3. Thuật ngữ và định nghĩa
TCVN 13662:2023
3.1
Giàn giáo (scaffold)
Một hệ thống kết cấu tạm đặt trên nền vững hoặc có thể treo hoặc neo, tựa vào công trình để tạo ra nơi làm việc cho công nhân tại các vị trí cao so với mặt đất hoặc mặt sàn cố định
3.2
Giàn giáo cột chống gỗ (wood pole scaffold)
Giàn giáo có các cột hoặc toàn bộ các bộ phận là gỗ (xem Hình A.1)
3.3
Giàn giáo ống rời và khóa (tube and coupler scaffold)
Một hệ thống giàn giáo có cấu tạo từ các ống trơn (ống thép đen, thép mạ hoặc hợp kim nhôm trơn) ghép với nhau bằng các loại khóa giáo và các phụ kiện khác. Các ống trơn được sử dụng làm cột chống, gióng ngang chính, gióng dọc, giằng chéo và các khóa giáo đặc thù có nhiệm vụ cố định các bộ phận giàn giáo (xem Hình A.2)
3.4
Hệ thống giàn giáo mô đun (system scaffold - Modular systems)
Giàn giáo có cấu tạo gồm các cột chống là thép ống đã được hàn cố định các loại mâm khóa kiểu nêm, kiểu hoa thị... theo một khẩu độ cho trước (thường là 500 mm), các mâm khóa này dùng để lắp các phụ kiện như thanh gióng dọc, thanh gióng ngang và các phụ kiện khác được chế tạo sẵn với các đầu khóa tương ứng để lắp đặt (xem Hình A.3)
3.5
Giàn giáo khung thép ống chế tạo sẵn (fabricated tubular frame scaffolds)
Giàn giáo được lắp đặt từ các khung thép ống chế tạo sẵn, khớp nối đứng và các thanh giằng chữ thập (xem các Hình A.4). Khung thép ống chế tạo sẵn thường là khung tiêu chuẩn chữ “H” hoặc khung tam giác chữ “A” còn được gọi là giáo PAL. Sau đây gọi giàn giáo khung thép ống chế tạo sẵn là giàn giáo khung
3.6
Giàn giáo cột chống đơn (single pole scaffold)
Giàn giáo giáo cột chống đơn còn được gọi là giàn giáo gối tường là giàn giáo bao mặt tường đứng với một hàng cột bên ngoài không có hàng cột bên trong, sàn công tác đặt trên các thanh gióng ngang, đầu phía ngoài đặt lên trên thanh gióng dọc, các thanh gióng dọc cố định với hàng cột chống đơn. Đầu bên trong của gióng ngang tựa và neo vào trong hoặc lên tường. Giàn giáo cột chống đơn thường là giàn giáo ống rời và khóa hoặc giàn giáo cột chống gỗ hoặc cột chống gỗ
3.7
Giàn giáo hai hàng cột chống (double pole scaffold)
Giàn giáo gồm hai hàng cột có thể đứng độc lập hoặc neo vào công trình. Giàn giáo hai hàng cột được gọi là giàn giáo độc lập nếu không giằng vào công trình. Giàn giáo hai hàng cột có cấu tạo gồm hai hàng cột đứng, các thanh gióng dọc, các thanh gióng ngang đỡ sàn công tác, và các thanh giằng giữa các kết cấu (xem các Hình A.3 và Hình A.4)
3.8
Giàn giáo di động đẩy tay (manually propelled mobile scaffold)
Giàn giáo được lắp trên các bánh xe và di chuyển bằng sức người (xem Hình A.6)
3.9
Giàn giáo di động chế tạo sẵn nguyên chiếc (prefabricated mobile scaffold)
Giàn giáo di động được sản xuất và giao hàng với đủ các bộ phận cần thiết để lắp đặt thành một giàn giáo di động (xem Hình A.7)
3.10
Bệ đứng di động (mobile work stand)
Giàn giáo di động được chế tạo nguyên chiếc, thiết kế có kích thước nhỏ, có tính cơ động cao và chỉ sử dụng trong nhà. Bệ đứng di động đứng độc lập không có cơ cấu để tăng chiều cao. Sàn công tác của bệ đứng di động là sàn đặc chủng chế tạo sẵn cho đúng đối tượng và chỉ điều chỉnh chiều cao trong phạm vi cố định cho phép (xem Hình A.8)
3.11
Giàn giáo chân vuông (bricklayers' square scaffolds)
