2.18 Yếu tố có hại, sơ cứu và dịch vụ y tế nghề nghiệp
QCVN 18:2021/BXD
2.18.1 Quy định chung
2.18.1.1 Đối với các công việc mà người lao động có nguy cơ gặp phải các yếu tố có hại (xem 1.4.32), người sử dụng lao động phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa hiệu quả để ĐBAT cho người lao động.
2.18.1.2 Người sử dụng lao động phải nhận diện và phân chia các yếu tố có hại theo các cấp độ khác nhau dựa trên mức độ ảnh hưởng của chúng đối với sức khỏe của con người để có các biện pháp ĐBAT tương ứng, phù hợp với đặc điểm của loại công việc, đặc điểm sử dụng, vận hành các loại máy, thiết bị thi công, đặc điểm của các chất, hóa chất và tình trạng bức xạ, phóng xạ tại công trường.
CHÚ THÍCH: Yếu tố có hại có thể chuyển thành yếu tố nguy hiểm nếu không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các biện pháp ĐBAT hiệu quả và phù hợp với loại công việc, điều kiện, môi trường làm việc.
2.18.1.3 Các biện pháp ĐBAT phải tập trung vào việc loại bỏ hoặc làm giảm nguy cơ từ nguồn phát sinh các chất, hóa chất nguy hiểm và đặc biệt lưu ý đến các nội dung sau:
a) Phải xem xét ưu tiên lựa chọn sử dụng các chất, hóa chất, vật liệu, sản phẩm xây dựng an toàn trong thiết kế xây dựng. Trong quá trình thi công, phải ưu tiên lựa chọn các máy, thiết bị thi công, các biện pháp thi công khó gây tổn thương hoặc nguy hiểm đến tính mạng của người lao động;
b) Ngăn chặn, hạn chế sự tiếp xúc trực tiếp hoặc giảm thiểu tác động của các yếu tố có hại bằng việc sử dụng các biện pháp kỹ thuật, biện pháp tổ chức và quản trị;
c) Có biện pháp giảm tiếng ồn, rung động do các máy, thiết bị thi công hoặc công việc thi công gây ra;
d) Kiểm soát việc xả thải, phát tán các chất, hóa chất nguy hiểm vào môi trường;
đ) Đào tạo, huấn luyện về cách thao tác đúng (kể cả tư thế đứng), phương pháp thực hiện đúng hoặc quy trình phải tuân thủ để người lao động tránh được các chấn thương, tai nạn ngoài ý muốn, bệnh nghề nghiệp khi họ phải: Nâng, bốc, mang, vác các vật nặng hoặc sử dụng các thiết bị cầm tay; làm việc ở các vị trí cố định; thực hiện các thao tác, công việc có tính chất lặp đi lặp lại;
e) Có biện pháp bảo vệ phù hợp để ứng phó với các điều kiện khí hậu có khả năng gây nguy hiểm cho người lao động;
g) Ngoài ra, khi các nội dung nêu từ điểm a đến e tại mục này không phù hợp hoặc không thể thực hiện được đầy đủ, người sử dụng lao động phải thực hiện các nội dung sau:
- Đào tạo, huấn luyện cho người lao động về tất cả những kiến thức, kỹ năng để loại bỏ hoặc giảm thiểu các yếu tố có hại;
- Cung cấp đầy đủ và yêu cầu người lao động sử dụng các PTBVCN phù hợp với từng loại công việc phải thực hiện.
2.18.2 Chăm sóc sức khỏe cho người lao động
2.18.2.1 Tại công trường, để chăm sóc sức khỏe cho người lao động, người sử dụng lao động phải thiết lập bộ phận y tế hoặc cung cấp quyền sử dụng cơ sở y tế (hoặc dịch vụ y tế) phù hợp với đặc điểm công việc, nghề nghiệp và đảm bảo điều kiện theo các quy định của pháp luật về ATVSLĐ và y tế.
CHÚ THÍCH: Việc xác nhận cơ sở y tế (hoặc dịch vụ y tế khác) phù hợp, đảm bảo điều kiện thực hiện theo quy định của Bộ Y tế.
2.18.2.2 Người lao động phải được kiểm tra sức khỏe định kỳ và được giám sát để đảm bảo sức khỏe phù hợp với loại công việc được giao.
