2.10 Thi công, lắp dựng, tháo dỡ các loại cấu kiện, kết cấu
QCVN 18:2021/BXD
2.10.1 Quy định chung
2.10.1.1 Công việc lắp dựng, tháo dỡ các loại cấu kiện, kết cấu, KCCĐT phải do người lao động đã được đào tạo, huấn luyện thực hiện dưới sự giám sát và điều phối của người có thẩm quyền.
CHÚ THÍCH 1: Người có thẩm quyền thực hiện giám sát các công việc liên quan đến KCCĐT xem quy định tại 2.3.
CHÚ THÍCH 2: Người có thẩm quyền thực hiện giám sát lắp dựng và tháo dỡ các loại cấu kiện, kết cấu phải phù hợp với quy định của pháp luật về xây dựng.
CHÚ THÍCH 3: Các loại cấu kiện, kết cấu bao gồm: Cột, dầm, sàn, khung, giàn, tấm tường chịu lực và các cấu kiện, kết cấu khác là các bộ phận chịu lực của công trình. Các cấu kiện, kết cấu có thể là kết cấu thép, kết cấu tiền chế (bê tông cốt thép, hỗn hợp thép - bê tông, thép, gỗ hoặc các vật liệu khác).
CHÚ THÍCH 4: Các loại cấu kiện phi kết cấu bao gồm nhưng không giới hạn bởi các loại sau đây: Cấu kiện sử dụng để bao che (tấm tường kính, tấm tường bao che ngoài bằng các vật liệu khác); tấm tường ngăn chia không gian; các loại cấu kiện, vật thể, thiết bị được gắn hoặc đặt, treo trên công trình (bản thang, thang leo bằng sắt, cầu đi bộ giữa các tòa nhà, mô đun buồng vệ sinh, tháp tải nhiệt, cột ăng ten, khung biển quảng cáo và các cấu kiện tương tự khác).
2.10.1.2 Các biện pháp phòng ngừa đầy đủ phải được thực hiện để ĐBAT cho người lao động. Trong đó, đặc biệt chú ý đến việc sử dụng KCCĐT để ngăn ngừa các yếu tố nguy hiểm do kết cấu đang lắp dựng (hoặc tháo dỡ) bị yếu hoặc mất ổn định, nguy cơ do điện, nguy cơ ngã cao, nguy cơ mất an toàn khi thực hiện nâng, hạ các cấu kiện, kết cấu và việc không sử dụng các PTBVCN.
CHÚ THÍCH 1: Các công việc có liên quan đến KCCĐT thực hiện theo quy định tại 2.3.
CHÚ THÍCH 2: Các công việc có liên quan đến sử dụng thiết bị nâng và các thiết bị khác xem quy định tại 2.4 và các mục khác có liên quan trong quy chuẩn này.
CHÚ THÍCH 3: Các công việc liên quan đến sử dụng giàn giáo, PTBVCN xem quy định tại 2.2, 2.19 và các quy định khác có liên quan trong quy chuẩn này.
2.10.1.3 Trước khi lắp dựng cấu kiện, kết cấu, người sử dụng lao động phải căn cứ điều kiện thực tế (mặt bằng, khả năng của các thiết bị, các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại, điều kiện thời tiết và các nội dung khác có liên quan), hồ sơ thiết kế và chỉ dẫn kỹ thuật cho công việc lắp dựng để lập kế hoạch, biện pháp thi công và biện pháp ĐBAT.
2.10.1.4 Trước khi tháo dỡ cấu kiện, kết cấu của công trình sử dụng kết cấu tiền chế, người sử dụng lao động phải căn cứ điều kiện thực tế (mặt bằng, khả năng của các thiết bị, các yếu tố có hại, yếu tố nguy hiểm, điều kiện thời tiết, tình trạng hoặc KNCL của các liên kết, cấu kiện, kết cấu), hồ sơ hoàn công công trình (và các thay đổi nếu có liên quan đến kích thước, tải trọng các cấu kiện, kết cấu) để lập kế hoạch, biện pháp thi công và biện pháp ĐBAT.
CHÚ THÍCH: Đối với công việc tháo dỡ, phải đặc biệt lưu ý trình tự tháo dỡ và biện pháp chống đỡ để ngăn ngừa sụp đổ cấu kiện, kết cấu đang tháo dỡ.
