III. Quy định quản lý

QCVN 01: 2020/BCT

III.I. Đơn vị quản lý vận hành

29. Quyền hạn, trách nhiệm của đơn vị quản lý vận hành

29.1. Quản lý và vận hành an toàn công trình điện lực theo quy định.

29.2. Cho phép đơn vị công tác vào làm việc.

29.3. Kiểm tra, giám sát phát hiện các hiện tượng mất an toàn để kịp thời xử lý.

29.4. Được phép dừng công việc của đơn vị công tác nếu có nguy cơ gây mất an toàn.

III.II. Đơn vị công tác

30. Tổ chức đơn vị công tác

30.1. Một đơn vị công tác phải có tối thiểu hai người, trong đó phải có một Người chỉ huy trực tiếp chịu trách nhiệm chung, trừ công việc quy định tại khoản 30.3.

30.2. Người của đơn vị công tác có thể thuộc nhiều tổ chức khác nhau nhưng phải có một tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm chính và có thỏa thuận giữa các bên.

30.3. Những công việc đơn giản và không phải chuẩn bị biện pháp an toàn thì được phép thực hiện một người.

31. Cử Người chỉ huy trực tiếp và nhân viên đơn vị công tác

Tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm cử Người chỉ huy trực tiếp và nhân viên đơn vị công tác phù hợp với công việc, có trình độ và khả năng thực hiện công việc an toàn.

32. Cử Người giám sát an toàn điện

32.1. Đơn vị quản lý vận hành chịu trách nhiệm cử Người giám sát an toàn điện khi đơn vị công tác không có chuyên môn về điện, không đủ trình độ về an toàn điện.

32.2. Đơn vị công tác chịu trách nhiệm cử Người giám sát an toàn điện đối với công việc đặc biệt nguy hiểm về điện (công việc sửa chữa điện nóng).

32.3. Các trường hợp khác, đơn vị công tác thỏa thuận với đơn vị quản lý vận hành cử Người giám sát an toàn điện.

33. Cử Người lãnh đạo công việc

Khi công việc do nhiều đơn vị công tác của cùng một tổ chức thực hiện thì phải cử Người lãnh đạo công việc.

III.III. Khảo sát hiện trường công tác

34. Những công việc phải khảo sát hiện trường công tác

34.1. Việc khảo sát hiện trường công tác được áp dụng đối với những công việc bao gồm nhưng không giới hạn đủ hai yếu tố sau:

34.1.1. Được thực hiện theo kế hoạch.

34.1.2. Hiện trường công tác có yếu tố nguy hiểm, có thể gây tai nạn cho người tham gia thực hiện công việc hoặc cho cộng đồng.

34.2. Đối với công việc không nêu tại khoản 34.1 đơn vị quản lý vận hành/đơn vị công tác quyết định việc khảo sát hiện trường.

35. Trách nhiệm, nội dung, kết quả khảo sát hiện trường công tác

Đơn vị công tác có trách nhiệm chủ trì và phối hợp với đơn vị quản lý vận hành thực hiện.

III.IV. Lập biện pháp an toàn điện trong phương án thi công

36. Những công việc phải lập biện pháp an toàn điện trong phương án thi công

Những công việc phải khảo sát hiện trường công tác theo quy định tại Điều 34 Quy chuẩn này.

37. Trách nhiệm lập biện pháp an toàn điện trong phương án thi công

Đơn vị công tác có trách nhiệm chủ trì và phối hợp với đơn vị quản lý vận hành thực hiện việc lập biện pháp an toàn điện trong phương án thi công.

38. Nội dung chính của biện pháp an toàn điện trong phương án thi công

Các nội dung chính của biện pháp an toàn điện trong phương án thi công bao gồm (nhưng không hạn chế) các nội dung sau:

38.1. Tên công việc.

38.2. Phạm vi được phép làm việc.

38.3. Các yếu tố nguy hiểm tại hiện trường công tác, biện pháp phòng tránh và bảo đảm an toàn cho người tham gia thực hiện công việc và cho cộng đồng tại nơi làm việc; trường hợp công việc thực hiện nhiều ngày thì các bên liên quan thống nhất thỏa thuận.