CHÚ THÍCH: Việc kiểm tra sức khỏe định kỳ theo loại công việc thực hiện theo các quy định của cơ quan có thẩm quyền (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế).
2.18.2.3 Người sử dụng lao động phải:
a) Lập kế hoạch và thực hiện quan trắc, kiểm soát môi trường lao động theo quy định của pháp luật về ATVSLĐ;
b) Trước khi thi công, phổ biến cho người lao động biết và hiểu về tất cả các yếu tố có hại, yếu tố nguy hiểm trên công trường; đào tạo, huấn luyện để người lao động có thể chủ động tránh được các nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn và sức khỏe của họ xuất phát từ các loại công việc khác nhau trên công trường (kể cả công việc mà họ không thực hiện nhưng có thể bị ảnh hưởng).
2.18.2.4 Người sử dụng lao động phải thực hiện việc đào tạo, huấn luyện về ATVSLĐ cho người lao động theo quy định của pháp luật về ATVSLĐ; đặc biệt lưu ý các trường hợp sau:
a) Khi có thay đổi liên quan đến người lao động về: Công việc (hoặc nhiệm vụ); máy, thiết bị thi công; công nghệ thi công; quy trình và biện pháp thi công; vật tư, vật liệu, sản phẩm và các chất sẽ sử dụng; thiết bị bảo vệ, PTBVCN và các thay đổi khác (nếu có);
b) Người lao động không làm việc từ 06 (sáu) tháng trở lên ở công trường.
2.18.3 Sơ cứu
2.18.3.1 Tại công trường, người sử dụng lao động phải đảm bảo luôn có bộ phận y tế sẵn sàng 24/24 giờ để thực hiện sơ cứu và xử lý sơ bộ các vấn đề liên quan đến sức khỏe của người lao động do gặp tai nạn hoặc bị ốm theo các quy định của pháp luật về ATVSLĐ và y tế.
2.18.3.2 Việc thiết lập bộ phận y tế (nhân sự, cơ sở vật chất) phải được thể hiện bằng văn bản và phải được thống nhất với các tổ chức đại diện của người lao động.
CHÚ THÍCH: Yêu cầu về cơ sở vật chất phục vụ bộ phận y tế xem 2.18.3.6.
2.18.3.3 Trong trường hợp người lao động có nguy cơ gặp phải các yếu tố nguy hiểm có thể ảnh hưởng đến sinh mạng của họ (ví dụ: bị đuối nước, chịu áp suất cao, ngạt do khí độc, điện giật), người làm nhiệm vụ sơ cứu phải thành thạo về kỹ thuật hồi sức, các kỹ thuật cứu sinh khác và quy trình cứu nạn phù hợp với loại tai nạn lao động.
2.18.3.4 Thiết bị cứu nạn và hồi sức phải phù hợp với yêu cầu. Cáng cứu thương phải có sẵn tại công trường.
2.18.3.5 Bộ (hộp) dụng cụ sơ cứu phải:
a) Được trang bị tại nơi làm việc kể các vị trí tách biệt như đường đi phục vụ bảo trì (nếu phù hợp), trên các phương tiện vận chuyển, máy, thiết bị thi công khác;
b) Được bảo vệ chống ô nhiễm do bụi, hơi ẩm, dầu mỡ, hóa chất và những yếu tố khác có thể làm hư hỏng chúng;
c) Không được chứa bất cứ thứ gì khác ngoài vật tư, dụng cụ sử dụng cho sơ cứu;
d) Bên trong, có sẵn các hướng dẫn đơn giản, rõ ràng và những việc phải tuân thủ;
đ) Được người quản lý bộ phận y tế hoặc người làm nhiệm vụ sơ cứu thường xuyên kiểm tra và bảo quản đúng cách.
2.18.3.6 Yêu cầu về cơ sở vật chất và nhân lực của bộ phận y tế công trường phải căn cứ vào số lượng người lao động làm việc trong một ca bất kỳ theo quy định của pháp luật về y tế và phải căn cứ vào các loại tai nạn có thể có trên công trường để chuẩn bị vật tư, trang thiết bị y tế phù hợp. Bộ phận y tế phải do người có trình độ, đủ điều kiện theo quy định quản lý và chịu trách nhiệm.