Giàn giáo với khung chân vuông, đỡ một sàn công tác đơn vị với giới hạn tải trọng nhẹ và trung bình (xem Hình A.9)
3.12
Giàn giáo chân ngựa (horse scaffold)
Giàn giáo gồm các chân ngựa đỡ sàn công tác chịu tải trọng nhẹ hoặc trung bình (xem Hình A.10)
3.13
Giần giáo nâng hạ bằng kích (pump jack scaffold)
Giàn giáo có cấu tạo từ các cột đứng, sàn làm việc, và sàn công xơn chuyển động dọc theo cột nhờ kích (xem Hình A.11)
3.14
Giàn giáo leo tháp và nâng hạ bằng tời cáp (adjustable scaffold)
Giàn giáo có kết cấu với các bàn trượt đỡ sàn công tác và sàn chứa vật liệu và có thể điều chỉnh chiều cao làm việc bằng phương án thủ công (xem Hình A.12)
3.15
Giàn giáo hoặc sàn công tác kiểu thang lắp công xơn (ladder jack scaffold)
Giàn giáo kiểu thang có tải trọng nhẹ, cấu tạo gồm sàn công tác được lắp công xơn vào các bậc thang (thang có hai loại: loại chiều dài không đổi hoặc loại kéo dài (xem Hình A.13)
3.16
Giàn giáo trên dầm công xơn (outrigger scaffolds)
Giàn giáo có cấu tạo gồm một sàn công tác được đỡ bởi các dầm công xơn đưa ra từ bên trong tường hoặc bên trong mặt kết cấu công trình, đầu phía bên trong của các các dầm công xơn này được cố định vào kết cấu công trình hoặc các kết cấu khác (xem Hình A.14)
3.17
Giàn giáo đặt trên khung đỡ công xơn làm bằng gỗ hoặc kim loại (carpenter’s bracket scaffold)
Giàn giáo có cấu tạo gồm các khung giá đỡ công xơn bằng kim loại ghép vào kết cấu hoặc vào tường công trình để đỡ sàn công tác bằng gỗ (xem Hình A.15)
3.18
Giàn giáo công xơn neo vào cửa sổ (window jack scaffold)
Giàn giáo với sàn công tác được đỡ bởi dầm công xơn gác qua cửa sổ mở của công trình (xem Hình A.16)
3.19
Giằng chéo chữ thập (crossbraces)
Hại thanh giằng chéo, có khớp bản lề ở giữa và ghép với nhau ở giữa tạo thành chữ “X”, sử dụng để giằng hai khung giáo chế tạo sẵn hoặc các trụ đứng hoặc cả hai loại trên (xem Hình A.4)
3.20
Thanh gióng dọc (runner hoặc ledger)
Thanh gióng dọc là bộ phận nằm ngang chạy dọc giàn giáo và cố định với các cột tạo thành nút chính. Thanh gióng dọc đôi khi nằm dưới và đỡ thanh gióng ngang chính (xem Hình A.2 và Hình A.17)
3.21
Thanh gióng ngang chính (bearer or transom)
Kết cấu nằm ngang của giàn giáo, có thể được đỡ bởi các thanh gióng dọc và có nhiệm vụ đỡ các sàn công tác. Thanh gióng ngang chính và thanh gióng dọc tạo ra một tang giáo (xem Hình A.2 và Hình A.17)
3.22
Thanh gióng ngang phụ (putlog)
Thanh nằm ngang được lắp gối đầu vuông góc với hai thanh gióng dọc (của giàn giáo độc lập) hoặc lắp gối đầu vuông góc với một thanh gióng dọc, đầu còn lại gối lên tường công trình của giàn giáo gối tường. Thanh gióng ngang phụ và thanh gióng ngang chính nằm trong cùng một tầng giáo phẳng ngang của giàn giáo tạo thành các khẩu độ để đỡ ván sàn. Thanh gióng ngang phụ được thiết kế để nhận tải tập trung hoặc tải phân bố đều từ các ván sàn (Hình A.17)
3.23
Thanh giằng giàn giáo (Brace)
Kết cấu giằng nối một bộ phận này với bộ phận khác của giàn giáo để làm tăng độ cứng vững của giàn giáo. Thanh giằng giàn giáo có nhiều loại như: giằng chéo mặt trước, giằng mặt nằm ngang, giằng mặt vuông góc, giằng chéo góc (xem Hình A.2)
3.24
Khóa giàn giáo (coupler)
Khóa giàn giáo hay còn gọi là cùm giàn giáo dùng để cố định các bộ phận của giàn giáo. Trên Hình A.2 có khóa chết 90° cố định các bộ phận vuông góc với nhau, khóa xoay cố định các bộ phận theo góc bất kỳ.
