20. Giàn giáo treo có tời nâng

TCVN 13662:2023

20.1 Quy định chung

20.1.1 Vật liệu, các bộ phận, và các thiết bị sử dụng để lắp đặt các loại giàn giáo treo có tời nâng phải phù hợp với tiêu chuẩn này và các kinh nghiệm kỹ thuật được chấp nhận.

20.1.2 Nơi sử dụng giàn giáo có các điều kiện bất thường như gần đường dây điện, vật cản trở trên đường di chuyển hoặc thiết bị khác hoạt động gần thì phải có các biện pháp bảo đảm an toàn bổ sung như đặt biển cảnh báo hay hàng rào bảo vệ để đảm bảo an toàn cho người sử dụng.

20.1.3 Điều kiện để công nhân được vận hành giàn giáo treo có tời nâng:

- Được đào tạo và làm quen với loại giàn giáo mà họ sẽ vận hành;

- Được cung cấp và đào tạo cách sử dụng các thiết bị phòng rơi bao gồm cả dây cứu sinh;

- Được cung cấp hướng dẫn sử dụng các thiết bị có trên giàn giáo;

- Được kiểm soát an toàn lao động.

20.1.4 Lập kế hoạch và chọn vị trí lắp đặt giàn giáo treo phải được thực hiện dưới sự giám sát của người có chuyên môn và có kinh nghiệm.

20.1.5 Sàn công tác chế tạo sẵn được sử dụng cho giàn giáo treo phải có tải trọng định mức tối thiểu cho hai người làm việc và phải có chiều rộng tối thiểu phải bằng 0,5 m.

20.1.6 Phải có biện pháp đảm bảo ngăn che dụng cụ và vật liệu, không để chúng rơi ra khỏi sàn công tác.

20.1.7 Tất cả các bộ phận, như bu lông, ê cu, khớp nối, khóa, cáp thép, các dầm công xơn và các thiết bị treo buộc phải được bảo dưỡng đảm bảo chất lượng và đáp ứng mọi điều kiện làm việc. Các bộ phận trên phải được kiểm tra chất lượng trước mỗi lần lắp đặt và phải kiểm tra định kỳ trong suốt quá trình sử dụng (xem 20.20).

20.1.9 Không được sử dụng thiết bị phòng rơi và các thiết bị khẩn cấp để treo tạm các kết cấu khi làm việc trên giàn giáo treo.

20.1.10 Cáp treo nghiêng hoặc có một phần treo nghiêng, khi tính toán phải xem xét lực tác dụng theo phương ngang.

20.1.11 Độ nghiêng dọc của các sàn công tác trên giàn giáo treo hai điểm phải không quá 1/12.

20.2 Yêu cầu đối với các bộ phận treo buộc giàn giáo treo

20.2.1 Tất cả các bộ phận treo giàn giáo (như dầm treo công xơn, móc lan can, khóa kẹp tường) và các kết cấu treo, phải đủ khả năng chịu được bốn lần tải trọng định mức. Móc và khóa kẹp lan can không được móc, kẹp lên lan can nếu không được chỉ định để chịu tải đặt lên nó.

20.2.2 Khi sử dụng pa lăng cáp để tăng tải trọng nâng, thì hệ thống treo phải được thiết kế để mang được tải bằng bốn tải trọng định mức của tời nang nhân với bội suất của pa lăng.

20.2.3 Puly đổi hướng cáp thép nhỏ hơn 90° phải có đường kính trong lớn hơn hoặc bằng mười lần đường kính cáp thép. Puly đổi hướng cáp thép lớn hơn 90° phải có đường kính trong lớn hơn hoặc bằng mười lăm lần đường kính cáp thép.

20.2.4 Móc lan can và kết cấu lan can dùng để treo giàn giáo, phải được thiết kế để chịu được bốn lần tải trọng định mức và phải cố định và neo sau. Neo sau phải được lắp vuông góc với bề mặt công trình và phải neo vào vào kết cấu vững chắc. Nếu kết cấu neo không đủ vững chắc thì sử dụng hai neo sau để khống chế chuyển dịch về phía trước và hai bên. Neo sau phải có cường độ chịu tải tương đương cáp treo.

20.2.5 Dầm công xơn để treo giáo phải đủ khả năng để chịu được bốn lần tải trọng định mức của tời nâng và phải được neo cố định chống mọi chuyển dịch. Nếu đầu phía trong của dầm công xơn được cố định bằng đối trọng, thì các đối trọng này phải cố định vào dầm. Đối trọng phải là vật rắn, vật liệu không chảy và phải có hệ số an toàn chống lật bằng 4. Mỗi cục đối trọng phải ghi trọng lượng. Neo sau của dầm công xơn phải được lắp vuông góc với bề mặt công trình và phải neo vào vào kết cấu vững chắc. Nếu kết cấu neo không đủ vững chắc thì sử dụng hai neo sau để khống chế chuyển dịch về phía trước và hai bên. Neo sau phải có cường độ chịu tải tương đương cáp treo.

20.2.6 Phải trang bị cơ cấu chống xoay giàn giáo treo để giảm thiểu hiện tượng xoay tại vị trí làm việc. Các mặt sàn công tác của giàn giáo treo phải được bao kín bởi hệ thống lan can bảo vệ biên và tấm chắn chân sàn công tác (xem 4.6 và 20.12.3).

20.2.7 Giàn giáo treo nhiều tầng và giàn giáo có mái bảo vệ trên phải được trang bj hệ dây treo phụ độc lập có cường độ tương đương cáp treo chính. Hệ dây treo phụ độc lập phải có đủ khả năng treo toàn bộ giàn giáo nếu như cáp treo chính có sự cố (xem 20.6). Hệ dây treo phụ độc lập phải neo sau và phải neo vào điểm neo độc lập.

20.2.8 Tất cả các dây treo phụ độc lập phải được cố định chắc chắn vào giàn giáo thông qua các thiết bị treo. Các thiết bị treo kể trên phải được thử nghiệm thiết kế để dừng và treo tối thiểu 125% tải trọng.

20.2.9 Đối với giàn giáo treo để hàn điện, để giảm thiểu khả năng ảnh hưởng của hồ quang điện lên chất lượng của cáp treo phải áp dụng các biện pháp bảo vệ dưới đây:

1) Các cáp treo và các bộ phận treo phải được cách điện. Cáp treo và cáp treo phụ độc lập không được nối đất.

2) Đầu cáp treo phía trên phải được bọc bằng vật liệu cách điện với chiều dài tối thiểu là, 1,2 m. Đầu cáp dư tại tời nâng phải cách điện với sàn công tác. Đầu cáp dư nằm tự do bên dưới sàn công tác phải cố định hoặc giải pháp khác tránh tiếp đất.

3) Tời nâng phải có vỏ bọc bảo vệ chế tạo từ vật liệu cách điện.

4) Ngoài ra, cáp dẫn điện hàn phải có dây tiếp đất đấu nối giữa giàn giáo và kết cấu hàn. Kích thước của dây tiếp đất phải lớn hơn hoặc bằng kích thước của cáp dẫn điện và không được mắc nối tiếp với cáp dẫn điện hoặc nối tiếp giữa các chi tiết hàn.