CHÚ THÍCH 1: Thông tư số 19/2016/TT-BYT ngày 30/6/2016 của Bộ Y tế quy định: Nếu có hơn 300 người làm việc trở lên thì phải bố trí khu vực sơ cứu, cấp cứu riêng; các yêu cầu về nhân lực, trang thiết bị và cơ sở vật chất khác của khu vực sơ cứu, cấp cũng được quy định chi tiết trong Thông tư này.
CHÚ THÍCH 2: Nếu người lao động phải làm việc dưới nước ở độ sâu hơn 10 m mà không có máy, thiết bị lặn chuyên dụng hoặc làm việc trong môi trường khí nén có áp suất cao thì phải trang bị buồng điều áp hoặc thiết bị điều áp.
2.18.4 Chất, hóa chất nguy hiểm
2.18.4.1 Người sử dụng lao động phải thông báo, phổ biến, hướng dẫn (xem 2.18.4.6) để người lao động biết về các chất, hóa chất nguy hiểm (xem 1.4.7) có mặt hoặc được sử dụng trên công trường.
CHÚ THÍCH 1: Tổ chức, cá nhân thiết kế, sản xuất, cung cấp vật tư, vật liệu, cấu kiện, sản phẩm, thiết bị cho công trường phải cung cấp thông tin về sự có mặt của các chất, hóa chất nguy hiểm cho người sử dụng lao động.
CHÚ THÍCH 2: Cơ quan có thẩm quyền, các tổ chức nghề nghiệp cần tìm hiểu và cung cấp thông tin cho các tổ chức, cá nhân có liên quan về các chất, hóa chất độc hại mới đưa vào sử dụng (hoặc mới phát hiện) trong các vật tư, vật liệu, cấu kiện, sản phẩm, thiết bị nhập khẩu hoặc sản xuất trong nước.
2.18.4.2 Việc vận chuyển, lưu trữ, sử dụng chất, hóa chất nguy hiểm trên công trường phải thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về hóa chất, bảo vệ môi trường và pháp luật chuyên ngành khác có liên quan.
CHÚ THÍCH: Các yêu cầu chi tiết về ĐBAT trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng, bảo quản và vận chuyển hóa chất nguy hiểm quy định tại QCVN 05A:2020/BCT.
2.18.4.3 Việc sử dụng và loại bỏ các vật liệu, sản phẩm, phương tiện (bao, gói, thùng, hộp, chai) dùng để chứa chất, hóa chất nguy hiểm phải tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, hóa chất và các QCVN hoặc của cơ quan có thẩm quyền.
CHÚ THÍCH 1: Danh mục các QCVN về môi trường nêu tại 1.3.1.
CHÚ THÍCH 2: Việc ĐBAT trong sử dụng, bảo quản và vận chuyển hóa chất nguy hiểm phải tuân thủ quy định tại QCVN 05A:2020/BCT và các QCVN khác có liên quan.
2.18.4.4 Các phương tiện chứa chất, hóa chất nguy hiểm phải có nhãn ghi rõ chất, hóa chất bên trong và các đặc điểm của chúng, cảnh báo, hướng dẫn sử dụng an toàn (kể cả biện pháp và quy trình xử lý an toàn trong trường hợp bị tràn, rò rỉ, đổ) theo quy định.
2.18.4.5 Phải tuân thủ đúng hướng dẫn sử dụng và quy trình xử lý an toàn theo chỉ dẫn của nhà sản xuất trong trường hợp bị tràn, rò rỉ, đổ.
2.18.4.6 Thông báo về chất, hóa chất nguy hiểm trên công trường phải được bố trí tại các vị trí dễ thấy ở nơi làm việc, trên công trường và phải đảm bảo để người lao động biết, hiểu rõ.
CHÚ THÍCH: Danh mục các chất, hóa chất nguy hiểm, bị cấm sử dụng quy định tại Phụ lục của Nghị định số 113/2017/NĐ-CP ngày 09/10/2017 của Chính phủ về Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất.
2.18.4.7 Việc sử dụng các chất, hóa chất nguy hiểm trong thi công phải ưu tiên các biện pháp khác ngoài phun (như sử dụng bàn chải hoặc con lăn).
2.18.4.8 Trường hợp bắt buộc phải dùng các chất, hóa chất, dung môi độc hại, dễ bay hơi để pha loãng, sơn thì phải đảm bảo thông gió tổng thể và cục bộ. Nếu không đảm bảo hoặc không thực hiện được việc thông gió thì phải sử dụng các phương tiện bảo vệ hô hấp và các biện pháp ĐBAT hóa chất khác.
