dòng chảy xiết thì phải sử dụng điện thoại (hoặc bộ đàm) để liên lạc giữa thợ lặn với người ở trên mặt nước;

đ) Điện thoại (hoặc bộ đàm) của thợ lặn phải là loại có thể sử dụng mà không phải cầm bằng tay.

2.14.4.8 Chiếu sáng:

a) Phải cung cấp ánh sáng điện cho thợ lặn khi làm việc vào ban đêm hoặc những khu vực không đủ sáng dưới nước;

b) Đèn điện loại cầm tay hoặc gắn trên mũ lặn hoặc bóng đèn cho thợ lặn phải là đèn pin hoặc là bóng đèn đảm bảo cách điện và điện áp không quá 24 V.

2.14.4.9 Thiết bị nổi:

a) Phải có sẵn tàu (thuyền) cứu nạn và các trang thiết bị phục vụ cứu nạn khác;

b) Thiết bị nổi sử dụng cho hoạt động lặn phải có đủ không gian để làm việc và lưu trữ vật liệu, thiết bị phục vụ thi công, đảm bảo ổn định trên mặt nước và được neo giữ an toàn kể cả trường hợp có gió và dòng chảy.

2.14.4.10 Trang thiết bị sơ cứu và cứu nạn phải có sẵn tại những nơi tiến hành hoạt động lặn và phù hợp với các quy định tại 2.18.2 và 2.18.3.

2.14.4.11 Kiểm tra, thử nghiệm và bảo trì trang thiết bị lặn:

a) Các trang thiết bị lặn trước khi đưa vào sử dụng lần đầu phải được kiểm tra, thử nghiệm và xác nhận ĐBAT để sử dụng;

b) Trước mỗi ca làm việc, trang thiết bị lặn phải được kiểm tra đầy đủ về điều kiện ĐBAT cho sử dụng và phải được người có thẩm quyền (xem 2.14.1.1) chấp thuận;

c) Chỉ được phép sử dụng trang thiết bị lặn và máy, thiết bị hỗ trợ lặn (xem quy định dưới đây) nếu trong vòng 24 giờ trước khi sử dụng, chúng đã được người quản lý trang thiết bị lặn kiểm tra, thử nghiệm và xác nhận ĐBAT đối với:

- Máy bơm, máy nén khí (hoặc xi lanh), đường ống cấp khí về: Rò rỉ, khả năng chịu áp suất cao hơn áp suất làm việc, khả năng cung cấp không khí cho thợ lặn trong khoảng thời gian mà máy bơm hoặc máy nén khí không hoạt động;

- Các van đầu vào, đầu ra trên trang phục của thợ lặn và các thiết bị lặn;

- Các trang thiết bị lặn độc lập, đồng bộ.

d) Khi không sử dụng, các trang thiết bị lặn phải được cất giữ trong phòng hoặc tủ chứa phù hợp và không được phép sử dụng chúng cho bất kỳ mục đích nào khác;

đ) Các trang thiết bị lặn phải được rửa bằng nước sạch (không được sử dụng nước mặn để làm sạch), để ráo nước và làm khô trước khi cất vào phòng hoặc tủ chứa;

e) Trang phục lặn và ống cấp khí phải được cất giữ ở nơi khô ráo, không có dầu, mỡ hoặc hắc ín;

g) Định kỳ không ít hơn 01 lần/03 tháng, các trang thiết bị lặn phải được kiểm tra toàn diện, kỹ lưỡng để bảo trì hoặc thay thế các phụ kiện, bộ phận (hoặc cả thiết bị khi cần thiết) theo chỉ dẫn của nhà sản xuất và (hoặc) tiêu chuẩn áp dụng.

2.14.5 Hoạt động lặn

2.14.5.1 Trước khi lặn, thợ lặn phải làm quen dần với tình trạng dòng chảy, được biết về tình trạng giao thông ở khu vực lặn cũng như các nguy cơ gây nguy hiểm với thợ lặn như các đường cáp ngầm dưới nước, đường ống hút nước, dây cáp neo các thiết bị nổi.

2.14.5.2 Thợ lặn không được phép xuống nước nếu đang bị bệnh hoặc cảm thấy không khỏe hoặc đang bị ảnh hưởng của rượu, bia và các chất khác, vừa ăn no hoặc đang bị đói.

2.14.5.3 Khi thợ lặn xuống nước:

a) Thợ lặn phải sử dụng phương tiện ra, vào nước hoặc thiết bị khác được cung cấp cho mục đích lặn; không nhảy xuống nước;

b) Người trợ giúp phải kiểm tra và đảm bảo bộ đồ lặn của thợ lặn không bị ngấm nước, đồng thời phải giúp thợ lặn xuống nước từ từ;

c) Người trợ giúp phải kiểm tra, giám sát để thợ lặn không lặn xuống quá nhanh; phải đưa thợ lặn lên mặt nước nếu thợ lặn không thực hiện được việc nhận (truyền) tín hiệu.