5) Phải dừng hàn nếu dây tiếp đất bị đứt hoặc không tiếp xúc.

6) Que hàn và dây điện hở không được tiếp xúc với kết cấu và hệ thống treo của giàn giáo.

20.3 Các yêu cầu đối với tời điện

20.3.1 Yêu cầu chung

20.3.1.1 Vận tốc định mức lớn nhất theo phương thẳng đứng của giàn giáo treo chạy điện không vượt quá 10 m/ph.

20.3.1.2 Tời điện phải được trang bị phanh chính và phanh phụ (xem trong 20.3.3 và trong 20.3.4).

20.3.1.3 Hộp giảm tốc của tời điện phải tuân thủ 20.3.2.

20.3.1.4 Tang cuốn cáp và puly phải tuân thủ 20.3.5.

20.3.1.5 Cả hai loại tang cuốn cáp và tang ma sát hoặc puly ma sát phải được thiết kế sao cho tại mọi thời điểm tời nâng luôn ăn khớp với cáp treo.

20.3.1.6 Phải tra dầu bôi trơn mọi vị trí cần thiết đảm bảo mọi bộ phận chuyển động được bôi trơn đầy đủ.

20.3.1.7 Ngoài các điều khoản áp dụng của phần này, tất cả các tời máy phải tuân thủ 20.3.7.

20.3.1.8 Ngoài các yêu cầu của phần này, tất cả các tời tay phải tuân thủ 20.7.

20.3.1.9 Trên mỗi tời nâng phải được có bảng hiệu với các thông tin sau:

1) Tên nhà sản xuất;

2) Tải trọng định mức lớn nhất;

3) Số hiệu;

4) Các thông số kỹ thuật của cáp thép.

20.3.1.10 Tời nâng khi xuất xưởng phải kèm theo hướng dẫn sử dụng với nội dung hướng dẫn vận hành và hướng dẫn bảo dưỡng.

20.3.1.11 Mỗi tời nâng sử dụng cho giàn giáo treo phải được thử nghiệm thiết kế bởi một đơn vị độc lập có chức năng và được cấp phép bởi cơ quan có thẩm quyền.

20.3.2 Các yêu cầu đối với hộp giảm tốc

20.3.2.1 Tời điện phải có hộp giảm tốc. Hộp giảm tốc phải là loại giảm tốc ăn khớp (không dùng loại giảm tốc ma sát) như truyền động trục vít - bánh vít, truyền động bánh răng trụ tròn, truyền động bánh răng côn, hoặc các loại truyền động bánh răng tương tự. Hộp giảm tốc phải trong hộp kín hoặc được che chắn kín.

20.3.2.2 Hộp giảm tốc phải được lắp trực tiếp vào tang của tời. Không sử dụng các khớp nối dạng dây cu roa, dạng chốt, kiểu xích con lăn, hoặc dạng ăn khớp ma sát để nối hộp giảm tốc với tang.

20.3.2.3 Các bộ truyền động bánh răng của hộp giảm tốc phải theo các tiêu chuẩn sản xuất bánh răng và phải có hệ số làm việc không nhỏ hơn 1.

20.3.3 Các yêu cầu đối với phanh chính

20.3.3.1 Tời điện phải có phanh chính. Phanh chính phải là phanh tự động, loại thường đóng, tức là tự động đóng bất cứ khi nào nguồn năng lượng cấp cho động cơ chính bị ngắt hoặc bất cứ khi nào người lái ngừng hoạt động.

20.3.3.2 Phanh chính phải được tính để dừng và giữ tối thiểu tải bằng 125% tải trọng định mức của tời nâng.

20.3.3.3 Phanh chính phải ghép trực tiếp vào hệ thống truyền động của tời. Không được sử dụng các khớp nối dạng dây cu roa, dạng chốt, kiểu xích con lăn, hoặc dạng ăn khớp ma sát để nối giữa phanh chính với hệ thống truyền động của tời.

20.3.4 Các yêu cầu đối với phanh phụ

20.3.4.1 Mỗi tời nâng phải có một phanh phụ tự động. Phanh phụ phải đủ khả năng dừng và giữ tối thiểu tải bằng 125% tải trọng định mức của tời khi tăng tốc. Phanh phụ được gọi là phanh tác dụng tức thời nếu đủ khả năng dừng và giữ tối thiểu tải bằng 125% tải trọng định mức của tời với quãng đường phanh thẳng đứng không vượt quá 0,3 m. Phanh phụ được gọi là phanh tác dụng không tức thời, nếu nó đủ khả năng dừng và giữ tối thiểu tải bằng 125% tải trọng định mức của tời với quãng đường phanh thẳng đứng không vượt quá 0,6 m.

20.3.4.2 Đối với tời tang ma sát thì phanh phụ phải tác dụng trực tiếp lên cáp treo. Đối với tời loại tang cuốn cáp thì phanh phụ phải tác dụng hoặc trực tiếp lên cáp treo hoặc trục tiếp lên tang cuồn cáp hoặc đầu kéo dài của tang cuốn cáp. Phanh phụ phải độc lập với toàn bộ hệ thống dẫn động của tời. Cơ cấu kích hoạt phanh phụ có thể riêng biệt với phanh.

20.3.4.3 Không được sử dụng phanh phụ để dừng và giữ tời, ngoại trừ khi quá tốc độ hoặc khi các điều kiện vận hành bất bình thường, ở điều kiện vận hành bình thường, phanh phụ không được đóng trước khi tời được dừng bởi phanh chính.

20.3.4.4 Các phanh phụ phải thử nghiệm định kỳ với các điều kiện mô phỏng, theo hướng dẫn của nhà sản xuất (xem 20.20.3).

20.3.4.5 Các phanh phụ phải trong khoang kín.

20.3.5 Các yêu cầu đối với tang và puly.

20.3.5.1 Các yêu cầu đối với tang ma sát và puly ma sát

20.3.5.1.1 Tang ma sát và puly ma sát phải được thiết kế sao cho cáp thép được rải đều chống hiện tượng các vòng cáp cuộn chồng lên nhau. Tang ma sát và puly ma sát phải được trang bị cơ cấu tạo áp lực giữa cáp và tang hoặc puly nhằm đảm bảo khả năng kéo của tời đảm bảo lực kéo không đổi khi tải tăng. Đối trọng, đầu cáp tự do không được sử dụng để tạo lực kéo.

20.3.5.1.2 Đường kính trong của tang ma sát và puly ma sát phải lớn hơn hoặc bằng 18 lần đường kính cáp thép.

20.3.5.2 Các yêu cầu đối với tang cuốn cáp

20.3.5.2.1 Tang cuốn cáp phải có cơ cấu cố định đầu cáp. Cơ cấu cố định đầu cáp phải có khả năng chịu bốn lần tải trọng định mức của tời nâng, (tham khảo 20.8.11.4 Các yêu cầu đối với các chi tiết cố định cáp thép.)