CHÚ THÍCH 1: Biện pháp ĐBAT hóa chất phải được áp dụng nghiêm ngặt trong các trường hợp hóa chất được làm nóng hoặc hóa chất được sử dụng trong các không gian hạn chế.
CHÚ THÍCH 2: Sơn, chất kết dính chứa các chất, hóa chất độc hại nên sử dụng loại dễ hòa tan được trong nước.
2.18.4.9 Khi sử dụng các chất, hóa chất nguy hiểm, người lao động phải:
a) Tránh để da tiếp xúc với các chất, hóa chất nguy hiểm, đặc biệt với các loại có thể xâm nhập qua da (ví dụ: một số chất bảo quản gỗ) hoặc có thể gây viêm da (ví dụ: xi măng ướt);
b) Phải vệ sinh cá nhân, làm sạch quần áo, dụng cụ ngay sau khi thực hiện công việc có liên quan đến chất, hóa chất nguy hiểm.
CHÚ THÍCH: Dị ứng hoặc viêm da do một số chất nhất định có thể giảm thiểu bằng cách sử dụng các chất phụ gia khác (các chất phụ gia này có thể đưa vào từ giai đoạn sản xuất; ví dụ: thêm sắt sunfat vào xi măng và các sản phẩm xi măng có chứa crom hóa trị sáu).
2.18.4.10 Đối với các chất, hóa chất gây ung thư đã được cơ quan thẩm quyền công bố (ví dụ: nhựa đường, sợi amiăng, một số loại dầu nặng và một số loại dung môi khác) phải thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt để tránh tiếp xúc với da hoặc hít phải chúng.
CHÚ THÍCH: Ngoài các chất, hóa chất đã được công bố là chất gây ung thư, cần đặc biệt chú ý tới các chất, hóa chất đã có bằng chứng là tác nhân gây ung thư.
2.18.5 Không khí nguy hiểm, độc hại
2.18.5.1 Nếu nơi làm việc của người lao động có không khí nguy hiểm, độc hại thì phải thực hiện tất cả các biện pháp ĐBAT theo quy định của pháp luật về ATVSLĐ và các QCVN có liên quan.
CHÚ THÍCH 1: Không khí nguy hiểm, độc hại: Không khí bị thiếu oxy (hàm lượng ô xy dưới 20%); có khí dễ cháy nổ; có chất, hóa chất nguy hiểm phát tán trong không khí.
CHÚ THÍCH 2: Yêu cầu về điều kiện an toàn làm việc trong môi trường không khí nguy hiểm, độc hại quy định tại QCVN 34:2018/BLĐTBXH và QCVN 03:2019/BYT.
2.18.5.2 Người sử dụng lao động phải đo, kiểm tra chất lượng không khí tại nơi làm việc và phải xác lập các điều kiện để vào nơi làm việc có không khí nguy hiểm, độc hại. Bên trong khu vực có không khí nguy hiểm, độc hại phải có thiết bị, biện pháp cảnh báo khi chất lượng không khí không đảm bảo theo quy định. Nếu không khí không đảm bảo điều kiện để làm việc thì người sử dụng lao động phải có biện pháp xử lý và xác nhận là đã ĐBAT. Việc ra vào khu vực có không khí nguy hiểm, độc hại phải được giám sát bởi người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về ATVSLĐ và tuân thủ các quy định tại 2.18.5.4, 2.18.5.5.
CHÚ THÍCH 1: Người có thẩm quyền là người quản lý thi công, quản lý an toàn của nhà thầu hoặc giám sát an toàn, xây dựng của chủ đầu tư (hoặc tổng thầu EPC).
CHÚ THÍCH 2: Việc đo, kiểm tra chất lượng không khí phải được lặp lại theo các khoảng thời gian phù hợp và tối thiểu 01 (một) lần trong mỗi ca làm việc.
CHÚ THÍCH 3: Việc đo, kiểm tra không khí phải do tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực hoặc được huấn luyện, đào tạo theo quy định của pháp luật thực hiện.