2.14.5.4 Khi thợ lặn ở dưới nước, người trợ giúp phải giám sát thợ lặn liên tục và phải:

a) Theo dõi các đường cấp khí và các dây cứu sinh;

b) Trao đổi tín hiệu với thợ lặn theo những khoảng thời gian phù hợp;

c) Đảm bảo thợ lặn không bị nguy hiểm do hoạt động của tàu, thuyền hoặc các yếu tố nguy hiểm khác trong vùng lân cận nơi thợ lặn làm việc và phải đưa thợ lặn lên mặt nước nếu thợ lặn gặp các yếu tố nguy hiểm;

d) Trao đổi, thông báo thường xuyên với người có thẩm quyền (xem 2.14.1.1).

2.14.5.5 Trong thời tiết lạnh giá, phải đề phòng nguy hiểm cho thợ lặn do hình thành băng ở đường dẫn khí, van và tại các vị trí khác trên trang thiết bị lặn.

2.14.5.6 Khi cần thiết, để đề phòng nguy hiểm, không cho phép các thiết bị nổi đến gần khu vực thợ lặn đang làm việc.

2.14.5.7 Khi thực hiện lặn từ thiết bị nổi, thiết bị nổi phải được neo chắc chắn trước khi bắt đầu hoạt động lặn.

2.14.5.8 Khi thợ lặn được hạ xuống nước bằng cần trục hoặc thiết bị nâng khác, các thiết bị nâng này không được sử dụng cho bất kỳ mục đích nào khác khi đang nâng, hạ thợ lặn.

CHÚ THÍCH 1: Xem quy định về sử dụng thiết bị nâng tại 2.4.

CHÚ THÍCH 2: Hoạt động của thiết bị nâng phải được điều phối bởi người trợ giúp.

2.14.5.9 Khi thợ lặn xuống nước từ tàu, thuyền hoặc thiết bị nổi khác có động cơ, phải có các biện pháp phòng ngừa để ngăn chặn bất kỳ tác động nguy hiểm nào do chân vịt, bánh lái gây ra cho thợ lặn và bất kỳ sự phóng điện dưới nước nào.

2.14.5.10 Trong các hoạt động cứu nạn, cứu hộ, trục vớt dưới nước, không được nâng, kéo các vật dưới nước trước khi thợ lặn đã thông báo bằng tín hiệu đầy đủ các nội dung sau:

a) Vật phải trục vớt đã được neo buộc chắc chắn;

b) Thợ lặn đã di chuyển đến vị trí an toàn cho bản thân và đã đảm bảo các điều kiện an toàn để kéo vật lên mặt nước.

2.14.5.11 Thợ lặn phải được đưa lên mặt nước trong các trường hợp sau:

a) Tín hiệu truyền (báo) của thợ lặn không rõ;

b) Đường cấp khí để thở cho thợ lặn không đảm bảo hoặc gặp trục trặc (ví dụ như bị vướng, mắc vào các vật nặng hoặc cồng kềnh dưới nước).

2.14.5.12 Không được ném, thả hoặc chuyển bất cứ vật gì xuống nước vào khu vực thợ lặn đang làm việc.

2.14.5.13 Nếu thợ lặn ngoi lên mặt nước quá nhanh:

a) Đường dây tín hiệu và đường ống cấp khí phải được kéo lên nhanh chóng theo cùng với thợ lặn;

b) Ngay khi lên mặt nước, thợ lặn phải lặn xuống và sau một khoảng thời gian phù hợp mới được ngoi lên mặt nước (để giảm ảnh hưởng của áp suất).

2.14.5.14 Thợ lặn phải được đưa lên mặt nước từ từ và theo từng giai đoạn phù hợp với quy trình lặn đã được người sử dụng lao động phê duyệt để ĐBAT.

2.14.6 Nổ mìn dưới nước

2.14.6.1 Việc lưu kho, vận chuyển, sử dụng chất nổ, thuốc nổ và các thiết bị kèm theo, loại bỏ chất nổ và các công việc khác có liên quan đến thi công sử dụng chất nổ phải tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ, các QCVN có liên quan và các quy định tại 2.17.

2.14.6.2 Việc nổ mìn dưới nước phải được thực hiện dưới sự giám sát của người có thẩm quyền (xem 2.14.1.1) hoặc chuyên gia nổ mìn dưới nước có đủ điều kiện năng lực theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ.

2.14.6.3 Chất nổ, thiết bị kích nổ sử dụng cho nổ mìn dưới nước phải được lựa chọn, thiết kế và chế tạo để không bị ngấm nước trong suốt thời gian sử dụng.