20.3.5.2.2 Tang cuốn cáp phải được trang bị bị cơ cấu rải cáp.

20.3.5.2.3 Số vòng cáp tối thiểu trên tang khi sàn công tác ở vị trí thấp nhất không được nhỏ hơn 4.

20.3.5.2.4 Đường kính nhỏ nhất của tang phải lớn hơn hoặc bằng 10 lần đường kính cáp.

20.3.5.2.5 Tời điện nâng hạ kiểu tang cuốn cáp phải trang bị thiết bị căng cáp chống hiện tượng xoắn cáp khi cáp không có tải.

20.3.6 Hệ thống năng lượng dẫn động

20.3.6.1 Không sử dụng tời dẫn động bằng động cơ xăng.

20.3.6.2 Cho phép sử dụng tời điện với điều kiện phải theo các yêu cầu của các tiêu chuẩn an toàn điện và tiêu chuẩn này. Động cơ điện phải có bảng nhãn hiệu ghi các thông số kỹ thuật tối thiểu:

- Tên nhà sản xuất;

- Hiệu điện thế;

- Cường độ dòng điện;

- Tần số của dòng điện; và

- Công suất định mức.

20.3.6.3 Cho phép sử dụng tời dẫn động bằng khí nén, thủy lực, động cơ Diesel với điều kiện phải theo các yêu cầu của tiêu chuẩn này.

20.3.7 Các yêu cầu đối với hệ thống điều khiển tời nâng dẫn dộng máy

20.3.7.1 Mỗi tời điện phải có hệ thống điều khiển riêng. Nếu hệ thống điều khiển có dạng kiểu nút bấm, thì phải có áp lực ấn không đổi. Nếu hệ thống điều khiển có dạng điểm dừng cố định, thì phải được trang bị khóa tự động khi ở chế độ vị trí ngắt, hoặc phải được bảo vệ chống điều khiển ngẫu nhiên. Hệ thống điều khiển dạng cần gạt có thể coi là loại áp lực không đổi hoặc loại có dạng điểm dừng cố định.

20.3.7.2 Tời điện có thể được trang bị cơ cấu vận hành thủ công. Nếu tời dẫn động máy được trang bị cơ cấu vận hành thủ công thì cơ cấu vận hành thủ công phải được thiết kế sao cho mỗi tời chỉ cần không quá một người vận hành thủ công. Phải trang bị một cơ cấu ngắt hoạt động của động cơ chính trong quá trình vạn hành thủ công. Nhà sản xuất phải cung cấp hướng dẫn sử dụng cơ cấu vận hành thủ công và phải hướng dẫn cách ngắt nguồn năng lượng trước khi sử dụng cần điều khiển thủ công.

20.3.8 Vận hành thủ công tời nâng dẫn động máy

20.3.8.1 Cơ cấu vận hành thủ công phải có thiết bị giới hạn tốc độ chống chuyển động quá nhanh hoặc nhả cáp quá nhanh.

20.3.8.2 Thiết bị giới hạn tốc độ phải được kiểm định và thử nghiệm lần đầu, định kỳ và bất thường

20.4 Các yêu cầu đối với cáp dẫn điện và thiết bị điện

20.4.1 Cáp dẫn điện và hệ thống điều khiển phải hợp chuẩn TCVN 5935-2: 2013 (IEC 60502-2:2005).

20.4.2 Cáp dẫn điện của tời điện phải có dây trung tính có vỏ bọc cách điện để nối đất. Các hộp đấu nối điện kim loại phải nối đất.

20.4.3 Phải trang bị các thiết bị chống kéo căng làm đứt cáp dẫn điện hoặc các giải pháp tương đương khi giàn giáo di chuyển. Các ổ cắm điện phải có thiết bị chống kéo căng cáp hoặc các giải pháp tương đương để tránh đầu cắm cáp bị rời khỏi ổ. Ổ cắm điện phải cố định vào giàn giáo chống mọi chuyển dịch.

20.5 Các yêu cầu đối với hệ thống chống rơi ngã cá nhân

Hệ thống chống rơi ngã cá nhân khi làm việc trên giàn giáo treo phải tuân thủ 4.37 và các yêu cầu bổ sung sau:

20.5.1 Công nhân làm việc trên giàn giáo treo một điểm hoặc giàn giáo treo hai điểm phải sử dụng hệ thống chống rơi ngã cá nhân. Trước khi sử dụng, hệ thống chống rơi ngã cá nhân phải kiểm định từng bộ phận bao gồm: dây đỡ cả người, dây treo, móc và dây cứu sinh. Dây cứu sinh phải được cố định vào hai điểm neo, hai điểm neo này phải độc lập với hệ thống treo giàn giáo. Dây cứu sinh và các điểm neo phải chịu được tối thiểu trọng lượng 225 kg. Không được sử dụng các đường ống chịu áp và các loại ống dẫn khí làm điểm neo.

20.6 Các hệ thống phòng rơi của các giàn giáo treo

20.6.1 Giàn giáo treo một điểm và giàn giáo treo hai điểm có thể sử dụng hệ dây treo phụ độc lập thay cho việc sử dụng hệ thống chống rơi ngã cá nhân. Hệ dây treo phụ độc lập là hệ dây treo với một đầu neo vào các kết cấu độc lập đầu còn lại cố định vào kết cấu chính của giàn giáo. Các điểm neo và hệ dây treo phụ phải đủ khả năng chịu được trọng lượng của giàn giáo. Hệ dây treo phụ độc lập phải được cố định vào sàn công tác bằng các các thiết bị treo thông qua phanh phụ của tời (xem 20.2.8).

20.6.1.1 Thiết bị buộc, cách buộc của các hệ treo giàn giáo phải được tính toán và thiết kế bởi kỹ sư có chứng chỉ chuyên môn.

20.6.2 Người làm việc trên giàn giáo có hệ dây treo phụ không cần sử dụng dây cứu sinh và khi đó cho phép móc dây treo trực tiếp vào các kết cấu giàn giáo và dây treo phải đủ ngắn để công nhân không rơi qua lan can bảo vệ biên.

20.6.3 Nếu sử dụng dây dẫn hướng, thì dây dẫn hướng phải cố định vào khung đỡ phanh phụ hoặc các neo an toàn tương đương.

20.6.4 Giàn giáo treo hai điểm có hệ dây treo phụ độc lập phải lắp hệ bảo vệ biên tại cả hai mặt của sàn công tác.

20.6.5 Các giàn giáo có mái che trên, giàn giáo nhiều tầng phải có dây chống xoay và dây treo phụ độc lập như yêu cầu trong 20.2.6, 20.2.7 và 20.2.8. Khi sử dụng các giàn giáo kể trên, tất cả các dây treo chống rơi ngã cá nhân trên các tầng của giàn giáo phải móc vào các kết cấu của giàn giáo hoặc móc vào các dây dẫn hướng nằm ngang. Các dây treo phụ độc lập phải treo từ điểm neo độc lập tới điểm buộc trên giàn giáo treo.

20.7 Các yêu cầu đối tời nâng thủ công

20.7.1 Tời nâng thủ công loại tang cuốn phải được trang bị cơ cấu chặn kiểu con cóc - bánh cóc, cơ cấu này sẽ tự động đóng khi bánh cóc dừng quay theo chiều nâng.