2.18.5.3 Đối với các không gian hạn chế, khu vực có không khí dễ cháy, nổ: Không được phép sử dụng ánh sáng trần, lửa trần hoặc thực hiện các công việc tạo nhiệt (ví dụ: hàn, cắt) trừ trường hợp đã kiểm tra, xử lý và khẳng định an toàn bởi người có thẩm quyền. Việc đo, kiểm tra, xử lý và ra vào không gian hạn chế, khu vực có không khí dễ cháy, nổ phải thực hiện theo quy định tại 2.18.5.2, 2.18.5.4 và 2.18.5.5. Chỉ được sử dụng các thiết bị, dụng cụ không phát tia lửa, đèn cầm tay có bảo vệ chống cháy và đèn pin an toàn để thực hiện kiểm tra ban đầu, khi vệ sinh làm sạch hoặc các công việc cần thiết khác để ĐBAT.
2.18.5.4 Không được phép vào không gian hạn chế, khu vực có không khí nguy hiểm, độc hại trừ trường hợp chất lượng không khí đã được người có thẩm quyền (xem 2.18.5.2) kiểm tra, xác nhận là ĐBAT để làm việc và có thông gió đảm bảo.
2.18.5.5 Nếu các điều kiện quy định tại 2.18.5.4 không được đáp ứng đầy đủ, người lao động chỉ được phép vào khu vực nêu tại 2.18.5.4 khi đã được cung cấp và sử dụng các phương tiện, thiết bị ĐBAT bao gồm đường cấp khí để thở (hoặc thiết bị thở cá nhân), dây an toàn với dây cứu sinh và các PTBVCN cần thiết khác. Thời gian làm việc của người lao động căn cứ vào khoảng thời gian sử dụng an toàn của các thiết bị cấp khí và phải được người sử dụng lao động quy định, giám sát.
2.18.5.6 Khi người lao động đang ở trong không gian hạn chế hoặc khu vực có không khí nguy hiểm, độc hại, người sử dụng lao động phải đảm bảo:
a) Có đủ các phương tiện và thiết bị dự phòng trong tình trạng sử dụng tốt, bao gồm các thiết bị thở, thiết bị hồi sức và cấp oxy để sử dụng cho mục đích cứu nạn;
b) Có người làm nhiệm vụ cứu nạn trực bên trong khu vực làm việc hoặc ở gần các lỗ mở, cửa mở (nơi dẫn đến khu vực có không khí ĐBAT);
c) Có đủ các phương tiện, phương pháp liên lạc hiệu quả giữa người lao động với những người làm nhiệm vụ cứu nạn.
2.18.6 Nguy cơ phóng xạ, bức xạ
2.18.6.1 Bức xạ ion hóa
2.18.6.1.1 Trong trường hợp người lao động phải làm việc ở nơi có nguy cơ tiếp xúc với bức xạ ion hóa, người sử dụng lao động phải lập kế hoạch và biện pháp ĐBAT với các quy định nghiêm ngặt để thực hiện, giám sát và ĐBAT cho người lao động theo các quy định.
CHÚ THÍCH 1: Người lao động có nguy cơ cao tiếp xúc với bức xạ ion hóa khi phải làm việc trong các cơ sở công nghiệp năng lượng hạt nhân hoặc bên trong các công trình có chứa vật liệu hạt nhân hoặc phải thực hiện các công việc có sử dụng nguồn phóng xạ.
CHÚ THÍCH 2: Các yêu cầu cụ thể về ĐBAT, an ninh nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân và thiết bị hạt nhân phải tuân thủ quy định của pháp luật về năng lượng nguyên tử.
2.18.6.2 Bức xạ không ion hóa
2.18.6.2.1 Khi người lao động phải làm việc ở những nơi, khu vực mà họ phải tiếp xúc với bức xạ không ion hóa (đặc biệt trong các công việc hàn hoặc cắt bằng lửa), người sử dụng lao động phải trang bị và người lao động phải sử dụng các PTBVCN đầy đủ, phù hợp để bảo vệ mắt, mặt, da.
2.18.6.2.2 Người lao động liên tục làm việc trong điều kiện tiếp xúc với bức xạ không ion hóa (kể cả tiếp xúc với ánh nắng mặt trời) có nguy cơ bị ung thư da. Người sử dụng lao động có trách nhiệm hướng dẫn để người lao động tự nhận biết các dấu hiệu về tổn thương tiền ung thư da và đảm bảo cho người lao động được kiểm tra sức khỏe khi cần thiết và định kỳ tối thiểu 01 lần/năm.