2.14.6.4 Chỉ sử dụng các kíp nổ ngầm dưới nước có sức căng thấp (low-tension submarine detonators) và phải là loại chuyên dụng cho nổ mìn dưới nước.

2.14.6.5 Dây dẫn điện và cầu chì phải được bảo vệ để không bị hư hại do tác động của sóng, dòng chảy.

2.14.6.6 Dây dẫn điện phải là loại được cách điện và có hai lõi cáp.

2.14.6.7 Vật liệu, bộ phận cách điện của các mối nối trong dây dẫn điện phải là loại kín nước.

2.14.6.8 Người sử dụng lao động phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa để đảm bảo thợ lặn không gặp nguy hiểm do các nguy cơ sau:

a) Thiết bị nổ mìn bị mắc kẹt hoặc hư hỏng;

b) Dây dẫn điện hoặc cầu chì bị lôi, kéo; bị gấp khúc do bị gập, uốn, xoắn;

c) Đường ống cấp khí hoặc dây cứu sinh của thợ lặn bị vướng, mắc vào dây kích nổ, cầu chì, khối nổ.

2.14.6.9 Khối nổ, kíp nổ gắn kèm phải được chuẩn bị trước trên mặt nước.

2.14.6.10 Dây kích nổ phải được đảm bảo giữ chắc chắn tại vị trí nổ mìn bằng cách treo buộc với vật nặng hoặc có biện pháp phù hợp khác.

2.14.6.11 Vùng nguy hiểm (khu vực chịu ảnh hưởng của vụ nổ) phải được nhận diện rõ ràng trên mặt nước bằng phao dây cùng với cờ hiệu (hoặc biện pháp hiệu quả khác) và phải có biện pháp bảo vệ chống xâm nhập.

2.14.6.12 Dây kích nổ chỉ được sử dụng một lần và mỗi dây kích nổ chỉ được phép có một công tắc (cò).

2.14.6.13 Cấm kích nổ trước khi đã kiểm tra và đảm bảo:

a) Thợ lặn đã lên khỏi mặt nước và ra khỏi vùng nguy hiểm;

b) Các khối nổ không bị thợ lặn vô tình làm xê dịch vị trí so với quy định;

c) Tất cả người, thiết bị nổi đã di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm;

d) Đã thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng ngừa, cứu nạn.

2.14.7 Hàn, cắt kim loại dưới nước

2.14.7.1 Chỉ những người thợ lặn đã được huấn luyện, đào tạo về công việc hàn, cắt dưới nước (sau đây viết gọn là thợ hàn dưới nước) mới được thực hiện các công việc này dưới nước.

2.14.7.2 Thiết bị sử dụng để hàn, cắt dưới nước phải là loại được kiểm định an toàn theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.

2.14.7.3 Khi hàn, cắt trong các không gian kín (trong thùng, khoang kín, trong các vật thể hoặc cấu trúc rỗng) hoặc trong không gian hạn chế, phải có các biện pháp phòng ngừa để ngăn chặn sự hình thành hỗn hợp khí gây cháy, nổ.

2.14.7.4 Khi hàn, cắt sử dụng oxy và nhiên liệu lỏng (xăng hoặc các nhiên liệu khác), phải có các biện pháp phòng ngừa để ngăn cháy trên bề mặt do nhiên liệu thoát ra từ đầu đốt.

2.14.7.5 Các thùng chứa nhiên liệu phải được chế tạo, vận chuyển, sử dụng phù hợp với các yêu cầu liên quan nêu tại 2.1.8, 2.18.4 và các quy định khác có liên quan của quy chuẩn này về bảo quản, sử dụng và xử lý với các chất cháy, chất nguy hiểm độc hại.

2.14.7.6 Trang phục, mũ bảo hiểm, găng tay của thợ hàn dưới nước khi hàn, cắt bằng hồ quang điện phải là loại cách điện.

2.14.7.7 Phải sử dụng dòng điện một chiều để hàn, cắt dưới nước trừ trường hợp bất khả kháng.

2.14.7.8 Người trợ giúp phải ngắt điện máy hàn ngay lập tức khi thiết bị làm việc không ổn định hoặc có dấu hiệu hỏng, trục trặc hoặc trong trường hợp khẩn cấp.

2.14.7.9 Dây dẫn điện, bộ phận đấu nối điện, điện cực và giá đỡ điện cực phải được cách điện bằng vật liệu cách nước.

2.14.7.10 Chỉ được phép thay đổi điện cực nếu giá đỡ điện cực bị hỏng và người trợ giúp đã thông báo cho thợ hàn dưới nước được biết.

Last updated