20.7.2 Tời nâng thủ công phải được trang bị phanh phụ tác dụng trực tiếp lên cáp hoặc lên tang cuốn cáp.

20.7.3 Tời nâng loại tang cuốn thủ công phải trang bị thiết bị treo để nối cáp treo vào giàn giáo. Thiết bị kẹp đầu cáp vào tang cuốn cáp phải có tải trọng định mức tối thiểu bằng bốn lần tải trọng của thiết bị nâng.

20.7.4 Cáp nâng của tời tang cuốn thủ công phải có chiều dài sao cho khi giàn giáo ở vị trí thấp nhất vẫn còn tối thiểu bốn vòng cáp trên tang.

20.7.5 Mọi vị trí cần bôi trơn phải được tra dầu, bơm mỡ đầy đủ, để đảm mọi bộ phận chuyển động của tời được bôi trơn đầy đủ và vận hành trơn tru ở mọi thời điểm làm việc.

20.7.6 Tất cả các tời nâng thủ công phải có bảng hiệu với các nội dung sau:

1) Tên nhà sản xuất;

2) Tải trọng định mức lớn nhát;

3) Số hiệu máy;

4) Các đặc tính kỹ thuật của cáp nâng (các thông số có thể ghi trên bảng và treo lên đầu cáp).

20.7.7 Tời nâng thủ công khi xuất xưởng phải đi kèm với hướng dẫn sử dụng với các nội dung cơ bản về vận hành và bảo dưỡng.

20.7.8 Tời nâng thủ công sử dụng cho giàn giáo treo phải được thử nghiệm thiết kế bởi một phòng thí nghiệm độc lập, được cấp phép bởi cơ quan có thẩm quyền.

20.7.9 Tời nâng thủ công phải có thiết bị giới hạn tốc độ khi vận hành ở điều kiện bình thường.

20.7.10 Tời nâng thủ công phải có cần điều khiển để hạ giàn giáo.

20.7.11 Trong quá trình lắp đặt không được lắp hoặc không được kích hoạt cơ cấu hạ nhanh khi có công nhân trên giàn giáo.

20.8 Các yêu cầu đối với cáp treo

20.8.1 Cáp sử dụng trong các giàn giáo treo phải có khả năng chịu tối thiểu 6 lần tải trọng định mức của tời và phải có đường kính không nhỏ hơn đường kính theo yêu cầu khác trong tiêu chuẩn này.

20.8.2 Cáp sử dụng trong các giàn giáo treo vận hành thủ công phải có đường kính không nhỏ hơn 6,5 mm.

20.8.3 Cáp thép sử dụng trong các giàn giáo treo vận hành bằng tời máy phải có đường kính không nhỏ hơn 8 mm.

20.8.4 Cáp thép phải được bôi trơn từ khi chế tao.

20.8.5 Không được sử dụng cáp thép có hai bước cáp trên một chiều dài bằng bảy lần đường kính cáp.

20.8.6 Các đầu tự do của cáp thép phải được buộc sao cho dễ ràng nhìn thấy mọi phần cáp, ngoại trừ phần cáp nằm trong dụng cụ hỗ trợ treo móc.

20.8.7 Dây cáp phải đủ dài để có thể hạ độ cao làm việc tới điểm thấp nhất mà không hết cáp. Đầu tự do của cáp phải cố định chống tở đầu cáp bằng phương pháp hàn hoặc bện.

20.8.8 Không sử dụng cáp thép được sửa chữa do bị khuyết tật.

20.8.9 Cho phép nối cáp của tời thủ công bằng mắt nối và vòng kẹp với điều kiện điểm nối cáp không cuộn vào trong tời.

20.8.10 Cáp treo phải được bảo dưỡng theo hướng dẫn của nhà sản xuất cáp. Cáp có các hư hỏng dưới đây phải loại bỏ:

1) Kết cấu thép hư hỏng giảm chức năng và cường độ.

2) Bị xoắn làm giảm sức kéo hoặc giảm độ mềm dẻo khó cuốn vào tang hoặc puly.

3) Số sợi đứt quan sát được trên một bước cáp lớn hơn hoặc bằng 6 hoặc số sợi đứt quan sát được lớn hơn hoặc bằng 3 trên cùng một tao cáp của 1 bước bện.

4) Có hiện tượng bị mài mòn, ăn mòn, mất bôi trơn, bẹp, hoặc bị dập, với chiều dày phần bị bẹp nhỏ hơn 1/3 đường kính ngoài của cáp.

5) Có dấu hiệu hư hỏng do tiếp xúc với nguồn nhiệt hoặc hư hỏng do tiếp xúc với dòng điện.

6) Cáp bị kẹt trong phanh phụ sau khi phanh phụ kích hoạt do vượt quá tốc độ.

20.8.11 Các mối buộc cáp phải tuân thủ các yêu cầu trong 20.8.10.1 đến 20.8.10.4 dưới đây:

20.8.11.1 Đầu cáp tự do không được cố định bằng ngàm ống côn làm bằng vật liệu babit hoặc kẽm.

20.8.11.2 Các phụ kiện đúc sẵn hoặc khuyên treo, cóc cáp phải phù hợp với cáp thép theo hướng dẫn của nhà sản xuất cáp thép, nhà sản xuất giàn giáo, hoặc theo hướng dẫn của người có chuyên môn.

20.8.11.3 Kẹp cáp phải lắp theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Không dùng kẹp cáp kiểu bu lông chữ “U” tại điểm treo tời nâng giàn giáo. Các đầu kẹp cáp kiểu bu lông chữ “U” phải xiết chặt các ê cu sau lần thử tải thứ nhất và xiết lại định kỳ để đảm bảo kẹp cáp luôn an toàn.

20.8.11.4 Các mối buộc cáp phải có cường độ tối thiểu bằng 80% cường độ cáp thép.

20.9 Giàn giáo treo nhiều điểm (Hình A.25)

20.9.1 Tời nâng hạ của giàn giáo treo nhiều điểm tuân thủ 20.3 hoặc 20.7. Nhà sản xuất hoặc kỹ sư chuyên nghiệp được phép thiết kế giàn giáo treo nhiều điểm. Giàn giáo treo nhiều điểm phải được lắp đặt dưới sự giám sát của người có chuyên môn.

20.9.2 Các cáp treo giàn giáo phải được cố định vào khung đỡ tời, vào các thanh gióng ngang đỡ sàn công tác hoặc vào các bộ phận kết cấu khác tuân thủ các yêu cầu trong 20.2.1.

20.9.3 Cáp thép treo phải tuân thủ 20.8 và treo buộc cáp thép phải tuân thủ 20.2.

20.9.4 Người trên giàn giáo treo nhiều điểm phải sử dụng hệ thống chống rơi ngã cá nhân và hệ thống này phải tuân thủ 20.5. ngoại trừ các trường hợp sau:

1) Giàn giáo có sử dụng hệ dây treo phụ độc lập tuân thủ 20.2.7, 20.2.8 và 20.5, và

2) Tất cả các mặt của sàn công tác được lắp lan can bảo vệ biên.