CHÚ THÍCH: Việc ĐBAT cho người lao động phải tiếp xúc với bức xạ tia tử ngoại, điện từ trường, chiếu sáng và các nội dung khác quy định tại QCVN 23:2016/BYT, QCVN 21:2016/BYT, QCVN 25:2016/BYT và phải tuân thủ các quy định pháp luật khác về y tế.
2.18.7 Làm việc trong môi trường nóng, lạnh, ẩm
2.18.7.1 Người lao động phải làm việc trong môi trường nóng, lạnh hoặc ẩm ướt kéo dài có thể bị suy giảm sức khỏe. Trong trường hợp này, người sử dụng lao động có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng ngừa để đảm bảo sức khỏe cho người lao động trong khi làm việc theo quy định của pháp luật về ATVSLĐ và đặc biệt chú ý đến các nội dung sau:
a) Bố trí, sắp xếp hợp lý về khối lượng và thời gian làm việc phù hợp với tình trạng sức khỏe của người lao động; đặc biệt chú ý đến người phải làm việc trong ca bin, trong không gian hạn chế, dưới nước hoặc ngoài trời;
b) Hướng dẫn để người lao động tự nhận biết được các biểu hiện sớm của rối loạn, mệt mỏi;
c) Cung cấp đầy đủ PTBVCN cho người lao động;
d) Theo dõi sức khỏe, giám sát y tế thường xuyên khi người lao động làm việc;
đ) Đảm bảo đầy đủ nhân lực, trang thiết bị, phương tiện sơ cứu, cấp cứu; tổ chức huấn luyện sơ cứu, cấp cứu;
e) Theo dõi sức khỏe và diễn biến bệnh nghề nghiệp của người lao động.
2.18.7.2 Người sử dụng lao động có trách nhiệm cung cấp đủ các tiện ích cho người lao động tại nơi làm việc để đảm bảo sức khỏe. Đặc biệt, khi làm việc trong điều kiện nóng bức, phải có các khu vực nghỉ đảm bảo vệ sinh, thoáng mát và cung cấp đủ nước uống.
2.18.8 Tiếng ồn và rung động
2.18.8.1 Để giảm các tác động có hại cho người lao động do tiếng ồn, rung động từ các máy, thiết bị thi công, người sử dụng lao động có trách nhiệm thực hiện các biện pháp sau:
a) Ưu tiên sử dụng các loại máy, thiết bị thi công, quy trình và biện pháp thi công ít (giảm thiểu) tiếng ồn, rung động theo quy định tại 2.18.8.2;
b) Bố trí công việc hợp lý để người lao động giảm được việc tiếp xúc nhiều hoặc thời gian tiếp xúc trực tiếp với các máy, thiết bị và các hoạt động có tiếng ồn, rung động theo quy định tại 2.18.8.3;
c) Cung cấp cho người lao động các PTBVCN (loại có thể sử dụng cùng với mũ bảo hộ) để bảo vệ thính lực khi tiếng ồn vượt quá giới hạn cho phép theo quy định tại QCVN 24:2016/BYT và các quy định khác của pháp luật về ATVSLĐ;
d) Cung cấp găng tay bảo hộ phù hợp cho người lao động khi độ rung vượt quá giới hạn cho phép quy định tại QCVN 27:2016/BYT.
2.18.8.2 Các loại máy, thiết bị thi công, giải pháp kỹ thuật, công nghệ phù hợp, hiện đại cần được xem xét, ưu tiên lựa chọn để giảm thiểu ảnh hưởng của tiếng ồn, rung động như sau:
a) Sử dụng búa (máy, thiết bị) khoan, phá thủy lực, điện khí nén thay thế cho búa (máy, thiết bị) khoan, phá khí nén;
b) Sử dụng các máy đầm, rung; búa (máy, thiết bị) khoan có điều khiển từ xa;
c) Sử dụng vỏ cách âm và thiết kế cải tiến cho hệ thống xả khí nén, máy cắt, cánh quạt, máy cưa và ống xả của động cơ đốt trong cũng như động cơ của các máy đó;
d) Các biện pháp hỗ trợ hoặc giữ cho các công cụ điều khiển bằng tay tốt hơn để giảm các tác động của rung động hoặc giảm rung động tốt hơn trong việc điều khiển xe, máy (kể cả cho ghế ngồi trên xe, máy).
