2.4 Thiết bị nâng
QCVN 18:2021/BXD
2.4.1 Quy định chung
2.4.1.1 Thiết bị nâng và phụ kiện nâng phải tuân thủ các quy định tại 2.1.1.5 và phải được hợp quy theo quy định của QCVN 7:2012/BLĐTBXH và các QCVN khác có liên quan.
2.4.1.2 Người sử dụng lao động phải tổ chức lập và thực hiện theo kế hoạch để đảm bảo các thiết bị nâng, phụ kiện nâng được lựa chọn, lắp đặt, kiểm tra, thử nghiệm (thử tải), kiểm định, bảo dưỡng, vận hành, tháo dỡ theo các yêu cầu sau:
a) Phòng ngừa bất kỳ tai nạn nào có thể xảy ra;
b) Phù hợp với các yêu cầu về quản lý, sử dụng đối với máy, thiết bị, vật tư theo quy định của pháp luật về ATVSLĐ, QCVN 7:2012/BLĐTBXH, các QCVN khác có liên quan và chỉ dẫn của nhà sản xuất.
2.4.1.3 Thiết bị nâng, phụ kiện nâng phải được thiết kế, chế tạo từ vật liệu đảm bảo chất lượng, có đủ độ bền và đáp ứng mục đích sử dụng của chúng.
2.4.1.4 Hồ sơ kỹ thuật của thiết bị nâng (kể cả bộ phận của nó), phụ kiện nâng phải quy định rõ các thông số sau:
a) Tải trọng làm việc an toàn lớn nhất;
b) Tải trọng làm việc an toàn lớn nhất tương ứng với các bán kính nâng (tầm với) khác nhau đối với thiết bị nâng có bán kính nâng thay đổi được;
c) Điều kiện sử dụng thiết bị tương ứng với tải trọng làm việc an toàn lớn nhất nêu tại điểm a, điểm b của mục này.
2.4.1.5 Các thiết bị nâng, phụ kiện nâng chỉ quy định về thông số tại điểm a của 2.4.1.4, phải được đánh dấu (hoặc ghi, dán thông tin) rõ ràng tại vị trí dễ quan sát về giá trị của tải trọng làm việc an toàn lớn nhất.
2.4.1.6 Các thiết bị nâng có quy định về thông số tại điểm b của 2.4.1.4, phải có bảng (hoặc thiết bị) chỉ thị tải trọng và bán kính nâng tương ứng để người vận hành biết rõ từng mức tải trọng an toàn lớn nhất và điều kiện áp dụng kèm theo mức tải trọng đó.
2.4.1.7 Thiết bị nâng phải được chống đỡ, neo, giằng, giữ chắc chắn. Khả năng chịu tải của nền đất nơi đặt thiết bị nâng (hoặc móng đỡ, kết cấu đỡ thiết bị nâng) phải được khảo sát, tính toán, thiết kế và thực hiện các biện pháp cần thiết để ĐBAT theo yêu cầu quy định tại chỉ dẫn của nhà sản xuất và yêu cầu thực tế. Kết cấu sử dụng để chống đỡ, neo, giữ, giằng cho thiết bị nâng, liên kết thiết bị nâng với công trình phải được kiểm tra, thực hiện theo quy định như đối với KCCĐT nêu tại 2.3.
2.4.1.8 Lắp đặt thiết bị nâng
2.4.1.8.1 Thiết bị nâng cố định được lắp đặt phải đáp ứng các yêu cầu sau:
a) Không bị dịch chuyển vị trí do tác động của vật nâng, do rung động hoặc các ảnh hưởng khác;
b) Người vận hành không bị ở trong tình trạng (hoặc vị trí) nguy hiểm do vật nâng, cáp hoặc tang cuốn cáp;
c) Người vận hành có thể quan sát được toàn bộ khu vực hoạt động của thiết bị nâng và khu vực lân cận hoặc có thể liên lạc được với các vị trí nhận hoặc dỡ tải bằng điện thoại, bằng tín hiệu hoặc bằng các phương pháp liên lạc phù hợp khác.
2.4.1.8.2 Khoảng cách thông thủy tối thiểu giữa phần chuyển động của thiết bị nâng hoặc vật nâng được quy định như sau:
a) Đối với các vật cố định ở không gian xung quanh (như tường, cột): 70 cm;
b) Đối với đường dây dẫn điện: Theo quy định của QCVN 01:2020/BCT.