20.9.5 Nếu một mặt sàn công tác giáp mặt tường thi công không lắp lan can bảo vệ biên thì mọi công nhân trên sàn công tác phải sử dụng hệ thống chống rơi ngã cá nhân. Cho phép dây treo chống rơi móc vào các kết cấu chính của sàn công tác.

20.9.6 Hệ thống lan can bảo vệ biên và tấm chắn chân sàn công tác phải được lắp tuân thủ 4.6. Lưới chắn an toàn phải lắp dựng tuân thủ 4.6.8.

20.9.7 Các sàn công tác chế tạo sẵn có thể ghép lại với nhau để ở rộng theo chiều dọc tạo sàn công tác dài nằm ngang và cho phép di chuyển từ sàn này sang sàn kế tiếp nếu khung đỡ tời là loại công xơn đi xuyên qua và được thiết kế đặc thù cho mục đích đó. Số tời nâng hạ cho mỗi sàn công tác chế tạo sẵn không quá 2. Nếu số tời nâng hạ cho mỗi sàn công tác chế tạo sẵn lớn hơn hoặc bằng 3, khi đó các khớp nối bản lề giữa các sàn công tác chế tạo sẵn phải được thiết kế bởi kỹ sư có chuyên môn về giáo treo để điều chỉnh khớp nối bản lề tránh hiện tượng quá tải cho các kết cấu treo.

20.10 Giàn giáo manson treo nhiều điểm

20.10.1 Tải trọng làm việc tối đa là 75 kg/m2 và không được chất tải vượt quá giá trị này.

20.10.2 Giàn giáo phải được trang bị các loại tời nâng tuân thủ 20.3 hoặc 20.7.

20.10.3 Cáp treo phải tuân thủ 20.8. Cáp thép phải được buộc vào các dầm công xơn phía trên và phải có hệ số an toàn là 6.

20.10.4 Neo và toàn bộ hệ thống neo phải được thiết kế bởi kỹ sư có chứng chỉ chuyên sâu loại giàn giáo này.

20.10.5 Đầu treo dầm công xơn phải có bu lông hoặc khóa giáo chặn.

20.10.6 Tại điềm tỳ của dầm công xơn phải kê gỗ.

20.10.7 Móc treo thép chữ “U” trên dầm công xơn di động để cố định cáp treo phải trên đường thẳng đứng với tời.

20.10.8 Sàn công tác của giàn giáo phải có tải trọng tối thiểu tương đương với sàn lát ván gỗ xẻ dày 50 mm. (xem 5.2, 5.3 và 5.4 để xác định khẩu độ lớn nhất cho phép giữa các thanh gióng ngang đỡ các tấm lát sàn công tác).

20.10.9 Hệ thống lan can bảo vệ biên phải có cấu tạo gồm lan can trên và tấm chắn chân sàn và lưới phòng rơi và phải lắp dọc biên sàn công tác. Lan can trên và tấm chắn chân sàn tuân thủ 4.6. Lưới an toàn phải lắp dựng tuân thủ 4.6.8. Công nhân làm việc trên sàn công tác phải sử dụng các hệ thống chống rơi cá nhân với dây treo được móc vào các kết cấu của giàn giáo.

20.10.10 Nếu có nguy cơ vật rơi khi công nhân làm việc trên giàn giáo thì phải lắp đặt tấm chắn bảo vệ phía trên, tấm chắn này phải có chiều cao không quá 2,75 m so với mặt sàn công tác và phải được ghép kín từ các tấm lát có chiều dày từ 50 mm nếu là gỗ xẻ, 18 mm nếu là gỗ dán, hoặc bằng vật liệu có cường độ tương đương.

20.10.11 Giàn giáo phải được lắp đặt hoặc di chuyển vị trí theo đúng thiết kế đã được kiểm định và hướng dẫn sử dụng dưới sự giám sát của người có chuyên môn.

20.11 Giàn giáo manson treo nhiều điểm tải trọng nhẹ

20.11.1 Tải trọng làm việc tối thiểu là 37,5 kg/m2 và không được chất tải vượt quá giá trị này.

20.11.2 Giàn giáo phải được trang bị các loại tời nâng tuân thủ 20.3 hoặc 20.7.

20.11.3 Cáp thép treo phải tuân thủ 20.8. Cáp thép phải được buộc vào các dầm công xơn phía trên và phải có hệ số an toàn là 6.

20.11.4 Neo và toàn bộ hệ thống neo phải được thiết kế bởi kỹ sư có chứng chỉ về đúng loại giàn giáo này.

20.11.5 Đầu treo dầm công xơn phải có bu lông hoặc khóa giáo chặn.

20.11.6 Tại điểm tỳ của dầm công xơn phải kê gỗ.

20.11.7 Móc treo hoặc chạc chữ “U” bằng thép nối trên dùng để buộc cáp treo giàn giáo vào dầm công xơn di động, phải được bố trí trực tiếp phía trên các tời nâng.

20.11.8 Sàn công tác của giàn giáo phải có tải trọng tối thiểu tương đương với sàn lát ván gỗ xẻ dày 50 mm. (xem 5.2, 5.3 và 5.4 để xác định khẩu độ lớn nhất cho phép giữa các thanh gióng ngang đỡ các tấm lát sàn công tác).

20.11.9 Hệ thống lan can bảo vệ biên phải có cấu tạo gồm lan can trên và tấm chắn chân sàn và lưới phòng rơi và phải lắp dọc biên sàn công tác. Lan can trên và tấm chắn chân sàn tuân thủ 4.6. Lưới an toàn phải lắp tuân thủ 4.6.8. Công nhân làm việc trên sàn công tác phải sử dụng các hệ thống chống rơi cá nhân với dây treo được móc vào các kết cấu của giàn giáo.

20.11.10 Nếu có nguy cơ vật rơi khi công nhân làm việc trên giàn giáo thì phải lắp đặt tấm chắn bảo vệ phía trên, tấm chắn này phải có chiều cao không quá 2,75 m so với mặt sàn công tác và phải được ghép kín từ các tấm lát có chiều dày từ 50 mm nếu là gỗ xẻ, 18 mm nếu là gỗ dán, hoặc bằng vật liệu có cường độ tương đương.

20.11.11 Giàn giáo phải được lắp dựng hoặc di chuyển vị trí theo đúng thiết kế đã được thẩm định và hướng dẫn sử dụng dưới sự giám sát của người có chuyên môn.

20.11.12 Giàn giáo có sàn công tác rộng hơn 900 mm phải sử dụng cơ cấu ổn định chống lắc ngang.

20.12 Các yêu cầu đối với giàn giáo treo hai điểm (giàn giáo treo tự do)

20.12.1 Chiều rộng sàn công tác của giàn giáo treo hai điểm phải lớn hơn hoặc bằng 0,45 m và phải nhỏ hơn hoặc bằng 0,9 m và phải tuân thủ 5.4.2. Sàn công tác phải được cố định vào giá treo hoặc giá đỡ tời. Giá treo hoặc giá đỡ tời và cáp treo phải phải tuân thủ 20.2 và 20.8. Trong trường hợp cá biệt do không gian chật hẹp, có thể sử dụng các sàn công tác hẹp nhỏ hơn hoặc bằng 0,3 m. Sàn công tác nhỏ hẹp phải tuân thủ 20.1.5 và việc lắp đặt phải tiến hành dưới sự giám sát của người có chuyên môn.