2.18.8.3 Người sử dụng lao động phải ưu tiên cho người lao động giảm thời gian tiếp xúc trực tiếp với tiếng ồn, rung động trong khi vận hành các loại máy, thiết bị sau:
a) Búa, máy khoan, phá; máy nén khí;
b) Thiết bị cầm tay có tiếng ồn, độ rung lớn (ví dụ: các loại súng bắn đinh, vít);
c) Các loại máy đầm rung điều khiển bằng tay, đặc biệt là khi làm việc trong điều kiện thời tiết lạnh.
2.18.9 Bụi
2.18.9.1 Để giảm các tác động có hại tới người lao động do bụi từ các máy, thiết bị và trong quá trình thi công, người sử dụng lao động có trách nhiệm thực hiện các biện pháp sau:
a) Sử dụng máy, thiết bị thi công và áp dụng quy trình, biện pháp thi công ít phát sinh bụi;
b) Sử dụng các thiết bị, biện pháp đảm bảo kiểm soát bụi, đặc biệt là bụi mịn như sử dụng máy, thiết bị lọc bụi hoặc làm ẩm phù hợp và phải ĐBAT điện, hóa chất;
c) Bố trí công việc để người lao động giảm việc tiếp xúc và thời gian tiếp xúc trực tiếp với các khu vực có bụi;
d) Cung cấp cho người lao động phương tiện bảo vệ đường hô hấp (loại có thể sử dụng cùng với mũ bảo hộ) khi nồng độ bụi tại nơi làm việc vượt quá giới hạn cho phép theo quy định của QCVN 02:2019/BYT; đặc biệt tại những nơi có các loại bụi độc hại như bụi amiăng, bụi silic, bụi bông khoáng, bụi than.
2.18.10 Các tác nhân sinh học
2.18.10.1 Trong các khu vực có dịch bệnh hoặc các tác nhân sinh học như sinh vật, vi sinh vật, côn trùng, vi rút có hại có thể gây nguy hiểm hoặc gây bệnh cho người, chủ đầu tư và người sử dụng lao động phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa và ĐBAT sinh học có xét đến phương thức lây truyền theo các quy định và hướng dẫn của cơ quan y tế có thẩm quyền; đặc biệt lưu ý các nội dung sau:
a) Cung cấp đầy đủ thông tin cho người lao động về dịch bệnh, các tác nhân sinh học nguy hiểm, có hại ở công trường;
b) Bố trí khu vệ sinh đảm bảo cho người lao động theo quy định của QCVN 01:2011/BYT;
c) Có biện pháp cụ thể chống các sinh vật có hại (ví dụ: chuột và côn trùng) theo các quy định và hướng dẫn của Bộ Y tế;
d) Vệ sinh, khử trùng bằng hóa chất phù hợp và thực hiện tiêm chủng cho người lao động;
đ) Chuẩn bị sẵn thuốc giải độc, thuốc phòng ngừa và chữa bệnh phù hợp (đặc biệt là đối với các công trường ở vùng sâu, vùng xa, những nơi ở cách xa các cơ sở y tế);
e) Trang bị đầy đủ PTBVCN phù hợp (như quần, áo, giày, ủng, găng tay, kính bảo vệ, mũ, phương tiện bảo vệ) và có các biện pháp phòng ngừa phù hợp khác.
2.18.11 Các yếu tố khác
2.18.11.1 Các công việc sử dụng sức người để vận chuyển, nâng, hạ hoặc giữ các vật nặng có nguy cơ cao gây ra các vấn đề về an toàn, sức khỏe đối với người lao động. Trong trường hợp này, người sử dụng lao động phải có biện pháp phù hợp để giảm thiểu tác động có hại đối với người lao động như giảm trọng lượng vật nâng và (hoặc) sử dụng máy, thiết bị thi công cơ khí để thay thế.
2.18.11.2 Chất thải, phế thải trên công trường phải được loại bỏ hoặc xử lý đúng cách, tránh tồn đọng trên công trường để không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động và cộng đồng.
CHÚ THÍCH: Thông tư số 02/2018/TT-BXD ngày 06/02/2018 của Bộ Xây dựng quy định về bảo vệ môi trường trong thi công xây dựng công trình và chế độ báo cáo công tác bảo vệ môi trường ngành Xây dựng.
Last updated