2.4.1.8.3 Phải kiểm tra, tính toán KNCL và ổn định của thiết bị nâng với tải trọng gió tại khu vực lắp đặt thiết bị.
2.4.1.8.4 Không được thay đổi về cấu trúc hoặc sửa chữa bất cứ bộ phận nào của thiết bị nâng mà không được chấp thuận và giám sát bởi người có thẩm quyền. Các thay đổi phải được thử nghiệm hoặc kiểm định an toàn theo quy định (đối với máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ).
CHÚ THÍCH: Người có thẩm quyền là người thiết kế thiết bị nâng hoặc người được giao nhiệm vụ của nhà sản xuất (hoặc cung cấp) hoặc người quản lý máy, thiết bị thi công (hoặc quản lý an toàn) của nhà thầu và người giám sát xây dựng của chủ đầu tư (hoặc tổng thầu EPC) được đào tạo về máy xây dựng.
2.4.1.9 Kiểm tra, thử nghiệm và kiểm định an toàn
2.4.1.9.1 Thiết bị nâng, phụ kiện nâng phải được kiểm tra, thử nghiệm hoặc kiểm định an toàn (đối tượng phải kiểm định xem 2.4.1.9.3) vào các thời điểm sau:
a) Trước khi đưa vào sử dụng lần đầu;
b) Sau khi lắp đặt trên công trường;
c) Định kỳ trong quá trình sử dụng (nếu có quy định của cơ quan có thẩm quyền hoặc của nhà sản xuất);
d) Sau khi sửa chữa;
đ) Thay đổi về cấu trúc hoặc vị trí của thiết bị.
2.4.1.9.2 Đối với các thiết bị nâng, phụ kiện nâng không thuộc loại có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ nêu tại điểm c của 2.1.1.5, công việc kiểm tra, thử nghiệm an toàn phải thực hiện theo các quy định sau:
a) Tải trọng thử và các yêu cầu khác theo chỉ dẫn của nhà sản xuất hoặc quy định của cơ quan có thẩm quyền (nếu có);
b) Do người được giao nhiệm vụ vận hành hoặc cá nhân có đủ điều kiện hoạt động kiểm định an toàn theo quy định thực hiện dưới sự chứng kiến và giám sát bởi người quản lý máy, thiết bị thi công (hoặc quản lý an toàn) của nhà thầu và người giám sát xây dựng của chủ đầu tư (hoặc tổng thầu EPC).
2.4.1.9.3 Đối với các loại thiết bị nâng và phụ kiện nâng thuộc loại có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ nêu tại điểm c của 2.1.1.5, công việc kiểm định an toàn phải:
a) Tuân thủ đúng nội dung quy định trong quy trình kiểm định do cơ quan có thẩm quyền ban hành;
b) Được thực hiện bởi tổ chức có đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động theo quy định của pháp luật;
c) Được thực hiện dưới sự chứng kiến, giám sát bởi người quản lý máy, thiết bị thi công (hoặc quản lý an toàn) của nhà thầu và người giám sát xây dựng của chủ đầu tư (hoặc tổng thầu EPC).
2.4.1.9.4 Kết quả kiểm tra, thử nghiệm hoặc kiểm định thiết bị nâng, phụ kiện nâng phải được lập thành biên bản theo mẫu quy định do cơ quan có thẩm quyền ban hành. Các tài liệu này phải được lập, lưu trữ như một phần hồ sơ của công trình và phải xuất trình khi có yêu cầu của các cơ quan có thẩm quyền, chủ đầu tư, người vận hành hoặc đại diện của họ.
2.4.1.10 Hệ thống (thiết bị) điều khiển và buồng điều khiển
2.4.1.10.1 Hệ thống (thiết bị) điều khiển của thiết bị nâng phải:
a) Được thiết kế và chế tạo phù hợp với nguyên tắc ec-gô-nô-my;
b) Bố trí thuận tiện cho người sử dụng, vận hành chỗ ngồi đủ rộng để điều khiển và không bị giới hạn tầm nhìn;
c) Được trang bị (tại những nơi, vị trí cần thiết) các thiết bị khóa hành trình hoặc khóa dịch chuyển phù hợp để ngăn ngừa các dịch chuyển hoặc thay đổi vị trí ngoài dự kiến;
d) Đặt ở những vị trí không bị nguy hiểm do đường di chuyển của vật nâng;
đ) Có đủ các tài liệu hướng dẫn, trang bị các bảng chỉ dẫn cụ thể, rõ ràng về mục đích và phương pháp vận hành.