20.12.2 Tời nâng hạ giàn giáo treo hai điểm phải thử nghiệm thiết kế tuân thủ 20.3 hoặc 20.7.

20.12.3 Hệ thống lan can bảo vệ biên và tấm chắn chân sàn công tác tuân thủ 4.6 và lưới chắn phòng rơi tuân thủ 4.6.8. Giá đỡ tời được coi là lan can bảo bệ biên cho mặt cuối nếu có vị trí cách cạnh cuối của sàn công tác không quá 0,45 m. Mặt cuối của sàn công tác phải lắp lan can bảo vệ biên nếu giá đỡ tời là loại công xơn cho phép đi qua.

20.12.4 Người làm việc trên giàn giáo treo hai điểm phải sử dụng thiết bị chống rơi cá nhân tuân thủ 20.5.

20.12.5 Giàn giáo treo hai điểm phải treo bằng các loại cáp thép, chão sợi quang, hoặc thừng sợi tổng hợp. Cáp thép phải tuân thủ 20.8. Cáp treo phải có hệ số an toàn tối thiểu là 6.

20.12.6 Puly dùng cho dây chão sợi quang, hoặc dây thừng sợi tổng hợp phải là loại tiêu chuẩn có kích thước 155 mm và phải có tối thiểu 1 cụm đôi và 1 cụm đơn. Puly va cụm puly phải phù hợp với đường kính chão sợi tổng hợp. Cụm puly phải được trang bị móc an toàn hoặc được kẹp chặt.

20.12.7.1 Hiện tượng xoay của giàn giáo phải được giảm thiểu bằng một trong các giải pháp sau hoặc giải pháp khác tương đương:

1) Cáp treo tạo góc với mặt công trình, sao cho khi giàn giáo nâng lên sẽ tác dụng lên mặt công trình một lực tối thiểu theo phương ngang là 45 N;

2) Neo liên tục vào công trình;

3) Neo gián đoạn với khoảng cách không vượt quá 3 tầng 1 neo hoặc 15 m một neo, tùy thuộc giá trị nào nhỏ hơn;

4) Buộc chặt vào vị trí làm việc.

20.12.7.2 Không neo chống xoay vào cửa sổ hoặc nan hoa cửa sổ. Có thể thiết kế chống xoay bằng cách neo buộc bằng hai dây vào nền đất hoặc sàn dưới. Hệ thống kiểm soát xoay phải được thiết kế và lắp đặt bởi người có chuyên môn với các lưu ý đặc biệt khi tăng chiều cao sàn công tác.

20.12.8 Giàn giáo treo hai điểm có tấm chắn bảo vệ trên, phải lắp đặt các hệ dây treo phụ độc lập. Hệ dây treo phụ độc lập phải tuân thủ 20.2.7 và 20.2.8.

20.12.9 Cho phép các sàn công tác treo hai điểm với cùng độ cao làm việc cạnh nhau nhưng không làm làm cầu nối giữa hai sàn, bất luận các sàn làm việc cùng độ cao và ngay sát cạnh nhau.

20.13 Các yêu cầu đối với giàn giáo mô đun chế tạo sẵn treo hai điểm

20.13.1 Giàn giáo treo hai điểm, ghép từ các mô đun chế tạo sẵn phải tuân thủ 20.12.1 và 20.12.3.

20.13.2 Dụng cụ, khung đỡ tời, khớp nối và các phụ kiện khác phải tuân thủ 20.2, 20.12.2 và 20.12.3. Khung đỡ tời công xơn cho phép đi bên dưới phải có hệ thống lan can bào vệ biên 2 mặt cuối.

20.13.3 Mô đun sàn công tác và mô đun sàn công tác lắp ghép phải được thử nghiệm thiết kế. Thử nghiệm thiết kế phải được tiến hành bởi một phòng thí nghiệm độc lập có chức năng và được cơ quan có thẩm quyền cáp phép.

20.13.4 Mô đun sàn công tác và mô đun sàn công tác lắp ghép phải được thiết kế với hệ số an toàn ổn định bằng hai lần tải trọng định mức.

20.13.5 Giàn giáo ghép từ các mô đun tạo thành sàn có hình dạng đặc biệt như ôm góc, dạng zic zắc hoặc có nhiều tời nâng, phải được thiết kế bởi nhà sản xuất hoặc bởi kỹ sư chuyên nghiệp có chứng chỉ hành nghề và phải được lắp đặt dưới sự giám sát của người có chuyên môn.

20.13.6 Mô đun sàn công tác hoặc một đơn vị sàn công tác phải có bảng hướng dẫn các phương án tổ hợp và tải trọng định mức của các tổ hợp đó.

20.13.6 Mọi cá nhân khi làm việc trên giàn giáo treo ghép từ các mô đun phải sử dụng thiết bị chống rơi ngã cá nhân tuân thủ 20.5.

20.14 Các yêu cầu đối với giàn giáo treo nhiều tầng

20.14.1 Giàn giáo treo nhiều tầng phải được thiết kế bởi kỹ sư chuyên nghiệp có chứng chỉ hành nghề.

20.14.2 Các tời máy sử dụng trên giàn giáo treo nhiều tầng phải tuân thủ 20.3 hoặc 20.7.

20.14.3 Tất cả các kết cấu chịu lực phải cố định trực tiếp vào nhau và cố định vào đỉnh khung đỡ tời và không treo vào sàn công tác trên cùng.

20.14.4 Các sàn công tác đơn vị phải tuân thủ điều 5.

20.14.5 Cáp treo phải là cáp thép và phải tuân thủ 20.8.

20.14.6 Hệ thống lan can bảo vệ biên và tấm chắn chân sàn công tác tuân thủ 4.6. Lưới chắn phòng rơi tuân thủ 4.6.8.

20.14.7 Giàn giáo treo nhiều tầng phải có hệ dây treo phụ độc lập. Hệ dây treo phụ độc lập phải tuân thủ 20.2.7 và 20.2.8.

20.14.8 Hệ thống chống rơi khi làm việc trên giàn giáo treo nhiều tầng phải tuân thủ 4.37, 20.5 và 20.6.

20.14.9 Các công nhân khi di chuyển từ tầng trên xuống tầng dưới hoặc ngược lại phải sử dụng hệ thống chống rơi cá nhân.

20.15 Các yêu cầu đối với giàn giáo treo nhiều điểm, nâng hạ bằng tời tay

20.15.1 Giàn giáo phải có tải trọng làm việc 37,5 kg/m2 và không được chất tải vượt quá giá trị này.

20.15.2 Giàn giáo phải được trang bị tời thủ công tuân thủ 20.7, ngoại trừ trường hợp tời nâng hạ kép có hai cáp trong đó cáp trong sát bề mặt công trình, cáp ngoài nằm cạnh ngoài sàn công tác đối diện cáp trong. Tang cuốn cáp của tời nâng kép phải cuốn đều hai cáp sao cho mặt sàn luôn nằm ngang.