2.10.1.5 Tại nơi làm việc, người sử dụng lao động phải:
a) Hướng dẫn đầy đủ cho người lao động (theo nhiệm vụ được giao) về các phương pháp, biện pháp, trình tự thực hiện công việc;
b) Bố trí đủ nhân lực và có các quy định cụ thể về phối hợp khi thực hiện công việc;
c) Cung cấp các phương tiện, thiết bị cần thiết cho việc vận chuyển, lưu trữ, nâng, hạ và lắp dựng (hoặc tháo dỡ) cấu kiện, kết cấu.
2.10.1.6 Trước mỗi ca làm việc, người sử dụng lao động phải tổ chức họp bàn, trao đổi với tất cả những người có liên quan (người được giao nhiệm vụ lắp đặt trực tiếp, người quản lý thi công, quản lý an toàn, người vận hành thiết bị nâng và những người có liên quan) để thảo luận và xác nhận các nội dung, yêu cầu cho việc ĐBAT khi thực hiện công việc.
2.10.1.7 Việc lắp dựng, tháo dỡ các cấu kiện phi kết cấu phải tuân thủ các quy định sau:
a) Nếu các cấu kiện phi kết cấu có trọng lượng hoặc kích thước lớn và cần sử dụng các thiết bị nâng thì phải thực hiện theo các quy định tại 2.10.1, 2.10.2 và 2.10.3;
b) Nếu các cấu kiện phi kết cấu có trọng lượng hoặc kích thước nhỏ, không phải sử dụng các thiết bị nâng thì phải thực hiện theo các quy định tại 2.10.1, quy định về sử dụng giàn giáo và thang tại 2.2, quy định về làm việc trên cao tại 2.7 và các quy định khác có liên quan đến ĐBAT quy định trong quy chuẩn này.
2.10.2 Lắp dựng, tháo dỡ kết cấu thép, kết cấu tiền chế
2.10.2.1 An toàn của người lao động thực hiện công việc lắp dựng, tháo dỡ các cấu kiện, kết cấu phải được đảm bảo bằng các biện pháp và phương tiện (hoặc thiết bị) phù hợp và tuân thủ các quy định liên quan đến:
a) Thang, đường vượt trên cao hoặc sàn công tác cố định;
b) Sàn công tác, thùng, giá treo hoặc các thiết bị khác được treo vào thiết bị nâng;
c) Các PTBVCN, dây an toàn, dây cứu sinh, lưới an toàn hoặc sàn tạm (xem 2.10.3);
d) Các hệ thống sàn công tác di động vận hành bằng điện;
đ) Các quy định về sử dụng điện, máy, thiết bị thi công (máy cắt, máy hàn, thiết bị nâng và các máy, thiết bị thi công khác);
e) Công việc PCCC, cứu nạn và các công việc khác có liên quan.
2.10.2.2 Các cấu kiện, kết cấu phải được thiết kế, chế tạo để ĐBAT khi vận chuyển và lắp dựng tuân thủ đúng quy định của tiêu chuẩn thiết kế, thi công được áp dụng; mỗi cấu kiện, kết cấu phải có đầy đủ thông tin về trọng lượng bản thân.
CHÚ THÍCH: Đối với cấu kiện tháo dỡ, nếu không có thông tin về trọng lượng của cấu kiện thì phải xác định trên cơ sở trọng lượng riêng của vật liệu chế tạo.
2.10.2.3 Ngoài việc đảm bảo sự ổn định của các cấu kiện kết cấu, kết cấu (hoặc bộ phận của nó) khi lắp dựng, để ngăn ngừa các yếu tố nguy hiểm, công việc thiết kế cần xét đến và có chỉ dẫn cụ thể một số nội dung sau:
a) Các điều kiện, phương pháp vận chuyển, lưu trữ, chống đỡ tạm trong quá trình lắp dựng hoặc tháo dỡ;
b) Khả năng lắp đặt các phương tiện ĐBAT như lan can, sàn công tác;
c) Sự thuận tiện trong việc treo, gá, lắp các cấu kiện đang lắp dựng với các cấu kiện, kết cấu đã được lắp dựng hoặc đã được thi công.