3.25
Khung giá đỡ công xơn (bracket form scaffold)
Kết cấu kiểu khung tam giác bằng gỗ hoặc bằng kim loại lắp công xơn vào khuôn tường, phía trên đặt các ván khuôn để tạo ra sàn công tác cho công nhân thi công ván khuôn tường hoặc để đổ bê tông (xem Hình A.18)
3.26
Giằng giàn giáo vào kết cấu công trình (tie)
Bộ phận liên kết giữa giàn giáo với công trình hoặc kết cấu của công trình, để tăng cường ổn định hai phương cho giàn giáo (xem Hình A.19)
3.27
Giá trượt (elevating carriage)
Kết cấu trượt dọc tháp để nâng hạ sàn công tác nhờ tời cáp (xem Hình A.12)
3.28
Giàn giáo treo có thể nâng hạ (suspended scaffold)
Giàn giáo được treo từ hệ đỡ phía trên bằng cáp thép hoặc bằng chão mềm, có thể nâng hạ bằng tời tay hoặc tời máy sau đây gọi tắt là giàn giáo treo để phân biệt với giàn giáo treo cố định. Tùy thuộc vào loại tời nâng hạ, có hoặc không có cáp chống xoay, có 3 loại giàn giáo treo như dưới đây:
(1) Giàn giáo treo nâng hạ thủ công (manual)
Giàn giáo được treo bởi dây cáp từ hệ đỡ phía trên, được lắp đặt và vận hành để nâng hoặc hạ sàn công tác tới các vị trí yêu cầu bằng tời thủ công;
(2) Giàn giáo treo nâng hạ bằng máy (powered)
Giàn giáo treo bởi dây cáp từ hệ đỡ phía trên và được lắp đặt và vận hành để nâng hoặc hạ sàn công tác tới các vị trí yêu cầu bằng tời máy (thường bằng tời điện đôi khi là tời thủy lực hoặc khí nén);
(3) Giàn giáo treo tự do (swing scaffold)
Giàn giáo treo hai điểm (xem Hình A.23).
3.29
Ghế treo đơn (boatswains’ chair)
Giàn giáo treo dạng ghế ngồi chỉ giành cho một người làm việc trong tư thế ngồi (xem Hình A.20)
3.30
Ghế đứng treo đơn (boatswains’ stand)
Giàn giáo treo dạng đứng chỉ giành cho một người làm việc trong tư thế đứng (xem Hình A.21)
3.31
Lồng treo một điểm (single-point suspended scaffold)
Giàn giáo được treo bởi một dây cáp từ các kết cấu đỡ phía trên và được lắp đặt, vận hành khi nâng hoặc hạ sàn công tác tới các vị trí yêu cầu bằng tời ma sát hoặc tời tang cuốn (xem Hình A.22)
3.32
Giàn giáo treo hai điểm (two-point suspended scaffold)
Giàn giáo mà sàn công tác của nó được treo bởi hai cáp treo tại hai điểm từ phía trên sao cho có thể nâng hoặc hạ sàn công tác tới các vị trí thi công theo yêu cầu bằng tời hoặc palăng cáp. (xem Hình A.23)
3.33
Sàn treo chế tạo theo mô đun (modular suspended platform)
Sàn treo được lắp ghép từ 2 hoặc nhiều hơn các sàn công tác mô đun chế tạo sẵn. Chiều dài sàn công tác có thể thay đổi bằng cách lắp thêm hoặc bớt sàn công tác mô đun và có thể sử dụng mô đun góc để tạo ra sàn công tác treo góc đặc thù (xem Hình A.24)
3.34
Giàn giáo treo nhiều điểm mặt ngoài công trình (masons’ adjustable multiple-point suspension scaffold)
Giàn giáo có sàn công tác một nhịp dài nối tiếp, được đỡ bởi các thanh gióng ngang, được treo bằng lớn hơn hoặc bằng 3 cáp thép từ các kết cấu phía trên, cho phép công nhân nâng hoặc hạ tới các vị trí làm việc theo yêu cầu
3.35
Giàn giáo treo nhiều tầng (multiple-level suspended scaffold)