2.4.1.10.2 Các thiết bị nâng phải được lắp đặt thiết bị hạn chế tốc độ và thiết bị chống rơi khi mất nguồn năng lượng vận hành (ví dụ: mất điện).
2.4.1.10.3 Người vận hành các thiết bị nâng ngoài trời phải được cung cấp, trang bị:
a) Buồng điều khiển (ca bin) an toàn, chịu được các tác động bất lợi của thời tiết và được thiết kế, chế tạo phù hợp với nguyên tắc ec-gô-nô-my;
b) Tầm nhìn rõ, không bị giới hạn về khu vực hoạt động nâng, hạ;
c) Đường tiếp cận an toàn để vào và ra khỏi ca bin.
2.4.1.11 Vận hành
2.4.1.11.1 Người vận hành thiết bị nâng chỉ được phép vận hành đúng loại thiết bị đã được đào tạo và phải tuân thủ quy trình làm việc do người sử dụng lao động quy định.
2.4.1.11.2 Các thiết bị nâng và phụ kiện nâng không được phép sử dụng để nâng, hạ các tải trọng vượt quá tải trọng làm việc an toàn cho phép của chúng.
2.4.1.11.3 Không được vận hành thiết bị nâng khi không có các thiết bị hoặc người điều phối để truyền (báo) tín hiệu.
2.4.1.11.4 Không được phép sử dụng thiết bị nâng để vận chuyển người trừ trường hợp chúng được thiết kế, chế tạo, lắp đặt và sử dụng cho mục đích vận chuyển người hoặc trong những tình huống khẩn cấp (như có người bị thương rất nặng mà việc tử vong có thể xảy ra nếu không được chuyển cấp cứu ngay) và thiết bị nâng này có thể sử dụng an toàn cho vận chuyển người.
CHÚ THÍCH: Sàn nâng dùng để nâng người phải tuân thủ các quy định của QCVN 20:2015/BLĐTBXH.
2.4.1.11.5 Các vật nâng phải được móc, treo, buộc chắc chắn để đề phòng nguy hiểm do tụt, rơi.
2.4.1.11.6 Sàn công tác hoặc thùng đựng sử dụng để nâng, hạ gạch, ngói, đá ốp lát hoặc các vật liệu rời khác phải được bao hoặc quây kín để tránh rơi.
2.4.1.11.7 Khi đặt trực tiếp xe cút kít lên sàn công tác (hoặc bàn nâng), xe phải được buộc, neo chặt vào sàn công tác hoặc có biện pháp đảm bảo xe không thể dịch chuyển và sàn công tác cũng phải được bao hoặc quây kín xung quanh.
2.4.1.11.8 Khi nâng, hạ xe cút kít, không được sử dụng bánh xe như phụ kiện nâng (móc hoặc buộc tời, cáp vào bánh xe) trừ trường hợp có các biện pháp đảm bảo để bánh xe, trục xe không bị trượt ra ngoài các ổ trục và đã được thử nghiệm về đảm bảo khả năng chịu tải và an toàn (như áp dụng với phụ kiện nâng).
2.4.1.11.9 Khi nâng, hạ các vật nâng dài, cồng kềnh (ví dụ: thanh dài, dầm, giàn, tấm ván lớn) phải sử dụng dây hoặc thanh dẫn hướng để kiểm soát đường đi của vật nâng.
2.4.1.11.10 Việc nâng, hạ tải phải được thực hiện sao cho người đón tải không phải nghiêng hoặc vươn người ra ngoài khoảng không.
2.4.1.11.11 Tại các khu vực có người, máy, thiết bị thi công di động khác thường xuyên qua lại, việc nâng, hạ tải phải được thực hiện trong khu vực được quây kín (để ngăn cách với giao thông xung quanh) hoặc phải thực hiện các biện pháp khác như ngừng hoặc chuyển hướng đi của người, máy, thiết bị thi công di động.Tại những khu vực này, phải thiết lập vùng nguy hiểm và ĐBAT theo quy định từ 2.1.1.2 đến 2.1.1.4.