20.15.3 Cáp treo phải tuân thủ 20.8.

20.15.4 Neo và hệ thống buộc cáp phải được thiết kế bởi kỹ sư chuyên nghiệp. Kỹ sư thiết kế neo và hệ thống buộc phải có hiểu biết về loại giàn giáo này.

20.15.5 Đầu dầm công xơn phải cố định ngăn móc treo trượt ra khỏi đầu dầm công xơn.

20.15.6 Dầm công xơn phải được kê bằng tám lót bằng gỗ.

20.15.7 Móc cáp hoặc điểm cố định cáp trên dầm công xơn di động phải nằm thẳng đứng với tời nâng.

20.15.8 Sàn công tác của giàn giáo phải có cường độ tối thiểu tương đương với tấm lát sàn loại dày 50 mm. (xem 5.2, 5.3 và 5.4 để xác định khẩu độ lớn nhất cho phép giữa các thanh gióng ngang đỡ các tấm lát sàn công tác). Có thể sử dụng sàn công tác chế tạo sẵn nhưng số tời cho một sàn công tác phải nhỏ hơn hoặc bằng hai. Phải dùng khớp bản lề để ghép các sàn công tác liền kề để tạo thành sàn công tác kéo dài.

20.15.9 Hệ thống lan can bảo vệ biên phải có cấu tạo gồm lan can trên, tấm chắn chân sàn và lưới chắn phòng rơi. Lan can trên và tấm chắn chân sàn công tác tuân thủ 4.6. Lưới chắn phòng rơi tuân thủ 4.6.8. Công nhân làm việc trên sàn công tác không phải sử dụng thiết bị chống rơi cá nhân.

20.15.10 Nếu có nguy cơ vật rơi thì phải lắp mái chắn phòng vật rơi phía trên. Mái chắn phòng vật rơi phải có chiều cao không quá 2,75 m so với mặt sàn công tác và phải được ghép kín bằng ván lát gỗ xẻ có chiều dày 50 mm hoặc lát gỗ dán có chiều dày 18 mm, hoặc bằng vật liệu có cường độ tương đương.

20.15.11 Giàn giáo phải lắp hoặc di chuyển vị trí theo đúng thiết kế đã được thẩm định và theo hướng dẫn sử dụng dưới sự giám sát của người có chuyên môn.

20.16 Giàn giáo treo nhiều điểm, nâng hạ bằng tời tay hoặc tời máy

20.16.1 Giàn giáo phải có tải trọng làm việc 37,5 kg/m2 và không được chất tải vượt quá giá trị này. Không được xếp gạch, đá và các vật liệu khác lên sàn công tác.

20.16.2 Tời (dẫn động thủ công hoặc dẫn động máy) và các thiết bị treo tời phải được thử nghiệm thiết kế và phải tuân thủ 20.3 hoặc 20.7.

20.16.3 Giàn giáo phải được treo vào dầm thép công xơn, các kết cấu công xơn, móc treo hoặc dây treo buộc bằng thép. Dầm thép công xơn, các kết cấu công xơn, móc treo hoặc dây treo buộc bằng thép phải có đủ khả năng treo an toàn tải trọng lớn nhất.

20.16.4 Cáp thép treo phải tuân thủ 20.8.

20.16.5 Hệ thống lan can bảo vệ biên phải có cấu tạo gồm lan can trên, tấm chắn chân sàn và lưới chắn phòng rơi. Lan can trên và tấm chắn chân sàn công tác tuân thủ 4.6. Lưới chắn phòng rơi tuân thủ 4.6.8.

20.16.6 Giàn giáo phải lắp dựng hoặc di chuyển vị trí theo đúng thiết kế đã được kiểm định và theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất dưới sự giám sát của người có chuyên môn.

20.16.7 Nếu có yêu cầu gia cường để tăng chiều cao vị trí làm việc thì phương án treo, các thông số kỹ thuật của cáp treo và kết cấu của giàn giáo phải được thiết kế bởi kỹ sư có chứng chỉ và hiểu biết chuyên sâu về dạng thiết kế này.

20.17 Lồng treo một điểm nâng hạ bằng tời máy

20.17.1 Lồng treo và tời nâng hạ phải được thử nghiệm thiết kế. Tời nâng hạ phải đáp ứng các yêu cầu trong 20.3 hoặc 20.7.

20.17.2 Người làm việc trên lồng treo phải sử dụng thiết bị chống rơi cá nhân tuân thủ 20.5.

20.17.3 Hai lồng treo một điểm có thể ghép với nhau để tạo thành giàn giáo treo hai điểm. Khi đó giàn giáo treo hai điểm sau khi ghép phải tuân thủ 20.12.

20.17.4 Cáp treo và phương án treo phải tuân thủ 20.8.

20.18 Ghế treo đơn nâng hạ bằng tời tay

20.18.1 Ghế ngồi bằng gỗ phải được gia cường chắc chắn bằng các thanh nẹp ở phía dưới để đề phòng các tấm gỗ nứt và rơi.

20.18.2 Dây treo bằng chão sợi quang hoặc chão sợi tỗng hợp phải có đường kính tối thiểu 16 mm, chập đôi, buộc tạo thành đường chéo góc chữ thập phía dưới ghế ngồi và luồn qua 4 lỗ tại 4 góc ghế ngồi.

20.18.3 Ghế treo dùng để hàn hồ quang điện hoặc hàn hơi phải dùng dây treo và dây cứu sinh bằng cáp thép đường kính tối thiểu là 10 mm (xem 20.2.9).

20.18.4 Người làm việc trên ghế treo phải sử dụng thiết bị chống rơi cá nhân tuân thủ 20.5, ngoại trừ trường hợp không có yêu cầu sử dụng dây treo chống rơi cá nhân.

20.18.5 Pa-lăng cáp dùng cho ghế treo phải tuân thủ các yêu cầu sau:

(a) Sử dụng vòng bi hoặc ổ bạc kích thước phù hợp cho các cụm puly;

(b) Các cụm puly phải có cơ cấu kẹp an toàn;

(c) Dây treo phải có nút nối ờ đầu và được bện chắc chắn;

(d) Dây treo phải là chão sợi tổng hợp đường kính 16 mm; hoặc chão sợi bện với các đặc tính về cường độ và độ bền tương đương.

20.18.6 Móc treo, kết cấu thép treo hoặc kết cấu công trình phía trên để treo pa-lăng cáp phải được neo buộc chắc chắn. Các neo sau phải lắp vuông góc với bề mặt công trình và phải neo chắc chắn vào các kết cấu chính có đủ khả năng chịu tải.

20.18.7 Mặt ghế phải được thiết kế với các thông số về kích thước và vật liệu theo yêu cầu trong 20.18.1. Mặt ghế phải được thiết kế để chịu tải trọng 115 kg và chỉ chấp nhận sau khi thử nghiệm thiết kế.