Giàn giáo có các sàn công tác ở các cao độ khác nhau và được bố trí sao cho cùng treo lên một hệ cáp. Hệ thống này có thể treo bởi hai hay nhiều điểm (xem Hình A.26)
3.36
Giàn giáo treo móc nối tiếp (catenary scaffold)
Gác sàn công tác được đỡ bởi hai cáp ngang song song với 2 đầu được cố định vào kết cấu đứng đối diện hoặc các kết cấu tương đương và mỗi sàn công tác được chống võng bởi các cáp treo đứng (xem Hình A.27)
3.37
Giàn giáo treo tự do (float scaffold)
Giàn giáo có cấu tạo từ một sàn công tác, phía dưới sàn công tác được gia cường bởi hai thanh giằng chéo và được treo tự do vào dầm phía trên hoặc kết cấu tương tự bằng cáp. Toàn bộ sàn công tác được treo bằng 2 cáp song song thông qua 2 tấm giằng song song ở hai đầu (xem Hình A.28)
3.38
Giàn giáo treo trong nhà (interior hung scaffold)
Giàn giáo treo lên các kết cấu phía trên bằng cáp, xích hoặc các kết cấu cứng chịu kéo (xem Hình A.29 và 30)
3.39
Giàn giáo dầm treo (needle beam scaffold)
Giàn giáo dầm treo có cấu tạo gồm một sàn công tác đặt trên hai thanh gióng ngang, các thanh gióng ngang này được treo bằng các dây cáp (xem Hình A.31)
3.40
Sàn giàn giáo (platform)
Thuật ngữ chung dùng để mô tả một mặt bằng trên giàn giáo có cấu tạo từ một hay nhiều đơn vị sàn công tác. Sàn giàn giáo có thể là sàn công tác hoặc sàn di chuyển
3.41
Sàn công tác (working platform)
Sàn giàn giáo có vị trí tại nơi làm việc để đỡ người và vật liệu và tạo ra vị trí làm việc (xem Hình A.32)
3.42
Sàn di chuyển (access platform)
Sàn giàn giáo dùng để làm đường di chuyển tới sàn công tác, nhưng không bao gồm sàn công tác. Sàn di chuyển có thể là sàn nghiêng hoặc nằm ngang (Hình A.33)
3.43
Đơn vị sàn công tác (platform unit)
Thuật ngữ chung dùng để mô tả một bộ phận nhỏ nhất có thể hoạt động độc lập hoặc lắp ghép thành một sàn công tác hoặc sàn di chuyển. Đơn vị sàn công tác có thể là các ván gỗ xẻ, ván gỗ ép, ván kim loại, một bàn giáo hoặc sàn chế tạo sẵn bằng kim loại (xem Hình A.34)
3.44
Ván sàn công tác (plank)
Một tấm gỗ xe, gỗ dán hoặc một ván sàn chế tạo sẵn làm việc như một sàn công tác đơn vị, có các loại ván lát sàn sau:
3.44.1 Ván sàn kim loại (metal plank)
Một sàn công tác đơn vị có kích thước nhỏ nhất dùng cho 1 hoặc nhiều hơn 1 công nhân làm việc hoặc chịu tải phân bố đều. Ván sàn kim loại có thể có kích thước tương tự các ván sàn gỗ;
3.44.2
Ván sàn gỗ ép (wood laminated plank)
Một sàn công tác đơn vị bằng gỗ ép. Ván sàn gỗ ép phải được thiết kế và sản xuất với quy cách, chất lượng đảm bảo cho phép dùng cho giàn giáo;
3.44.3
Ván sàn gỗ xẻ (sawn wood plank)
Ván sàn gỗ xẻ là một sàn công tác đơn vị bằng gỗ xẻ. Ván sàn gỗ xẻ phải có quy cách, chất lượng đảm bào cho phép dùng cho giàn giáo. Một ván sàn công tác bằng gỗ xẻ phải có kích thước sao cho đủ khả năng chịu tải lớn hơn hoặc bằng tổng trọng lượng của một công nhân cộng với vật liệu
3.45
Mâm giàn giáo (scaffold deck)