2.4.2 Vận thăng
2.4.2.1 Vận thăng phải tuân thủ các quy định của QCVN 16:2013/BLĐTBXH và các quy định dưới đây.
2.4.2.2 Phải bố trí rào chắn đối với giếng thăng tại mặt đất (ở tất cả các mặt) và đường tiếp cận từ vận thăng vào công trình.
2.4.2.3 Chiều cao của rào chắn (trừ lối ra vào) phải đủ để ngăn ngừa người rơi, ngã (khoảng 2,0 m) nhưng không được thấp hơn 1,1 m.
2.4.2.4 Cửa ra vào vận thăng phải đáp ứng các yêu cầu sau:
a) Phải có dạng lưới hoặc tấm có lỗ để có thể nhìn xuyên qua;
b) Cao tối thiểu 2,0 m, ngoại trừ những chỗ không thể thực hiện được;
c) Khi đóng phải đảm bảo ngăn cản được việc tiếp cận vào bàn nâng của vận thăng và bất kỳ phần chuyển động nào của vận thăng.
2.4.2.5 Thanh dẫn hướng cho bàn nâng của vận thăng phải đủ khả năng chịu uốn và không bị oằn khi thanh hãm an toàn bị kẹt.
2.4.2.6 Đối với các vận thăng đã lắp đặt mà phạm vi hoạt động của nó thấp hơn chiều cao của công trình và khi phần công trình bên trên vẫn đang đi công, phải thực hiện che chắn ĐBAT tại đỉnh của giếng thăng để ngăn ngừa vật rơi từ trên xuống.
2.4.2.7 Nền móng hoặc kết cấu đỡ tháp vận thăng phải được thiết kế và thi công ĐBAT, vững chắc. Tháp vận thăng phải được giằng, neo giữ chắc chắn vào móng và công trình tại các cao trình theo thiết kế lắp đặt. Kết cấu sử dụng để đỡ, neo giữ tháp vận thăng phải tuân thủ theo quy định tại 2.3.
2.4.2.8 Phải bố trí thang leo từ chân tới đỉnh của vận thăng ngoài trời để phục vụ việc kiểm tra, bảo trì.
2.4.2.9 Động cơ của vận thăng phải đủ công suất để kiểm soát được tải trọng nâng, hạ lớn nhất theo yêu cầu của công việc vận chuyển.
2.4.2.10 Động cơ của vận thăng phải được tự động ngừng ngay khi bàn nâng đạt tới điểm dừng cao nhất theo thiết kế lắp đặt.
2.4.2.11 Máy tời cáp (của vận thăng loại kéo cáp) phải đảm bảo để phanh đóng khi cần điều khiển không giữ ở vị trí vận hành (đóng tự động khi cần điều khiển ở vị trí 0).
2.4.2.12 Cấm vận chuyển người bằng vận thăng được thiết kế chỉ để chở hàng.
2.4.2.13 Không sử dụng thiết bị dừng kiểu con cóc, bánh cóc (loại chỉ cho bàn nâng, hạ xuống khi nhấc con cóc ra khỏi bánh cóc) cho máy tời cáp (của vận thăng loại kéo cáp).
2.4.2.14 Bàn nâng phải đủ khả năng nâng tải trọng bằng tải trọng làm việc an toàn lớn nhất (theo thiết kế của bàn nâng) nhân với hệ số an toàn tải trọng (theo quy định của nhà sản xuất hoặc QCVN 16:2013/BLĐTBXH).
2.4.2.15 Bàn nâng phải được lắp thiết bị hãm (phanh) an toàn chống rơi đảm bảo giữ bàn nâng với tải trọng nâng lớn nhất trong trường hợp cáp nâng bị đứt.
2.4.2.16 Lồng thăng và bàn nâng phải được trang bị cơ cấu khóa ngăn dịch chuyển tại các vị trí dừng (khi chất, dỡ tải) để ĐBAT cho người ra vào.
2.4.2.17 Tại các mặt không dùng để chất, dỡ tải, bàn nâng phải được lắp tấm chặn chân và bao quanh bằng lưới thép hoặc các vật liệu phù hợp khác để ngăn các vật nâng (vật tư, vật liệu, sản phẩm) bị rơi ra ngoài.
2.4.2.18 Để ngăn ngừa nguy hiểm do các vật rơi từ trên xuống, bàn nâng phải được che chắn.
2.4.2.19 Nếu đối trọng của vận thăng được ghép từ nhiều khối thì các khối này phải có cấu tạo để đảm bảo được liên kết chắc chắn với nhau.