38.4. Bố trí nguồn nhân lực thực hiện.

38.5. Trách nhiệm của đơn vị quản lý vận hành, đơn vị công tác để thực hiện công việc đúng tiến độ, bảo đảm an toàn.

39. Phê duyệt và sửa đổi, bổ sung biện pháp an toàn điện trong phương án thi công

39.1. Biện pháp an toàn điện trong phương án thi công phải được đơn vị quản lý vận hành phê duyệt trước khi thi công.

39.2. Sửa đổi, bổ sung biện pháp an toàn điện trong phương án thi công (nhưng không thay đổi nội dung chính) phải được hai bên thỏa thuận, thông báo đến các đơn vị liên quan.

III.V. Đăng ký công tác

40. Kế hoạch, đăng ký công tác

40.1. Đơn vị công tác phải phối hợp với các đơn vị liên quan (đơn vị quản lý vận hành, đơn vị công tác khác) lập kế hoạch công tác phù hợp với nội dung và trình tự công việc.

40.2. Đơn vị công tác phải đăng ký kế hoạch công tác với đơn vị quản lý vận hành theo quy định.

40.3. Đơn vị quản lý vận hành đăng ký cắt điện theo quy định và thông báo cho đơn vị công tác.

41. Hủy hoặc điều chỉnh thời gian thực hiện công việc do thời tiết

41.1. Trường hợp mưa to, gió mạnh, sấm chớp, sét hoặc sương mù dày đặc, các công việc tiến hành với các thiết bị ngoài trời có thể hủy hoặc điều chỉnh thời gian thực hiện công việc tùy thuộc vào tình hình cụ thể.

41.2. Trường hợp trời mưa hoặc sương mù nước chảy thành dòng, cấm thực hiện công việc ngoài trời.

III.VI. Phiếu công tác, Lệnh công tác

42. Phiếu công tác

42.1. Là phiếu cho phép làm việc với thiết bị điện, đường dây điện.

42.2. Khi làm việc theo phiếu công tác, mỗi đơn vị công tác phải được cấp một phiếu công tác cho một công việc.

42.3. Phiếu công tác viết ra giấy hoặc qua các phần mềm điện tử.

43. Lệnh công tác

Lệnh công tác là lệnh viết ra giấy hoặc qua các phần mềm điện tử hoặc bằng lời nói để thực hiện công việc ở thiết bị điện, đường dây điện. Trước khi thực hiện công việc, lệnh công tác phải được xác nhận giữa các bên và được lưu lại nội dung lệnh.

44. Một số quy định khác đối với phiếu công tác, lệnh công tác

44.1. Phiếu công tác, lệnh công tác có hiệu lực từ thời điểm Người chỉ huy trực tiếp nhận và thống nhất nội dung phiếu công tác, lệnh công tác với Người cho phép đến thời điểm Người chỉ huy trực tiếp ký kết thúc công tác; phiếu công tác, lệnh công tác phải được lưu ít nhất 15 ngày, kể từ ngày kết thúc công tác.

44.2. Trường hợp xảy ra tai nạn thì phiếu công tác, lệnh công tác phải được lưu cùng hồ sơ vụ việc.

44.3. Khi công tác trên một đường dây dẫn điện hoặc một thiết bị điện đã được cắt điện liên tục để làm việc nhiều ngày, cho phép cấp một phiếu công tác để làm việc nhiều ngày và trước mỗi ngày làm việc, đơn vị công tác phải thực hiện thủ tục cho phép đơn vị công tác vào làm việc.

45. Công việc thực hiện theo phiếu công tác, lệnh công tác

45.1. Theo phiếu công tác khi phải thực hiện các biện pháp kỹ thuật an toàn chuẩn bị chỗ làm việc:

45.1.1. Làm việc không có điện.

45.1.2. Làm việc ở gần phần có điện.

45.1.3. Làm việc có điện.

45.2. Theo lệnh công tác:

45.2.1. Không cần phải thực hiện các biện pháp kỹ thuật an toàn chuẩn bị chỗ làm việc.

45.2.2. Làm việc ở xa nơi có điện.

45.2.3. Các công việc để xử lý sự cố dưới sự giám sát của nhân viên vận hành trong ca trực.

45.2.4. Các công việc với điện hạ áp do lãnh đạo đơn vị quyết định.

46. Nội dung của phiếu công tác

Phiếu công tác bao gồm nhưng không giới hạn các thông tin chính sau đây:

46.1. Số phiếu công tác.

46.2. Họ và tên của Người cấp phiếu công tác.

46.3. Họ và tên Người lãnh đạo công việc (nếu có).

46.4. Họ và tên Người giám sát an toàn điện (nếu có).

46.5. Họ và tên Người cho phép.

46.6. Họ và tên Người chỉ huy trực tiếp.

46.7. Danh sách nhân viên đơn vị công tác.

46.8. Nội dung công việc.

46.9. Địa điểm làm việc.