Mâm giàn giáo là một đơn vị sàn công tác. Mâm giàn giáo được thiết kế và chế tạo để mang tải tối thiểu là một người làm việc. Mâm giàn giáo có các móc ở 2 đầu để móc vào thanh gióng ngang chính của giàn giáo. Mâm giàn giáo nói chung được định mức để chịu tải phân bố đều
3.46
Sàn công tác chế tạo sẵn cho một người làm việc (fabricated platform for one-person)
Sàn công tác đơn vị chế tạo sẵn cho 1 công nhân làm việc và có 2 loại là: loại có chiều dài cố định và loại mở rộng. Sàn công tác chế tạo nguyên chiếc có tải trọng cho 1 công nhân làm việc cùng với vật liệu tối đa cho phép
3.47
Sàn công tác chế tạo sẵn sử dụng cho hai công nhân làm việc (fabricated platform for two-person) Sàn công tác chế tạo nguyên chiếc sử dụng cho 2 công nhân làm việc và vật liệu trên sàn tối đa cho phép. Loại này thường được dùng cho giàn giáo kiểu thang đỡ đứng tự do, giàn giáo kiểu thang đỡ đứng tự do kéo dài, giàn giáo kiểu thang lắp công xơn, hoặc kết hợp với cơ cấu kẹp cáp treo để trở thành một bộ phận của giàn giáo treo. Sàn công tác chế tạo nguyên chiếc sử dụng cho sàn 2 công nhân làm việc phải có chiều rộng tối thiểu 500 mm
3.48
Sàn công tác chế tạo sẵn sử dụng cho ba công nhân làm việc (fabricated platform for three- person)
Sàn công tác chế tạo nguyên chiếc sử dụng cho 3 công nhân làm việc và khối lượng vật liệu trên sàn tối đa cho phép. Các loại sàn công tác này kết hợp với cơ cấu kẹp cáp treo để trở thành một bộ phận của giàn giáo treo hoặc móc trực tiếp vào thanh gióng ngang chính để tạo thành tầng giáo và lúc này nó còn có chức năng như thanh gióng dọc
3.49
Mâm sàn công tác đặc dụng hoặc sàn công tác chế tạo nguyên chiếc (special-purpose scaffold deck or fabricated platform)
Mâm sàn công tác đặc dụng hoặc sàn công tác chế tạo nguyên chiếc là loại sàn và ván sàn có sự thay đổi về thiết kế, lắp đặt so với các loại tấm lát sàn và các loại sàn công tác nói chung nhằm mục đích sử dụng cho một mục đích đặc thù
3.50
Tải trọng dự kiến lớn nhất (maximum intended load)
Tổng tải trọng gồm người, vật liệu, thiết bị và dụng cụ
3.51
Tải trọng thiết kế (design load)
Tải trọng thiết kế là tải trọng dự tính lớn nhất của giàn giáo. Tải trọng thiết kế gồm tổng tải trọng của người làm việc, vật liệu và thiết bị bố trí lên đối tượng chịu tải
3.52
Tải trọng tới hẹn phá hủy (failure)
Tập hợp các điều kiện mà tại đó thành phần hoặc tổ hợp giàn giáo đã chịu tải tới ngưỡng tải trọng tối đa, nếu tăng tải trọng hơn nữa sẽ dẫn tới sập đổ phá hủy
3.53
Tải trọng công tác (working load)
Tải trọng gồm người, vật liệu và thiết bị trên giàn giáo
3.54
Tải trọng định mức (load rating)
Tải trọng lớn nhất tùy thuộc vào phân cấp tải trong giàn giáo
3.54.1
Giàn giáo tải trọng nặng (heavy duty)
Giàn giáo được thiết kế và lắp đặt với tải trọng công tác là 375 kg/m2, loại giáo này dùng cho công đoạn xây, trát tường với tải trọng công tác là tổng trọng lượng công nhân, vật liệu gạch và vữa
3.54.2
Giàn giáo tải trọng trung bình (medium duty)
Giàn giáo được thiết kế và lắp đặt có tải trọng công tác là 250 kg/m2, loại giáo này dùng trong xây trát với tải trọng công tác là tổng trọng lượng công nhân và vật liệu vữa