2.4.2.20 Đối trọng của vận thăng phải di chuyển theo đường dẫn hướng.
2.4.2.21 Tại các điểm dừng (điểm chất và dỡ, hạ tải) của vận thăng phải bố trí sàn công tác phù hợp, ĐBAT cho người lao động sử dụng.
2.4.2.22 Các bảng thông tin dưới đây phải được treo ở những vị trí dễ nhìn với chữ, ký hiệu dễ đọc:
a) Trên các loại vận thăng:
- Trên cabin hoặc bàn nâng: Đơn vị tải trọng bằng kg hoặc đơn vị tải trọng phù hợp khác và tổng tải trọng được phép để, đặt trên sàn (tải trọng làm việc an toàn lớn nhất);
CHÚ THÍCH: Khuyến khích quy đổi tổng tải trọng thành các số lượng viên, gói, hộp, bao mà chúng thường xuyên được vận chuyển (ví dụ: số bao xi măng).
- Trên động cơ vận thăng: Đơn vị tải trọng nâng bằng kg hoặc đơn vị tải trọng phù hợp khác và tải trọng được phép nâng, hạ (tải trọng làm việc an toàn lớn nhất).
b) Trên vận thăng chỉ dùng để vận chuyển người: Số người lớn nhất và tổng tải trọng được mang tại một thời điểm (tải trọng làm việc an toàn lớn nhất);
c) Trên vận thăng chỉ dùng để chở hàng: Những nơi tiếp cận vận thăng và bàn nâng (sàn công tác) phải ghi rõ “Cấm sử dụng để vận chuyển người”.
2.4.2.23 Vận thăng sử dụng để vận chuyển người phải có lồng thăng được cấu tạo và lắp đặt để bảo vệ người chống vật rơi và ngã ra ngoài lồng.
2.4.2.24 Trên lồng thăng phải có cửa ra tại các mặt cho phép tiếp cận. Cửa lồng thăng phải đảm bảo không thể mở được khi lồng thăng đang di chuyển trừ trường hợp lồng thăng đã ở vị trí chất, dỡ tải. Cửa lồng thăng phải được đóng lại trước khi lồng thăng di chuyển.
2.4.2.25 Cổng (cửa) ở đường tiếp cận vào giếng thăng phải đảm bảo không được mở khi vận thăng đang di chuyển trừ trường hợp lồng thăng đã ở đúng vị trí chất, dỡ tải. Cổng (cửa) này phải được đóng lại trước khi lồng thăng di chuyển.
2.4.3 Cần trục cột buồm
2.4.3.1 Cần trục cột buồm (hoặc cần trục Derrick) phải được lắp đặt trên nền móng (hoặc kết cấu đỡ) vững chắc có khả năng chịu tải trọng lớn nhất trong trạng thái làm việc và không làm việc.
CHÚ THÍCH: Nền hoặc kết cấu đỡ cần trục là KCCĐT, thực hiện theo quy định tại 2.3.
2.4.3.2 Phải có các thiết bị (hoặc cơ cấu) để ngăn chặn cột trụ của cần trục Derrick bị nhổ ra khỏi vị trí đặt của nó.
2.4.3.3 Cần trục Derrick sử dụng điện phải được nối đất an toàn theo quy định.
2.4.3.4 Đối trọng phải được sắp xếp sao cho chúng không làm cho thanh chống (căng) sau, tấm đệm chân và trục xoay bị biến dạng quá mức quy định.
2.4.3.5 Đối với cần trục Derrick đặt trên các bánh xe:
a) Phải sử dụng các thanh cứng để duy trì khoảng cách chính xác giữa các bánh xe;
b) Phải có hệ thanh chống (giằng giữ) để chống rơi khi bánh xe bị vỡ hoặc khi cần trục bị trật (trượt) khỏi vị trí.
2.4.3.6 Không được phép thay đổi chiều dài cần nâng của cần trục Derrick nếu không được nhà sản xuất hoặc nhà cung cấp chấp thuận bằng văn bản.
CHÚ THÍCH: Khi thay đổi chiều dài cần nâng, các thông số quy định về tải trọng làm việc an toàn và điều kiện làm việc kèm theo phải được nhà sản xuất hoặc nhà cung cấp bổ sung trong chỉ dẫn kỹ thuật. Trước khi sử dụng, các công việc kiểm tra, thử nghiệm, kiểm định phải thực hiện theo quy định.