46.10. Thời gian làm việc (giờ, ngày, tháng và năm).

46.11. Điều kiện tiến hành công việc (cắt điện hay không, làm việc ở gần nơi có điện).

46.12. Phạm vi làm việc.

46.13. Biện pháp an toàn được thực hiện tại nơi làm việc.

46.14. Chỉ dẫn hoặc cảnh báo của Người cho phép đối với đơn vị công tác.

46.15. Các hạng mục cần thiết khác (nếu có).

46.16. Kết thúc công tác và giao trả hiện trường.

46.17. Khóa phiếu công tác.

Mẫu phiếu công tác tại Phụ lục A.

47. Nội dung chính lệnh công tác

47.1. Số lệnh công tác.

47.2. Họ và tên Người ra lệnh công tác.

47.3. Họ và tên Người chỉ huy trực tiếp (người thi hành lệnh).

47.4. Danh sách nhân viên đơn vị công tác.

47.5. Nội dung công việc.

47.6. Địa điểm làm việc.

47.7. Thời gian làm việc (giờ, ngày, tháng và năm).

47.8. Điều kiện tiến hành công việc.

47.9. Kết thúc công tác

Mẫu lệnh công tác tại Phụ lục B.

48. Trách nhiệm của Người cấp phiếu công tác/lệnh công tác

48.1. Ghi các đầy đủ các nội dung theo mẫu quy định và ký cấp phiếu công tác/lệnh công tác.

48.2. Giao phiếu, chỉ dẫn những yêu cầu cụ thể và những yếu tố nguy hiểm để thực hiện công việc.

48.3. Kiểm tra và ký hoàn thành phiếu công tác/ lệnh công tác sau khi nhận lại.

49. Trách nhiệm của Người lãnh đạo công việc

Người lãnh đạo công việc chịu trách nhiệm phối hợp hoạt động của các đơn vị công tác trong quá trình thực hiện công việc.

50. Trách nhiệm của Người cho phép

50.1. Người cho phép chịu trách nhiệm kiểm tra việc thực hiện đầy đủ các biện pháp kỹ thuật an toàn điện thuộc trách nhiệm của mình để chuẩn bị chỗ làm việc cho đơn vị công tác.

50.2. Chỉ dẫn cho đơn vị công tác các thiết bị đã được cắt điện, những phần thiết bị còn điện và các biện pháp đặc biệt chú ý.

50.3. Ký cho phép vào làm việc và bàn giao nơi làm việc cho đơn vị công tác.

51. Trách nhiệm của Người giám sát an toàn điện

51.1. Cùng Người chỉ huy trực tiếp tiếp nhận nơi làm việc.

51.2. Phải luôn có mặt tại nơi làm việc để giám sát an toàn về điện cho nhân viên đơn vị công tác và không được làm thêm nhiệm vụ khác.

52. Trách nhiệm của Người chỉ huy trực tiếp

52.1. Trách nhiệm phối hợp

Hợp tác chặt chẽ với các tổ chức liên quan và chỉ huy, kiểm tra đơn vị công tác để đảm bảo công tác an toàn và gìn giữ an toàn cho cộng đồng.

52.2. Người chỉ huy trực tiếp phải hiểu rõ nội dung công việc được giao, các biện pháp an toàn phù hợp với công việc và có trách nhiệm kiểm tra:

52.2.1. Kiểm tra sơ bộ sức khỏe nhân viên đơn vị công tác, phương tiện sơ cứu thiết yếu.

52.2.2. Kiểm tra lại và thực hiện đầy đủ các biện pháp an toàn cần thiết.

52.2.3. Việc chấp hành các quy định về an toàn của nhân viên đơn vị công tác.

52.2.4. Chất lượng của các dụng cụ, trang bị an toàn sử dụng trong khi làm việc.

52.2.5. Trực tiếp hoặc phân công nhân viên đơn vị công tác đặt, di chuyển, tháo dỡ các biển báo an toàn điện, rào chắn, nối đất di động trong khi làm việc và phổ biến cho tất cả nhân viên đơn vị công tác biết.

52.3. Trách nhiệm phân công làm việc

Chỉ được phân công nhân viên đơn vị công tác vào làm việc sau khi đã nhận được sự cho phép của Người cho phép và đã kiểm tra, thực hiện các biện pháp an toàn cần thiết.