3.54.3
Giàn giáo tải trọng nhẹ (light duty)
Giàn giáo được thiết kế và lắp đặt có tải trọng công tác là 125 kg/m2, loại giáo này dùng để công nhân làm việc và dụng cụ, không có vật liệu
3.54.4
Giàn giáo đặc dụng (special duty)
Giàn giáo được thiết kế và lắp đặt để chứa các đối tượng vật liệu đặc thù. Công tác thiết kế giàn giáo, sàn công tác, và các cụm cấu thành giàn giáo đặc dụng phải dựa theo tải trọng được nêu ở trên
3.55
Thử nghiệm thiết kế (tested design)
Thử nghiệm với tải trọng thiết kế để chứng minh rằng giàn giáo có thể chịu được tải theo yêu cầu, bao gồm các hệ số an toàn tương ứng
3.56
Hệ thống chống rơi ngã cá nhân (personal fall-arrest system)
Tập hợp các thiết bị và hệ thống phụ trợ để ngăn chặn người rơi khi làm việc trên cao
3.57
Điểm neo (anchorage)
Điểm đủ chắc để móc các đầu dây cứu sinh, dây treo, các thiết bị giảm tốc của hệ thống chống rơi ngã cá nhân hoặc điểm móc liên kết từ công trình hoặc kết cấu với một thiết bị nâng
3.58
Dây đỡ cả người (Full-body harnesses)
Bộ phận đỡ cả người nhiều điểm để giữ người khi rơi ở trong hệ thống chống rơi ngã cá nhân (xem Hình A.35)
3.59
Dây treo (lanyard)
Dây làm bằng vật liệu mềm dẻo, được sử dụng để móc một đầu với dây đỡ cả người, đầu còn lại được móc vào điểm neo cố định hoặc vào dây cứu sinh có nhiệm vụ treo người nếu bị rơi (xem Hình A.35)
3.60
Dây cứu sinh (lifeline)
Dây theo phương thẳng đứng hoặc nằm ngang có nhiệm vụ như điểm neo dây treo (xem Hình A.35)
3.61
Hệ thống phòng rơi (fall protection)
Hệ thống được thiết kế để phòng hoặc cản người và vật rơi khi làm việc trên cao
3.62
Lưới chắn phòng rơi (safety screen)
Lưới bằng sợi ni lông được căng vào khung phía mặt ngoài giàn giáo và đặt nghiêng bên dưới sàn công tác. Lưới chắn phòng rơi có nhiệm vụ giữ người trên lưới nếu không may bị rơi và ngăn vật rơi xuống đất (xem Hình A.36)
3.63
Sàn nghiêng chống rơi vật liệu (catch fan or catch platform)
Sàn nghiêng chống rơi vật liệu thường được bố trí các mặt của sàn công tác, đặc biệt cần thiết khi bên dưới giàn giáo là đường đi bộ hoặc đường giao thông (xem Hình A.37)
3.64
Hệ thống lan can bảo vệ biên (guardrail system)
Hệ thống lắp dọc theo các mặt hở và hai mặt cuối của sàn giàn giáo. Hệ thống lan can bảo vệ biên có cấu tạo gồm: thanh lan can trên (tay vịn); thanh lan can giữa hoặc các thanh chéo chữ thập, các trụ đứng để lắp và một số phụ kiện. Hệ thống lan can bảo vệ biên của sàn công tác có chứa vật liệu phải lắp tấm chắn chân sàn công tác hoặc lưới phòng rơi để chống rơi vật liệu và dụng cụ trên sàn (Hình A.38)
3.65
Thanh lan can trên (toprail)
Thanh lan can trên cùng nằm ngang của hệ bảo vệ biên
3.66
Thanh lan can giữa (midrail)
Thanh chắn giữa của hệ thống lan can bảo vệ biên, được lắp song song và nằm gần giữa thanh lan can trên và sàn công tác
3.67
Tấm chắn chân sàn công tác (toeboard)
Tấm chắn chạy dọc các cạnh của sàn công tác. Tấm chắn chân sàn công tác có nhiệm vụ ngăn không cho vật liệu và dụng cụ rơi ra từ sàn công tác.