20.18.8 Tời nâng hạ sử dụng cho ghế treo điều khiển thủ công phải tuân thủ 20.7.

20.19 Các yêu cầu đối với ghế treo đứng dẫn động điện

20.19.1 Ghế đứng treo đơn chạy điện với tời điện phải do nhà sản xuất tời điện lắp hoặc sau khi lắp phải thử nghiệm thiết kế để đảm bảo rằng cả hai thiết bị này tương thích với nhau và đủ khả năng mang được tải động là 115 kg.

20.19.2 Các tời điện sử dụng cho ghế đứng treo đơn phải được thử nghiệm thiết kế và phải tuân thủ 20.3.

20.19.3 Các thiết bị treo và cáp thép sử dụng cho ghế treo chạy điện phải tuân thủ 20.2 và 20.8.

20.19.4 Công nhân làm việc trên đứng treo đơn chạy điện phải sử dụng thiết bị chống rơi cá nhân như được xác định trong 20.5. Có thể sử dụng dây treo phụ độc lập thay cho dây cứu nạn nếu dây treo phụ độc lập tuân thủ 20.2.8. Trong trường hợp này, dây đỡ cả người phải móc vào ghế treo.

20.20 Công tác kiểm định giàn giáo treo

20.20.1 Các giàn giáo treo sau khi lắp đặt lần đầu, trước khi đưa vào sử dụng, phải được tiến hành kiểm định lần đầu ngay tại công trường nơi giàn giáo sẽ làm việc. Việc kiểm định phải được thực hiện bởi kiểm định viên có chứng chỉ kiểm định về loại giàn giáo treo đó. Kiểm định để xác định rằng tất cả các cáp treo, chão sợi quang, giá treo, sàn công tác, tời, các thiết bị treo buộc, các điểm móc của hệ thống chống rơi cá nhân và các khóa móc của chúng theo các yêu cầu áp dụng của tiêu chuẩn này. Tời nâng hạ phải được kiểm định trước mỗi lần lắp đặt và mỗi lần treo lại và phải chạy thử sau mỗi lần lắp đặt và mỗi lần treo lại theo trình tự cho phép của người có chuyên môn.

20.20.2 Cáp thép, chão sợi quang, dây chão, giá treo, sàn công tác, tời, các thiết bị treo buôc, các điểm móc treo hệ thống phòng rơi cá nhân và các khóa móc của chúng phải được kiểm định bởi người có thẩm quyền trước mỗi lần lắp đặt. Tối thiểu mỗi ngày một lần, người có thẩm quyền phải kiểm tra toàn bộ hệ thống giáo treo. Bất cứ chi tiết nào của giáo treo có dấu hiệu của xuống cấp hoặc hư hỏng, phải loại bỏ ngay. Chão treo giàn giáo có dấu hiệu của xuống cấp hoặc hư hỏng, phải loại bỏ ngay. Công nhân vận hành giàn giáo treo treo phải theo dõi toàn bộ hệ thống trong suốt quá trình sử dụng và phải báo cáo mọi mối nguy hiểm cho người có thẩm quyền.

20.20.3 Phanh chính và phanh phụ phải kiểm định như sau:

20.20.3.1 Kiểm định và thử nghiệm các phanh chính và phanh phụ phải theo theo hướng dẫn của nhà sản xuất, nhưng thời hạn kiểm định định kỳ không quá một năm.

20.20.3.2 Kiểm định và thử nghiệm phải bao gồm việc xác nhận rằng thiết bị được thử đối với phanh phụ và phanh phụ hoạt động đạt yêu cầu.

20.20.3.3 Nếu không thể thực hiện đầy đủ các thử nghiệm trên công trường thì phải tháo rời toàn bộ tời nâng hạ đưa về các cơ sở có đủ các trang thiết bị để tiến hành các thử nghiệm theo yêu cầu. Trong thời gian giáo treo đã tháo rời để đi thử nghiệm thì toàn bộ giáo treo phải tạm thời dừng hoạt động cho tới khi thử nghiệm xong và lắp vào đầy đủ.

20.20.3.4 Khi tời nâng hoặc thiết bị dẫn động phanh phụ được tháo rời khỏi giàn giáo để đi thử nghiệm tại nơi khác thì tất cả các bộ phận trực tiếp hay gián tiếp có liên quan đến việc lắp lại phải kiểm tra lại trước khi đưa giàn giáo vào làm việc.

20.21 Bảo dưỡng giàn giáo treo

20.21.1 Tất cả các bộ phận của các thiết bị có ảnh hưởng tới an toàn phải bảo dưỡng đúng quy trình sao cho chúng làm việc theo đúng chức năng thiết kế. Giàn giáo treo phải được bảo quản và bảo dưỡng theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất, phải ghi chép và lưu giữ đầy đủ các thông tin bảo dưỡng vào sổ nhật ký sử dụng máy.

20.21.2 Tất cả các bộ phận hư hỏng hoặc mòn bao gồm cả hai loại cơ khí và điện mà chúng có ảnh hưởng tới an toàn phải thay ngay lập tức. Tất cả các dây dẫn, ổ cắm, đầu nối điện phải được kẹp giữ chắc chắn.

20.21.3 Các bộ phận của hệ thống điện và cáp di chuyển, nếu có hư hỏng hoặc bị mòn đáng kể thì phải loại bỏ.

20.21.4 Sửa chữa lớn giàn giáo treo phải được thực hiện bởi người có chuyên môn và tuân thủ hướng dẫn của nhà sản xuất.

20.21.5 Các bộ phận mà chức năng làm việc của nó bị ảnh hưởng nếu bị nhiễm bẩn hoặc phủ bụi, thì phải giữ các bộ phận này luôn sạch sẽ và không bị nhiễm bẩn.

20.21.6 Tất cả các bộ phận tời nâng, cáp thép và các thiết bị đi kèm phải được tra dầu bôi trơn như hướng dẫn của nhà sản xuất.

20.21.7 Đầu tự do của cáp treo phải bện hoặc kẹp lại để tránh các hiện tượng tở cáp hoặc bẹp cáp. Khi bện hoặc khóa kẹp đầu cáp treo tự do, phần đầu cáp bị hỏng hoặc phần bị mỏi, giảm sức chịu tải phải cắt bỏ.

20.21.8 Không ngắt hoạt động của các thiết bị an toàn hoặc các thiết bị bảo vệ điện trong suốt quá trình vận hành giàn giáo treo, ngoại trừ khi cần thiết khi thử nghiệm, kiểm định và bảo dưỡng. Ngay sau khi hoàn thành các thử nghiệm, kiểm định và bảo dưỡng phải đưa tất cả các thiết bị tạm ngắt đo về điều kiện vận hành bình thường.

20.21.9 Thiết bị chống rơi ngã cá nhân phải được bảo dưỡng theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất. Các dây bảo hộ chống rơi ngã phải được thử nghiệm kiểm tra để xác định khả năng chịu tải hoặc thay thế định kỳ. Không được thay thế bất kỳ bộ phận nào của thiết bị chống rơi ngã, nếu không có sự đồng ý của nhà sản xuất.

Last updated