2.4.3.7 Cần của cần trục Derrick cố định (cần trục Derrick Scotch) không được lắp trong phạm vi các thanh chống (căng) sau.
2.4.3.8 Đối với cần trục Derrick sử dụng dây néo (cần trục Guy Derrick):
2.4.3.8.1 Việc neo giữ dây néo phải được đảm bảo bằng cách neo với các vòng (móc) neo hoặc tấm để neo giữ đặt sẵn trong nền bê tông, móng hoặc kết cấu để neo.
2.4.3.8.2 Cột trụ của cần trục Guy Derrick phải được giữ bởi sáu (06) dây néo trên đỉnh cột đặt cách đều nhau.
2.4.3.8.3 Góc tạo thành giữa dây néo và mặt phẳng ngang không được lớn hơn 45 độ.
2.4.3.8.4 Dây néo của cần trục Guy Derrick phải được điều chỉnh độ căng bằng vít điều chỉnh độ dài hoặc tăng đơ cáp hoặc thiết bị phù hợp, đảm bảo khác.
2.4.3.8.5 Các khớp, trục xoay và tấm đỡ chân phải được bảo dưỡng, tra dầu mỡ (để làm trơn) thường xuyên.
2.4.3.8.6 Khi cần trục Guy Derrick không sử dụng, cần nâng phải được neo (giữ) để chống bị lắc (đung đưa).
2.4.4 Cột, hệ cột, tháp treo pa lăng
2.4.4.1 Cột, hệ cột, tháp treo pa lăng (sau đây viết gọn là cột nâng) phải:
a) Thẳng;
b) Được thiết kế, chế tạo từ thép hoặc thanh gỗ không có khuyết tật; đảm bảo chịu được tải sẽ nâng;
c) Được lắp dựng thẳng đứng hoặc hơi nghiêng về phía vật nâng và phải được neo, giữ chắc chắn.
2.4.4.2 Nếu cột nâng là cột ghép từ nhiều đoạn thì các đoạn ghép và liên kết nối phải được làm bằng vật liệu đảm bảo tin cậy, đủ KNCL.
2.4.4.3 Chân cột nâng phải được kê và neo giữ chắc chắn để cột không bị dịch chuyển trong khi hoạt động.
2.4.4.4 Sau khi hoàn thành công việc lắp đặt (kể cả sau khi di chuyển cột nâng đến vị trí mới) phải kiểm tra lại và thử tải toàn bộ hệ thiết bị nâng với tải trọng nâng dự kiến lớn nhất trước khi đưa vào sử dụng.
2.4.4.5 Khi sử dụng cột nâng để nâng, hạ sàn công tác, thùng (chậu, máng) lớn, phải thực hiện các biện pháp chống xoay, lật và để hạ tải đúng cách (ví dụ: dùng dây dẫn hướng).
2.4.5 Cần trục tháp
2.4.5.1 Đối với cần trục tháp có ca bin ở trên cao, người vận hành cần trục tháp phải phù hợp quy định tại 2.4.1.11.1 và bắt buộc phải được đào tạo, huấn luyện để làm việc trên cao.
2.4.5.2 Việc lựa chọn cần trục tháp phải căn cứ vào đặc tính kỹ thuật của các loại cần trục tháp hiện có, yêu cầu vận hành, đặc điểm của công trường để quyết định loại cần trục tháp phù hợp nhất.
2.4.5.3 Tác động của gió phải được xét đến trong các trường hợp cần trục tháp đang được lắp dựng, đang làm việc và không làm việc.
2.4.5.4 Móng hoặc nền đỡ cần trục tháp (kể cả đối với đường ray của cần trục tháp di động) phải bằng phẳng và phải được tính toán thiết kế, đảm bảo khả năng chịu tải truyền xuống từ cần trục tháp và phù hợp với yêu cầu của nhà sản xuất.
2.4.5.5 Cần trục tháp phải được lắp đặt tại các vị trí cách hố đào, sông, mương, rãnh một khoảng cách an toàn. Cần trục tháp di chuyển trên ray chỉ được hoạt động trên độ dốc trong giới hạn đã được quy định trong chỉ dẫn của nhà sản xuất.