52.4. Trách nhiệm giải thích

Trước khi cho đơn vị công tác vào làm việc Người chỉ huy trực tiếp phải giải thích cho nhân viên đơn vị công tác về nội dung, trình tự để thực hiện công việc và các biện pháp an toàn.

52.5. Trách nhiệm giám sát

Người chỉ huy trực tiếp phải có mặt liên tục tại nơi làm việc, giám sát và có biện pháp để nhân viên đơn vị công tác không thực hiện những hành vi có thể gây tai nạn trong quá trình làm việc.

52.6. Trách nhiệm nhận và trả hiện trường công tác

Ký nhận, trả hiện trường công tác với Người cho phép.

53. Trách nhiệm của nhân viên đơn vị công tác

53.1. Phải nắm vững và thực hiện đầy đủ các quy định về an toàn liên quan đến công việc, phải nhận biết được các yếu tố nguy hiểm và phải thành thạo phương pháp sơ cứu người bị tai nạn do điện.

53.2. Phải tuân thủ hướng dẫn của Người chỉ huy trực tiếp và không làm những việc mà người chỉ huy không giao. Khi không thể thực hiện được công việc theo lệnh của người chỉ huy, hoặc nhận thấy nguy hiểm, thiếu an toàn nếu thực hiện công việc đó theo lệnh, nhân viên đơn vị công tác được phép ngừng ngay công việc và báo cáo người có trách nhiệm.

53.3. Chỉ được làm việc trong phạm vi cho phép.

53.4. Khi xảy ra tai nạn, mọi nhân viên đơn vị công tác phải tìm cách sơ cứu, cấp cứu người bị nạn và đồng thời báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất.

54. Trách nhiệm Người thi hành lệnh

54.1. Phải nắm vững thời gian, địa điểm, nội dung công việc được giao và các biện pháp an toàn phù hợp với yêu cầu của công việc.

54.2. Phải đọc kỹ nội dung lệnh công tác, nếu thấy bất thường hoặc chưa rõ thì phải hỏi lại ngay người ra lệnh.

54.3. Chuẩn bị, kiểm tra chất lượng của các dụng cụ, trang bị an toàn sử dụng trong khi làm việc.

54.4. Kiểm tra và thực hiện các biện pháp an toàn để tiến hành công việc.

55. Trách nhiệm của Người cảnh giới

55.1. Cùng với Người chỉ huy trực tiếp tiếp nhận và phải luôn có mặt tại vị trí cần cảnh giới để bảo đảm an toàn cho cộng đồng.

55.2. Phối hợp với Người chỉ huy trực tiếp để thực hiện công việc bảo đảm an toàn cho cộng đồng.

III.VII. Thực hiện công tác

56. Khẳng định các biện pháp an toàn trước khi tiến hành công việc

Trước khi bắt đầu công việc, Người chỉ huy trực tiếp phải khẳng định các biện pháp kỹ thuật an toàn ở nơi làm việc đã được chuẩn bị đúng và đầy đủ.

57. Kiểm tra dụng cụ

Trước khi làm việc, nhân viên đơn vị công tác phải kiểm tra các trang thiết bị an toàn, bảo hộ lao động và các dụng cụ, máy móc.

58. Yêu cầu khi tạm dừng công việc

Khi tạm dừng công việc, các biện pháp an toàn đã được áp dụng như nối đất di động, rào chắn, tín hiệu cảnh báo phải giữ nguyên trong thời gian công việc bị gián đoạn. Nếu không có người nào ở lại tại vị trí công việc vào ban đêm, đơn vị công tác phải có các biện pháp phù hợp để ngăn ngừa khả năng gây tai nạn. Khi bắt đầu lại công việc phải kiểm tra lại toàn bộ các biện pháp an toàn bảo đảm đúng và đủ trước khi làm việc.

59. Xử lý khi phát hiện các bất thường của thiết bị

59.1. Khi phát hiện thấy hư hỏng ở thiết bị có khả năng gây nguy hiểm cho người, nhân viên đơn vị công tác phải báo cáo ngay cho người có trách nhiệm sau khi đã áp dụng các biện pháp khẩn cấp để không gây nguy hiểm cho người.

59.2. Khi nhận được báo cáo về hư hỏng ở thiết bị có khả năng gây nguy hiểm cho người, người có trách nhiệm phải áp dụng ngay các biện pháp thích hợp.