2.10.2.4 Các chi tiết hoặc bộ phận được đặt sẵn bên trong hoặc chế tạo cùng với các cấu kiện, kết cấu để sử dụng cho việc nâng, hạ, vận chuyển phải được thiết kế, chế tạo với hình dạng, kích thước và đặt ở vị trí phù hợp để đáp ứng các quy định sau:
a) Đảm bảo chịu được các ứng suất, tải trọng, tác động lên chúng;
b) Không làm phát sinh các ứng suất tại các khu vực có thể gây hư hỏng hoặc bất lợi lên cấu kiện, kết cấu; có thể dễ dàng tháo ra khỏi thiết bị nâng;
CHÚ THÍCH: Các chi tiết hoặc bộ phận đặt sẵn để nâng, hạ trong các cấu kiện có bề mặt, dạng phẳng (ví dụ: tấm sàn, tấm tường, bản thang) nên được cấu tạo để không nhô ra khỏi bề mặt cấu kiện.
c) Cấu kiện, kết cấu khi nâng lên không bị mất cân bằng hoặc bị vặn xoắn.
2.10.2.5 Chỉ được phép di chuyển hoặc lắp dựng cấu kiện, kết cấu bê tông tiền chế khi bê tông đã đạt cường độ theo chỉ dẫn kỹ thuật của thiết kế. Trước khi lắp đặt, phải kiểm tra cấu kiện, kết cấu tiền chế nhằm phát hiện các hư hỏng (nếu có).
2.10.2.6 Kho, bãi chứa cấu kiện, kết cấu phải đáp ứng được các yêu cầu sau:
a) Không xuất hiện nguy cơ các cấu kiện, kết cấu bị rơi, đổ, lật;
b) Các cấu kiện, kết cấu không bị hư hỏng do ảnh hưởng của điều kiện lưu trữ và môi trường xung quanh;
c) Giá đỡ các cấu kiện, kết cấu phải được đặt trên nền vững chắc và phải được thiết kế để các cấu kiện, kết cấu không bị dịch chuyển ngẫu nhiên.
2.10.2.7 Có biện pháp để tránh cong vênh, mất ổn định cho các cấu kiện, kết cấu khi lưu trữ, vận chuyển, lắp dựng.
2.10.2.8 Các thiết bị nâng phải tuân thủ các quy định tại 2.4 và:
a) Phù hợp với đặc điểm của các cấu kiện, kết cấu cần nâng, hạ;
b) Được chỉ huy trưởng công trường (hoặc người quản lý thi công lắp dựng) chấp thuận và (hoặc) đã được thử nghiệm theo quy định của nhà sản xuất và cơ quan có thẩm quyền (nếu có quy định).
2.10.2.9 Các móc nâng phải là loại móc tự đóng hoặc loại móc an toàn, được dán nhãn với thông tin tải trọng tối đa cho phép.
2.10.2.10 Các loại kẹp, phụ kiện nâng khác phải đáp ứng các yêu cầu sau:
a) Có hình dạng và kích thước phù hợp để đảm bảo độ bám chắc chắn và không gây hư hỏng cấu kiện, kết cấu;
b) Được dán nhãn với thông tin tải trọng tối đa cho phép trong điều kiện bất lợi nhất.
2.10.2.11 Phải sử dụng thiết bị và biện pháp nâng phù hợp để các cấu kiện, kết cấu không bị quay hoặc xoay ngoài ý muốn.
2.10.2.12 Trong trường hợp cần thiết, trước khi nâng các cấu kiện, kết cấu phải có các phương tiện như lan can, rào chắn, sàn công tác để ĐBAT cho người lao động (để cách ly vùng nguy hiểm; để tránh ngã khi ở trên cao, ở các vị trí đón, đỡ các cấu kiện).
2.10.2.13 Trước khi lắp dựng, tháo dỡ cấu kiện, kết cấu, người sử dụng lao động phải cung cấp và hướng dẫn cho người lao động sử dụng các PTBVCN nhằm tránh tai nạn lao động và thao tác được thuận lợi.
2.10.2.14 Các cấu kiện, kết cấu phải được kiểm tra để đảm bảo không bị hư hỏng trước khi được tháo dỡ ra khỏi thiết bị nâng. Các cấu kiện, kết cấu dạng tấm (ví dụ: tấm tường, vách kính) phải được đảm bảo ổn định khi chịu các tác động như gió, các tác động ngang khác.
2.10.2.15 Trong trường hợp không thể lắp đặt các phương tiện ĐBAT chống rơi, ngã cho người lao động (ví dụ: lưới an toàn), nơi (khu vực) lắp dựng phải được bảo vệ bằng lan can an toàn và tấm chặn chân.