CHÚ THÍCH: Khoảng cách an toàn là khoảng cách sao cho đảm bảo sự ổn định của móng cần trục tháp và phải được xác định qua tính toán cũng như qua kinh nghiệm ở các điều kiện tương tự. Việc khảo sát, tính toán, thiết kế và thi công nền đỡ, móng của cần trục tháp thực hiện theo quy định tại 2.3 đối với KCCĐT.
2.4.5.6 Cần trục tháp phải được bố trí ở những khu vực thoáng, đủ rộng cho công việc lắp đặt, vận hành và tháo dỡ.
CHÚ THÍCH: Cần trục tháp phải được lắp tại những vị trí sao cho hoạt động cẩu không phải thực hiện bên trên các tòa nhà, công trình đang sử dụng, các tuyến đường giao thông công cộng, các công trình đang xây dựng khác, đường sắt hoặc gần đường dây dẫn điện. Khi không thể thực hiện các việc này, kế hoạch và biện pháp ĐBAT phải được lập chi tiết cho các tình huống.
2.4.5.7 Trường hợp nhiều cần trục tháp có nguy cơ va chạm lẫn nhau khi cùng hoạt động thì trước khi vận hành các cần trục phải:
a) Thiết lập phương thức liên lạc trực tiếp giữa các cần trục tháp;
b) Có hệ thống cảnh báo trong ca bin của từng cần trục để những người vận hành có thể thông báo cho nhau về các yếu tố nguy hiểm có thể xảy ra.
2.4.5.8 Biện pháp, trình tự lắp đặt và tháo dỡ cần trục tháp phải được thực hiện theo chỉ dẫn của nhà sản xuất. Cần trục tháp phải được kiểm định an toàn theo quy định trước khi đưa vào sử dụng.
2.4.5.9 Hoạt động leo để tăng chiều cao bằng phương pháp tự nâng của cần trục tháp phải thực hiện theo chỉ dẫn của nhà sản xuất. Chiều cao tự đứng khi không có giằng giữ cho tháp của cần trục không được vượt quá chiều cao tự đứng an toàn cho phép theo quy định của nhà sản xuất.
2.4.5.10 Khi không có người vận hành hoặc người giám sát các hoạt động cẩu, phải thực hiện hạ và tháo vật nâng khỏi móc cẩu; kéo móc cẩu lên cao và để ở vị trí có tầm với nhỏ nhất, tắt động cơ và đưa cần nằm ngang. Trường hợp cần trục tháp phải ngừng hoạt động trong khoảng thời gian dài (xem thêm quy định tại 2.1.12) hoặc ngừng hoạt động do điều kiện thời tiết bất lợi (theo dự báo) thì trình tự ngừng hoạt động phải thực hiện theo chỉ dẫn của nhà sản xuất và phải nhả phanh cơ cấu quay.
2.4.5.11 Thiết bị đo vận tốc gió phải được lắp ở vị trí cao nhất trên cần trục tháp và phải có bảng hiển thị tốc độ gió đặt trong ca bin của người vận hành.
2.4.5.12 Phải lắp đặt thiết bị kiểm soát hành trình để kiểm soát tải trọng làm việc an toàn lớn nhất tương ứng với các bán kính nâng khác nhau. Biển hiệu hoặc vật chắn gió không được treo trên cần trục tháp nếu không phù hợp với chỉ dẫn của nhà sản xuất.
2.4.5.13 Không được sử dụng cần trục tháp cho các trường hợp có thể gây ra tác động quá lớn lên kết cấu của cần trục như sử dụng cơ cấu móc cẩu kiểu nam châm; cẩu tạ bóng thép để phá dỡ công trình; thi công đóng hoặc ép cọc.
2.4.6 Dây, cáp sử dụng để nâng, hạ
2.4.6.1 Dây, cáp để nâng, hạ trong các thiết bị nâng phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo chất lượng và phù hợp với yêu cầu của công việc.
2.4.6.2 Công việc lắp đặt, bảo trì, kiểm tra, thử nghiệm đối với dây, cáp sử dụng cho công việc nâng, hạ phải thực hiện theo chỉ dẫn của nhà sản xuất và các quy định tại 2.4.1.
2.4.6.3 Không sử dụng dây, cáp thép đã qua sửa chữa vào các thiết bị nâng.
2.4.6.4 Khi dùng nhiều dây, cáp độc lập với mục đích giữ ổn định để nâng sàn công tác thì mỗi dây, cáp phải đủ khả năng nâng được sàn công tác.
Last updated