59.3. Nếu có nguy cơ xảy ra chập điện hay điện giật thì phải cắt điện ngay. Trong trường hợp không thể cắt điện, phải áp dụng các biện pháp thích hợp như bố trí người gác để không xảy ra tai nạn cho người.

60. Xử lý khi xảy ra tai nạn, sự cố

Nếu xảy ra tai nạn hoặc sự cố, Người chỉ huy trực tiếp và nhân viên đơn vị công tác phải ngừng ngay công việc và tuân thủ các nguyên tắc sau đây:

60.1. Phải áp dụng các biện pháp thích hợp để ngăn ngừa các tai họa khác và không được đến gần thiết bị hư hỏng nếu có nguy hiểm.

60.2. Phải sơ cấp cứu người bị nạn và liên hệ ngay với các cơ sở y tế gần nhất.

60.3. Phải thông báo ngay cho các tổ chức có liên quan về trường hợp tai nạn.

61. Dừng và tạm dừng làm việc

61.1. Đơn vị công tác phải tạm dừng làm việc trong các trường hợp sau:

61.1.1. Nghỉ giải lao.

61.1.2. Thay đổi thời tiết không bảo đảm an toàn để tiếp tục làm việc.

61.1.3. Xuất hiện yếu tố nguy hiểm tại hiện trường công tác.

61.1.4. Khi Người chỉ huy trực tiếp hoặc Người giám sát an toàn điện hoặc Người cảnh giới không thể thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình hoặc phải rời khỏi hiện trường và không có người thay thế.

61.1.5. Xảy ra tai nạn, sự cố liên quan đến hiện trường công tác.

61.2. Yêu cầu khi tiếp tục làm việc

Trước khi tiếp tục làm việc, Người chỉ huy trực tiếp có trách nhiệm kiểm tra lại hiện trường công tác và chỉ cho đơn vị công tác thực hiện công việc nếu các biện pháp an toàn được đảm bảo.

61.3. Trường hợp quyết định dừng hẳn công việc thì thực hiện kết thúc công tác.

62. Thay đổi người của đơn vị công tác

Việc thay đổi người hoặc số lượng nhân viên đơn vị công tác do người có trách nhiệm của đơn vị công tác quyết định và Người chỉ huy trực tiếp phải xin ý kiến Người cho phép.

III.VIII. Kết thúc công tác

63. Trước khi bàn giao

Người chỉ huy trực tiếp phải thực hiện theo trình tự:

63.1. Trực tiếp kiểm tra lại các công việc đã hoàn thành, việc thu dọn dụng cụ, vệ sinh chỗ làm việc.

63.2. Ra lệnh cho nhân viên đơn vị công tác rút khỏi vị trí công tác, trừ người thực hiện việc dỡ bỏ các biện pháp an toàn.

63.3. Ra lệnh tháo dỡ các biện pháp an toàn do đơn vị công tác đã thực hiện trước khi làm việc.

63.4. Kiểm tra số lượng người, dụng cụ, vật liệu, trang thiết bị an toàn bảo đảm đã đầy đủ.

63.5. Cấm nhân viên đơn vị công tác quay lại vị trí làm việc.

64. Bàn giao nơi làm việc

Đơn vị công tác chỉ được bàn giao hiện trường công tác cho đơn vị quản lý thiết bị, quản lý vận hành khi công việc đã kết thúc và nối đất di động do đơn vị công tác đặt đã được tháo dỡ.

Sau khi đã thực hiện các bước tại Điều 63, Người chỉ huy trực tiếp ghi và ký vào mục kết thúc công việc của phiếu công tác và bàn giao nơi làm việc cho Người cho phép.

65. Nghỉ hết ngày làm việc và bắt đầu ngày tiếp theo

65.1. Nếu công việc phải kéo dài nhiều ngày thì sau mỗi ngày làm việc, đơn vị công tác phải thu dọn nơi làm việc, các biện pháp an toàn phải được giữ nguyên.

65.2. Khi bắt đầu công việc ngày tiếp theo, Người cho phép và Người chỉ huy trực tiếp phải kiểm tra lại các biện pháp an toàn và thực hiện việc cho phép làm việc.

65.3. Đến ngày làm việc tiếp theo, Người chỉ huy trực tiếp chỉ được phân công nhân viên đơn vị công tác vào làm việc sau khi Người cho phép đồng ý và kiểm tra lại các biện pháp an toàn đủ và đúng theo yêu cầu công việc.

Last updated

CÔNG TY CỔ PHẦN EHS

Giới thiệuTong-len

EHS