3.68
Các mặt hở và mặt cuối của sàn công tác (open sides and ends)
Phần mặt cạnh của sàn công tác, không được lắp hệ thống lan can phòng rơi thường là phía mặt tường đứng đang thi công hoặc tại các vị trí có giá đỡ tời của giàn giáo treo
3.69
Cáp treo tạo góc với mặt tường (angulated roping)
Một hệ thống treo giàn giáo mà trong đó điểm treo cáp hoặc đầu buộc cáp phía trên có khoảng cách so bề mặt của công trình nhỏ hơn so với khoảng cách của điểm neo buộc trên sàn công tác so bề mặt của công trình, nhờ vậy giàn giáo treo luôn tỳ vào mặt của công trình trong quá trình di chuyển theo phương thẳng đứng
3.70
Cố định đầu cáp bằng ống côn (babbitted fastening)
Phương pháp cố định đầu cáp và tạo vòng móc cáp trong đó đầu cáp vòng ngược lại vào ống kim loại hình côn và được cố định bằng hợp kim babit
3.71
Con lăn mặt tường công trình (building face roller - roller bumper)
Con lăn dẫn hướng được thiết kế để giàn giáo treo tiếp xúc với một phần bề mặt ngoài công trình xây dựng hoặc bề mặt ngoài của tường bao (còn được biết đến với tên gọi thanh lăn)
3.72
Dây nối đất (electrical ground)
Dây nối đất còn gọi là dây tiếp địa hay dây tiếp đất, là dây nối giữa mạch điện hoặc thiết bị điện với đất để phòng hiện tượng rò điện ra bên ngoài. Trong một số trường hợp dây nối đất được nối giữa mạch điện hoặc thiết bị điện với một kết cấu dẫn điện (thường bằng kim loại dẫn điện) tại vị trí làm việc
3.73
Nút vòng dây cáp (eye splicing)
Nút vòng dây cáp là đầu cáp dạng thòng lọng với phương pháp gia công bằng cách bện đầu dây tự do vào phần thân cua cáp, loại này chủ yếu được dùng cho cáp treo (xem Hình A.39)
3.74
Dẫn hướng (guy)
Dẫn hướng có thể là một dây chão, dây xích, hoặc dây cáp có nhiệm vụ ổn định và dẫn hướng sàn công tác treo theo phương thẳng đứng. Dẫn hướng có nhiệm vụ như dây chống xoay hoặc chống lật
3.75
Neo giữ cáp treo giàn giáo gián đoạn (intermittent tie-ins)
Các neo gián đoạn bố trí theo phương thẳng đứng dọc theo bề mặt kết cấu công trình để néo cáp treo của giàn giáo treo với mục đích đưa sàn công tác gần vào mặt công trình
3.76
Móc treo trên (roof hook)
Dụng cụ sử dụng để cố định đầu trên hệ thống cáp treo của các loại giàn giáo treo hai điểm, lồng treo đơn hoặc ghế treo vào gờ kết cấu công trình hoặc kết cấu khác ở phía trên (xem ví dụ Hình A.44)
3.77
Palăng cáp (rope fall)
Hệ thống bao gồm các cụm puly cố định, cụm puly di động và cáp mắc luồn qua các cụm puly, làm việc theo nguyên lý lợi bao nhiêu lần về lực thì thiệt bấy nhiêu lần về dung lượng cáp. Pa lăng cáp dùng để nâng và hạ giàn giáo treo
3.78
Khung đỡ tời (stirrup)
Bộ phận liên kết giữa tời và sàn công tác của các giàn giáo treo (xem Hình A.40)
3.79
Gia công đầu cáp bằng ống thép dập nguội (swaged fitting)
Phương án gia công đầu cáp thép bằng cách dập nguội một ống măng xông lên đầu cáp thép đó
3.80
Dây dẫn hướng (trolley line)
Dây cáp thép nằm ngang được cố định vào kết cấu của giàn giáo, vào móc kẹp, vào các phanh thứ cấp, hoặc vào cáp treo phụ, nó được dùng để móc dây treo phòng rơi