2.10.2.16 Trong khi lắp dựng, tháo dỡ cấu kiện, kết cấu, nếu người lao động phải làm việc trong các điều kiện thời tiết bất lợi như có gió mạnh, băng, tuyết hoặc tầm nhìn bị hạn chế thì phải thực hiện công việc với sự cẩn trọng đặc biệt và phải dừng ngay công việc nếu điều kiện thời tiết trở nên nguy hiểm (xem 2.1.11).
2.10.2.17 Phải dừng ngay công việc khi các cấu kiện, kết cấu hoặc nơi người lao động làm việc bị trơn trượt hoặc bị băng, tuyết bao phủ.
2.10.2.18 Khi cần thiết, để ngăn ngừa nguy hiểm, phải bổ sung thêm các phụ kiện, chi tiết vào các cấu kiện, kết cấu đã được lắp đặt để phục vụ cho việc lắp giàn giáo treo, neo dây an toàn hoặc các phương tiện ĐBAT khác (ví dụ: lưới an toàn, sàn đỡ an toàn).
2.10.2.19 Phải sử dụng các biện pháp và phương tiện bảo vệ để ngăn người lao động bị trượt, ngã khi làm việc trên các dầm cao hoặc dốc. Tại những vị trí không thể sử dụng dây an toàn thì phải có biện pháp phù hợp khác như sử dụng lưới an toàn hoặc các biện pháp hiệu quả khác.
2.10.2.20 Trước khi lắp dựng các cấu kiện, kết cấu ở độ cao lớn (ví dụ: giàn, dầm thép mái nhịp lớn), phải lắp ráp thử và nâng thử trên mặt đất.
2.10.2.21 Trước khi lắp đặt, tháo dỡ các cấu kiện, kết cấu đơn lẻ, phải thiết lập vùng nguy hiểm ở bên dưới khu vực lắp đặt và kiểm soát vùng nguy hiểm theo quy định tại 2.1.1.2. Vùng nguy hiểm phải được xác định căn cứ vào khả năng cấu kiện, kết cấu đang lắp dựng có thể bị rơi xuống, kể cả khi có gió mạnh bất ngờ hoặc do sự cố thiết bị cẩu lắp.
2.10.2.22 Các giàn thép hoặc dầm cao đang được lắp dựng phải được giằng, chống đỡ đầy đủ để đảm bảo ổn định (theo phương ngoài mặt phẳng) cho đến khi chúng đã được liên kết chắc chắn với kết cấu đỡ theo đúng thiết kế.
2.10.2.23 Không được phép gây giảm yếu nhiều tiết diện cấu kiện, kết cấu chịu lực do việc cắt, đục lỗ hoặc các biện pháp gia công khác.
CHÚ THÍCH: Việc cắt, đục lỗ, gia công phải tuân thủ đúng chỉ dẫn kỹ thuật của thiết kế và (hoặc) các tiêu chuẩn áp dụng.
2.10.2.24 Không được sử dụng vận thăng để nâng, hạ các cấu kiện, kết cấu vào vị trí lắp đặt nếu việc này có nguy cơ gây mất an toàn cho người lao động ở gần vị trí vận thăng.
2.10.2.25 Dầm thép bụng rỗng nếu được lắp dựng đơn lẻ thì phải được lắp đặt luôn vào đúng vị trí thiết kế và phải đảm bảo không bị xê dịch.
2.10.2.26 Các trường hợp lắp dựng, tháo dỡ có sử dụng sàn tạm xem quy định tại 2.10.3.
2.10.3 Sàn tạm
2.10.3.1 Trong trường hợp các sàn đang thi công có các lỗ mở hoặc khoảng hở lớn thì phải bịt kín các khoảng hở này bằng sàn tạm (sử dụng tấm cứng hoặc biện pháp tương tự) để ĐBAT cho người lao động.
2.10.3.2 Các sàn tạm, các bộ phận che chắn ĐBAT phải được duy trì trong suốt quá trình thi công và chỉ được dỡ bỏ nếu thực sự cần thiết để tiếp tục các công việc khác nhưng phải có biện pháp ĐBAT thay thế.
2.10.3.3 Trong trình tự thi công phải ưu tiên hoàn thành sớm các kết cấu sàn cố định để giảm thiểu nguy cơ gây mất an toàn.
Last updated