3.81
Chống võng (vertical pickup)
Dây treo đứng một đầu được cố định với kết cấu đỡ phía trên có nhiệm vụ kiểm soát độ võng của hai cáp đỡ sàn công tác của giàn giáo treo móc nối tiếp (xem Hình A.26)
3.82
Kẹp cáp kiểu bu lông chữ “U” (wire rope clip)
Đầu cáp được kẹp bằng kẹp cáp kiểu bu lông chữ “U” để tạo thành vòng có thể sử dụng nhiều lần (xem Hình A.41)
3.83
Cố định đầu cáp bằng ống côn đồ chì (zinced fastening)
Phương pháp cố định đầu cáp và tạo vòng móc cáp trong đó đầu cáp vòng ngược lại vào ống Hình côn và được cố định bằng chì
3.84
Tời (hoist)
Tời là thiết bị dùng để nâng và hạ một giàn giáo treo. Tời nâng hạ có thể dẫn động thủ công hoặc bằng máy (dẫn động máy thường là dẫn động điện xem Hình A.42)
3.85
Hệ thống điều khiển (control)
Một hệ thống kiểm soát các quá trình hoạt động như khởi động, dừng, chuyển hướng, tăng, giảm tốc hoặc giữ tốc độ các bộ phận chuyển động
3.86
Thiết bị điều khiển (operating device)
Nút bấm, cần gạt hoặc các thiết bị điều khiển bằng tay khác được sử dụng để kích hoạt hệ thống dẫn động giàn giáo
3.87
Phanh chính (primary brake)
Phanh của tời nâng, sử dụng để dừng tời nâng có tải ở điều kiện vận hành bình thường
3.88
Động cơ chính (prime mover)
Động cơ của tời nâng
3.89
Thiết bị an toàn (safety device)
Một cơ cấu tự động làm việc chống rơi tự do của sàn công tác
3.90
Phanh phụ (secondary brake)
Phanh của tời, chỉ có nhiệm vụ dừng chuyển động rơi của sàn công tác trong các trường hợp khẩn cấp
3.91
Tời nâng ma sát (traction drum hoist)
Tời nâng hạ có số vòng cáp trên tang không đổi (cáp cuốn vào tang bao nhiêu thì nhả ra bấy nhiêu). Tời nâng ma sát được thiết kế để nâng hạ vật nhờ lực ma sát giữa tang với cáp
3.92
Tang cuốn cáp (winding drum)
Tang khi nâng hoặc hạ giàn giáo làm việc theo nguyên tắc cuốn hoặc nhả cáp treo lên bề mặt của tang cuốn. Tang cuốn cáp có hai loại là loại có rãnh với một lớp cáp và loại tang trơn cuốn nhiều lớp cáp. Trên thực tế loại tang trơn cuốn nhiều lớp cáp được sử dụng phổ biến hơn cả (xem Hình A.43)
3.93
Neo sau (tieback)
Một dây nối giữa một điểm neo phía sau với thiết bị chịu tải của giàn giáo. Neo sau thường dùng cho giàn giáo treo có nhiệm vụ gia cường móc treo hoặc các bộ phận treo với một điểm trên một kết cấu vuông góc phía sau (xem Hình A.44)
3.94
Người có thẩm quyền (competent person)
người có đủ kiến thức để xác định và dự đoán các mối nguy hiểm có thể xảy ra trên công trường và vùng phụ cận. Người có đủ kiến thức để xác định các điều kiện làm việc không đảm bảo an toàn vệ sinh lao động. Người có đủ thẩm quyền để đưa ra các giải pháp kịp thời để loại trừ các nguy cơ mất an toàn vệ sinh lao động kể trên.
3.95
Người có chuyên môn (qualified person)
Người có chuyên môn là người:
+ Có chứng chỉ hành nghề do cơ quan có thẩm quyền cấp, hoặc chức danh nghề nghiệp giàn giáo;
+ Có kiến thức sâu, được đào tạo bài bản và có kinh nghiệm xử lý thành công các vấn đề thuộc phạm vi giàn giáo, làm việc trên giàn giáo.
Last updated